24/11/2024

Bộ GD-ĐT nói gì về việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 ?

Bộ GD-ĐT nói gì về việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 ?

Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh băn khoăn của xã hội về việc dạy học trực tuyến học sinh lớp 1, 2 gây căng thẳng nhưng hiệu quả không cao.
Một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) học từ xa trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19  
 /// Ảnh: Nguyễn Loan

Một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) học từ xa trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19  Ảnh: Nguyễn Loan

Chỉ dạy khi đủ điều kiện và có kế hoạch phù hợp

Ông Thái Văn Tài cho biết: Văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến của Bộ đã nêu rất kỹ về các điều kiện đảm bảo cho dạy học theo hình thức này… Với cấp tiểu học, trong hướng dẫn nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 của năm học này cũng đã quy định: riêng với học sinh (HS) ở khối lớp nhỏ (lớp 1, 2) thì ưu tiên số một là đảm bảo những yếu tố cốt lõi nhất, mang tính chất công cụ để các em hoàn thành những nội dung căn bản nhất, làm cơ sở để có thể tiếp tục học lên các lớp tiếp theo…
Những nơi có đủ điều kiện thuận lợi để triển khai dạy học trực tuyến cho HS tiểu học cũng phải có kế hoạch triển khai rất phù hợp với độ tuổi; sử dụng nhiều phương pháp, có sự tương tác giữa người dạy và người học; duy trì phiếu học tập, có sự tương tác giữa giáo viên và gia đình, có sự tham gia của bố mẹ HS trong hỗ trợ con học từ xa… Hình thức học tập này nhằm duy trì cho các con thói quen học tập, đồng thời củng cố được kiến thức cơ bản trong thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19.
Sau khi có hướng dẫn về dạy học từ xa, Bộ có nhận định như thế nào về việc triển khai dạy học theo hình thức này với cấp tiểu học ở các địa phương?
Qua quan sát ban đầu, chúng tôi thấy có nhiều biện pháp được áp dụng. Có nơi dạy trực tuyến bằng nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ khác nhau; ở nơi khó khăn thì nhà trường phối hợp với gia đình cũng như một số tổ chức chính trị ở địa phương để giao các phiếu học tập cho HS… Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình, các địa phương đang thực hiện chủ yếu với HS lớp 4 và 5, với 3 môn học là tiếng Việt, toán và tiếng Anh.
Không ít nhà trường và địa phương vẫn đang triển khai dạy trực tuyến cho cả HS lớp 1 và lớp 2. Có nơi xếp thời khóa biểu dạy 2 buổi/ngày trực tuyến như học chính khóa khiến HS và phụ huynh khá căng thẳng, trong khi hiệu quả học tập không như mong muốn. Bộ có tính đến việc ban hành hướng dẫn riêng về dạy học từ xa với cấp tiểu học không, thưa ông?
Đúng là việc dạy học từ xa với tiểu học là điều hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có trong tiền lệ, nên đây là việc phải làm quen với cả người dạy và người học. Một tiết học với tiểu học theo hình thức nào thì cũng không thể quá 35 phút vì tâm lý lứa tuổi của các con không cho phép việc học kéo dài hơn mà không có quãng nghỉ. Tuy nhiên, do chưa quen nên nhiều khi việc ổn định lớp học, điểm danh sĩ số… trên lớp học trực tuyến tốn khá nhiều thời gian; chưa kể trong quá trình học, HS lại bị trục trặc về đường truyền, về việc cần phát biểu, giải đáp mà việc kết nối không thông suốt… nên thực tế có những tiết dạy kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Bộ đang tiếp tục theo dõi và sẽ nghiên cứu để nếu cần thiết sẽ có hướng dẫn hoặc chỉ đạo kịp thời. Mục tiêu không phải để gây sức ép cho việc triển khai một cách đồng loạt mà phải làm sao duy trì được việc học có hiệu quả, tránh gây mệt mỏi, căng thẳng không cần thiết, đặc biệt là với HS còn quá nhỏ tuổi.

Giải pháp nào nếu HS lớp 1 lên lớp 2 không biết đọc, biết viết ?

Nhiều phụ huynh có con học lớp 1 hiện đang rất lo lắng vì thời gian nghỉ quá dài đã khiến các con quên cách đọc, cách viết được làm quen trong học kỳ 1. Việc học từ xa rất khó giải quyết được vấn đề này. Vậy, Bộ có giải pháp gì không, thưa ông?
Bộ có đặt ra yêu cầu là khi HS đi học trở lại thì nhà trường dứt khoát phải làm một việc đầu tiên, đó là đánh giá lại chất lượng học tập mà giáo viên và cơ sở giáo dục đó đã tổ chức triển khai trong thời gian nhà trường tạm đóng cửa vì dịch bệnh. Điều này nhằm giúp cho giáo viên biết HS của mình đang hổng ở phần kiến thức nào để có biện pháp bù bằng được kiến thức đó cho các con, đảm bảo kiến thức cốt lõi của chương trình.
Chúng tôi hy vọng rằng, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay thì HS có thể đi học được vào tháng 5, cùng với chương trình đã được tinh giản tối đa mà Bộ đã ban hành thì các nhà trường vẫn đủ thời gian để triển khai dạy học trực tiếp và các em vẫn đảm bảo hoàn thành chương trình với những kiến thức nền tảng, cốt lõi nhất. Với HS lớp 1 thì yêu cầu đặt ra là không để HS lớp 1 lên lớp 2 mà chưa biết đọc, biết viết.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp thời gian trở lại trường quá muộn so với thời điểm kết thúc năm học thì việc bù đắp kiến thức cốt lõi như ông vừa nói có khả thi?
Bộ cũng tính đến việc nếu thời gian học trực tiếp của năm học này quá eo hẹp thì các địa phương và cơ sở giáo dục có thể sử dụng thời lượng phù hợp ngay đầu năm học tiếp theo (2020 – 2021) để ôn tập, củng cố kiến thức cho HS.
TUỆ NGUYỄN
TNO