Các nội dung này đã được đại diện nhiều trường đại học (ĐH) nêu ra trong hội nghị trực tuyến “Tác động của việc đóng cửa trường ĐH đối với các hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng, nghiên cứu
khoa học và quản trị ĐH” do Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) tổ chức ngày 16.4.
Chất lượng không bằng dạy trực tiếp ?
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Phó giám đốc ĐH Huế, việc đào tạo trực tuyến trong thời điểm dịch
Covid-19 kéo dài gây bị động cho các trường khi quy định thể chế của Bộ GD-ĐT và trường chưa ban hành kịp.
Chưa có quy định về học phí trực tuyến
PGS-TS Huỳnh Văn Chương cho rằng: “Bộ nên sớm ban hành quy định về đào tạo trực tuyến, cho cơ chế thống nhất về thu học phí. Vì nếu căn cứ vào quy định thu học phí hiện hành là Nghị định 86 của Chính phủ thì việc thu học phí phải cân nhắc. Trong khi, tại ĐH Huế đã triển khai đào tạo trực tuyến tới 80%”.
Ông Võ Trung Hùng cũng cho biết các trường thành viên của ĐH
Đà Nẵng và nhiều trường khác đều đang vướng vấn đề thu học phí vì chưa biết thu thế nào.
Vì vậy, theo ông Chương, có nhiều khó khăn đặt ra với hình thức đào tạo này hiện nay. Ở ĐH Huế hiện có khoảng 5% sinh viên (SV) không đăng ký học trực tuyến. Dù đã có sự hỗ trợ về băng thông internet trong thời gian này nhưng chủ yếu cho các cơ sở đào tạo nên chưa thuận lợi với người học. Trong khi đó, việc triển khai chưa có sự đồng nhất giữa các trường, có trường tự viết phần mềm, trường mua hoặc sử dụng miễn phí nên chưa giám sát được.
PGS-TS Nguyễn Duy Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình, chia sẻ: “Hiện nay chưa có lượng giá nhưng phải nói thẳng,
giảng dạy trực tuyến chắc chắn chất lượng không bằng trực tiếp. Trường tôi điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ của thầy cô trong giảng dạy trực tuyến chưa tốt nên gặp nhiều khó khăn”.
Tiến sĩ Lê Vũ Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cũng cho rằng dạy học trực tuyến có những hạn chế như tính tương tác không cao, âm thanh không rõ. Ông Nam cho biết tới ngày 4.5 trường sẽ quay trở lại dạy học tập trung nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ tuyên bố kết thúc
thời gian cách ly xã hội. Khi học tập trung, trường sẽ bố trí 2 buổi để giảng viên trao đổi, kiểm tra lại bài giảng để đảm bảo chất lượng dạy học.
Theo PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, hiện chỉ 70 – 80% SV tham gia
học trực tuyến. Trường có rất nhiều học phần thực hành và thí nghiệm, dù cố gắng thực hành mô phỏng nhưng không thể bằng dạy học trực tiếp được.
Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Quy Nhơn cho biết do hạ tầng công nghệ thông tin không đủ đáp ứng cho dạy học trực tuyến, trong khi đa phần SV của trường đều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên điều kiện khó khăn. Đến nay, trường này chưa thể triển khai dạy học trực tuyến.
Kiểm tra, đánh giá thế nào ?
Trước những tranh cãi khác nhau về hiệu quả và chất lượng dạy học trực tuyến, một vấn đề được nhiều người quan tâm là cách thức các trường ĐH đánh giá và công nhận kết quả học, thi.
Theo tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trường chỉ cho thi tập trung, không tổ chức thi trực tuyến.
Hơn 80% SV cho rằng học trực tuyến hiệu quả không cao
Một khảo sát nhanh về việc học trực tuyến do Đoàn thanh niên và Hội SV Trường ĐH Nha Trang thực hiện với gần 4.000 SV trong ngày 12.4 vừa qua cho thấy đa số SV học trực tuyến bằng điện thoại và phần lớn không có wifi để học.
Có tới 85% SV cho rằng việc học trực tuyến có hiệu quả thấp hơn so với học truyền thống. Có 14 – 18% SV còn cho rằng
giảng viên chưa điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với hình thức trực tuyến, chỉ đưa bài giảng lên hệ thống và chưa có nhiều tương tác với người học.
Cùng cách làm này, bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Ngoại thương, khẳng định: “Quá trình giảng dạy trực tuyến trường hiện cho phép giảng viên đánh giá giữa kỳ. Còn bài thi kết thúc học phần phải đợi trở lại trường mới thực hiện theo hình thức tập trung”.
PGS-TS Huỳnh Văn Chương thì cho biết: “Chúng tôi không đánh giá 100% kết quả học trực tuyến. Quy chế đào tạo trực tuyến tạm thời của ĐH Huế hiện chỉ công nhận kết quả 50%, phần còn lại sẽ phải chờ vào thực hành, làm đồ án và thi kết thúc học phần”.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế – Luật có cách làm khác. Theo tiến sĩ Lê Vũ Nam, trường này đã tổ chức dạy 100% trực tuyến. Để chuẩn bị cho công tác đánh giá kết quả, trường có công văn triển khai theo nhiều hình thức thi trực tuyến như: thi vấn đáp, thi trắc nghiệm, thi tự luận, đồ án, làm bài tập trên máy tính… “Tùy điều kiện của từng khoa sẽ đăng ký lựa chọn thi hình thức đánh giá phù hợp”, ông Nam cho hay.
PGS-TS Võ Trung Hùng cũng cho biết có thể Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng sẽ tổ chức thi cuối kỳ ngay trên hệ thống
đào tạo trực tuyến của trường.
Trao đổi thêm bên ngoài hội nghị, đại diện một số trường ĐH cho biết dù dạy học trực tuyến nhưng không thực hiện thi kết thúc học phần bằng hình thức này. PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết tổ chức thi kết thúc học phần khi SV trở lại trường.