05/01/2025

‘Hậu Covid-19, tháo xích toàn quốc’, chuyện gì sẽ xảy ra?: Nhìn từ Thụy Sĩ

‘Hậu Covid-19, tháo xích toàn quốc’, chuyện gì sẽ xảy ra?: Nhìn từ Thuỵ Sĩ

Dịch Covid-19 khiến cả thế giới điên đảo, gồng mình ngăn sự bành trướng của con virus chết người trong dịch rồi dốc toàn lực khôi phục đất nước hậu dịch. Vừa tuyên bố tạm qua đỉnh dịch, Thuỵ Sĩ sẽ chọn chiến lược nào?  
Giữa cao trào dịch Covid-19, nhiều “ghế đá công viên” ở Thụy Sĩ cũng bị “nhốt” để góp phần thực hiện giãn cách xã hội /// Thục Minh

Giữa cao trào dịch Covid-19, nhiều “ghế đá công viên” ở Thụy Sĩ cũng bị “nhốt” để góp phần thực hiện giãn cách xã hội  Thục Minh
Nhận định đã tạm qua đỉnh dịch Covid-19 với số ca nhiễm mới giảm mạnh từ một tuần qua, chính phủ Thụy Sĩ chiều 16.4 công bố kế hoạch “tháo xích” toàn quốc kể từ 27.4.
Kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn: từ ngày 27.4, từ ngày 11.5 và từ ngày 8.6, “dựa trên đánh giá diễn biến dịch tễ học và khuyến nghị của các chuyên gia”, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga tại cuộc họp báo chiều qua ở thủ đô Bern.
Bà Simonetta Sommaruga là một trong 7 bộ trưởng của nội các “chẳng giống ai” ở Thụy Sĩ. Hiện bà phụ trách phụ Bộ Môi trường, Giao thông, Năng lượng và Thông tin, và đang giữ ghế Tổng thống Liên bang luân phiên năm 2020, một chức danh nặng tính lễ nghi hơn là thực quyền.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng khẳng định mục tiêu trước hết và sau cùng vẫn là tiếp tục bảo vệ sức khỏe của người dân
Cùng có mặt với bà trong cuộc họp báo về Covid-19 của Chính phủ – vốn diễn ra hàng tuần kể từ khi dịch phát tán mạnh ở nước này hồi cuối tháng 2.2020 – là Bộ trưởng Nội vụ (bao gồm các mảng Y tế, Bảo hiểm xã hội, Thống kê, Văn hóa và Khí tượng) Alain Berset, và Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Guy Parmelin.

Mở dần dần: Từ tiệm cắt tóc, mát-xa đến hoạt động mai táng

Bà Sommaruga cho biết Hội đồng Liên bang (tên chính thức của Chính phủ Thụy Sĩ – PV) đã “cân nhắc rất kĩ các yếu tố nguy cơ” trong việc xác định các giai đoạn nới lỏng những biện pháp khắc nghiệt được áp dụng từ ngày 16.3.2020 để kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm sự gia tăng tiếp xúc và di chuyển của con người, số người thuộc nhóm nguy cơ cao có thể bị nhiễm, năng lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa của các đơn vị kinh doanh khi được phép hoạt động trở lại.
'Hậu Covid-19, tháo xích toàn quốc', chuyện gì sẽ xảy ra?: Nhìn từ Thụy Sĩ - ảnh 1

Tổng thống Simonetta Sommaruga tại cuộc họp báo chiều 16.4 được phát trực tiếp trên
kênh truyền hình quốc gia hệ Pháp ngữ RTS.  Thục Minh

Đặc biệt, lợi ích kinh tế mà mỗi giai đoạn nới lỏng có thể đem lại đã được đánh giá rất kĩ, bà nói.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu từ ngày 27.4, các đơn vị kinh doanh có mức tiếp xúc trực tiếp thấp, hoạt động đi lại của con người không đáng kể, trong khi các biện pháp phòng lây nhiễm có thể áp dụng dễ dàng sẽ được mở cửa trở lại.
Các dịch vụ chăm sóc cá nhân có tiếp xúc thân thể như tiệm cắt tóc, mát-xa, xăm trổ, làm đẹp cũng được mở lại.
Thêm nữa là cửa hàng hoa, tiệm bán dụng cụ gia đình, vườn cây cảnh, và các tiện nghi công cộng tự phục vụ như tiệm rửa xe.
Hoạt động mai táng từ ngày 27.4 trở đi cũng không cấm cửa người thân trong dòng họ nữa.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện có thể nhận trở lại bệnh nhân nội trú đối với tất cả các thủ thuật. Mảng ngoại trú như nha khoa, vật lý trị liệu, mát-xa trị bệnh cũng được mở lại hoàn toàn và được khuyến khích “cần ngăn chặn hậu quả xấu có thể có do nhiều người bỏ khám và điều trị trong thời gian bị đóng cửa”.
Ngoài ra, một số sản phẩm thuộc diện không thiết yếu bị cấm bán tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm trong giai đoạn cao điểm dịch cũng được phép đưa lên kệ trở lại từ 27.4.
'Hậu Covid-19, tháo xích toàn quốc', chuyện gì sẽ xảy ra?: Nhìn từ Thụy Sĩ - ảnh 2

Bất chấp dịch bệnh, mùa xuân ở Thụy Sĩ vẫn rực rỡ, dù số người ra đường rất ít  Thục Minh

Giai đoạn 2 và 3: Mở cửa trường học, bảo tàng, sở thú…

“Nếu tình hình cho phép, trường học bậc phổ thông bắt buộc (tức tiểu học và trung học cơ sở đối với trẻ từ 4 – 15 tuổi – PV), các cửa hàng và chợ trời sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 11.5. Và từ ngày 8.6, các trường phổ thông trung học, trường dạy nghề, các cơ sở giáo dục bậc cao, cũng như bảo tàng, sở thú, thư viện có thể tái mở cửa”, bà Sommaruga thông báo.
Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, chính phủ Thụy Sĩ cũng thận trọng khuyến cáo việc đưa ra kế hoạch giai đoạn 2 và 3 là để “các đơn vị dự trù kế hoạch của mình”, còn thực tế có thực thi được hay không sẽ được công bố vào ngày 29.4 cho giai đoạn 2 và ngày 27.5 cho giai đoạn 3.
“Việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo tùy thuộc vào diễn biến số ca bệnh. Phải có đủ thời gian cách quãng để đánh giá hiệu ứng của từng giai đoạn. Tiêu chuẩn đánh giá là số ca nhiễm mới, số ca phải nhập viện, số ca tử vong và tỷ lệ lấp đầy giường bệnh viện”, Bộ trưởng Alain Berset giải thích.
'Hậu Covid-19, tháo xích toàn quốc', chuyện gì sẽ xảy ra?: Nhìn từ Thụy Sĩ - ảnh 3

Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset trình bày về kế hoạch mở cửa liên quan đến các vấn đề y tế.  Thục Minh

Đối với các sự kiện đông người, ông Alain Berset cho biết chính phủ chưa dự trù thời điểm cho phép tổ chức trở lại, mà sẽ được quyết đinh tại “một trong các cuộc họp sắp tới”.

Đeo khẩu trang chỉ bắt buộc đối với một số ngành, công việc đặc thù

Đi kèm quyết định tái mở cửa nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng kinh tế và nới lỏng sự hạn chế các quyền cơ bản của cá nhân và tổ chức, chính phủ Thụy Sĩ cũng khẳng định mục tiêu trước hết và sau cùng vẫn là tiếp tục bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao. Vì vậy, “các đơn vị kinh doanh và tổ chức phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa” khi tái hoạt động.
Theo đó, vệ sinh đôi tay và giãn cách xã hội phải được duy trì, nhóm người có nguy cơ cao về sức khỏe nên tiếp tục ở nhà; trong khi việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc đối với một số ngành, công việc đặc thù mà chính phủ Thụy Sĩ sẽ có khuyến cáo cụ thể.
Bộ trưởng Alain Berset cũng nói rằng việc đeo khẩu trang chỉ cần thiết đối với những người nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ nhiễm virus cao do tiếp xúc và di chuyển nhiều.
Bên cạnh đó, “khi số ca bệnh tại Thụy Sĩ giảm đáng kể, các tiểu bang sẽ tái tục việc truy tìm chuỗi lây nhiễm”, Bộ trưởng Alain Berset cho biết.
Cụ thể, người nhiễm virus phải được phát hiện, điều trị và cách ly sớm, đồng thời phải nhận diện chuỗi lây nhiễm để tránh lây lan rộng.
Thụy Sĩ sẽ ‘mở cửa hậu Covid-19’ từ 27.44

Thụy Sĩ đã qua đỉnh dịch. Số ca mắc Covid-19 phát hiện mỗi ngày đã giảm rõ rệt từ một tuần qua. (Đài truyền hình quốc gia RTS tổng hợp)  Ảnh: Thục Minh

Để thực hiện khâu này, ông Alain Berset cho biết chính phủ Thụy Sĩ sẽ mở rộng chiến lược xét nghiệm, phát triển ứng dụng có chức năng theo dõi và cung cấp thông tin những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

“Nguy cơ có đợt sóng thứ hai vẫn luôn hiện diện”

Với dân số gần 8,5 triệu người và 26.732 ca dương tính tính đến cuối ngày 16.4, Thụy Sĩ là quốc gia có tỉ lệ người nhiễm Covid-19 cao hàng nhất nhì tại châu Âu, với 3,11 người mắc/1.000 dân.
Ca đầu tiên dương tính được ghi nhận tại Thụy Sĩ ngày 25.2 ở tiểu bang miền nam Ticino, giáp với vùng Lombardy của Ý – quốc gia bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở châu Âu.
Người này mang virus về Thụy Sĩ từ Tuần lễ thời trang Milan.
Do không áp dụng bất kì biện pháp hạn chế nhập cảnh hay cách ly đối với người đến hoặc đi qua các vùng dịch khắp thế giới từ trước, số ca nhiễm tại Thụy Sĩ tăng nhanh từ sau ngày 25.2.
Thụy Sĩ sẽ ‘mở cửa hậu Covid-19’ từ 27.45

Số ca tử vong mỗi ngày do Covid-19 cũng đang trên đà giảm  Ảnh: Thục Minh

Thụy Sĩ sẽ ‘mở cửa hậu Covid-19’ từ 27.46

Số ca mắc Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện theo ngày   Ảnh: Thục Minh

Đỉnh điểm là ngày 20.3 có đến 1.393 ca mắc mới và con số này liên tục duy trì ở mức trên 500 ca mỗi ngày cho đến 11.4.
Từ 12.4, số ca nhiễm mỗi ngày dao động từ 200 – 400.
Số ca tử vong mỗi ngày trồi sụt nhưng đang trên đà giảm và cộng dồn đến cuối ngày 16.4 là 1.281 ca.
Trong khi đó, số bệnh nhân bình phục luôn ở mức khả quan. Đến cuối ngày 16.4, Thụy Sĩ đã có 15.900 bình phục hoàn toàn, chỉ còn 9.551 ca vẫn đang điều trị, trong đó hơn 80% tự điều trị tại nhà dưới sự theo dõi của bác sĩ tư và 1.728 ca đang nằm viện, với 386 ca nguy cấp.
Trong giai đoạn cao trào (20.3 – 10.4), số ca nằm viện chỉ dao động trong khoảng 2.000 – 2.300, nên các bệnh viện của Thụy Sĩ không có tình trạng quá tải, số máy thở tổng cộng trên 800 cái của cả nước chưa cần dùng hết.
Thụy Sĩ vì vậy đã nhận điều trị giúp một số bệnh nhân Covid-19 của nước láng giềng Pháp.
Mặc dù tự tin đã vượt qua đỉnh dịch, Thụy Sĩ vẫn xác định: “Nguy cơ có đợt sóng thứ hai vẫn luôn hiện diện và tuyệt đối phải tránh điều đó, bởi nó có thể gây thiệt hại về con người khủng khiếp hơn các thiệt hại về kinh tế”, Tổng thống Simonetta Sommaruga phát biểu trong chương trình Diễn đàn của đài truyền hình quốc gia hôm trước.
THỤC MINH
TNO