Lướt mạng xem like giống ngồi trước máy đánh bạc chờ xổ số
Lướt mạng xem like giống ngồi trước máy đánh bạc chờ xổ số
“Đêm nào cũng vậy, cứ đến 11 giờ, tôi lại nằm một mình, gặm nhấm những điều tồi tệ về bản thân”. Đó là lời mở đầu bài viết có tựa đề Làm cách nào để ngừng để tâm xem người khác nghĩ gì về mình của nữ tác giả Rachel Thompson.
“Tôi biết lẽ ra mình nên làm gì đó thư giãn hơn, như là đếm cừu. Nhưng hết đêm này đến đêm khác, tôi cứ mở mắt thao láo nằm trong bóng tối, nhìn vào bức tường trước mặt, rồi lo lắng về những điều người khác nghĩ về mình”, Rachel viết.
Trong bài viết, cô miêu tả bản thân bị suy nghĩ về những điều mình chưa làm tốt cuốn trôi, như những tin nhắn của bạn bè mà mình chưa trả lời, những dịp sinh nhật bạn bè mà cô bỏ lỡ, những lần cô quên gọi điện thoại cho người thân, rồi liệu mình có nên thân thiện hơn khi gọi cà phê không?
Đó không chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ mà Rachel nhớ đến cho dễ ngủ, mà cô thường xuyên “để tâm” đến nhiều điều như vậy.
“Khi tôi đăng Twitter, tôi lo lắng liệu mọi người có nghĩ là giọng điệu của tôi quá xấu tính không. Trên Instagram, tôi lo rằng chú thích ảnh và story của mình không đủ dí dỏm”, Rachel chia sẻ trong bài viết.
Rồi một ngày, một người sếp cũ nói với cô: “Cô cần phải ngừng để tâm đến người khác nghĩ gì về mình đi, nghiêm túc đấy!”.
“Tôi ước rằng chuyện đó làm cũng dễ như nói”, Rachel bày tỏ trong bài viết. Cô quyết định đi gặp chuyên viên tư vấn sức khỏe, những người có thể chỉ cho cô cách thực tế để loại bỏ thói quen khó chịu đó:
1. Hiểu rằng đó chỉ là bản chất tự nhiên của con người. Rachel được giải thích rằng việc cô lo lắng là tự nhiên, bởi “Là con người, tất cả chúng ta đều có một nỗ lực bẩm sinh để kết nối với những người khác”. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ dễ thông cảm cho bản thân hơn.
2. “Nghỉ giải lao” khỏi “nền kinh tế sức chú ý” trên mạng. Là một người gắn liền với thế giới online, Rachel thường đánh giá thành tích cá nhân của mình thông qua lăng kính mạng.
Ví dụ, nếu cô đăng một bức ảnh chụp mình mà cô thích, thế nhưng không nhận được nhiều lượt thích, cô sẽ đặt câu hỏi về khả năng tự đánh giá của mình.
“Việc cứ lướt màn hình và xem người ta cho mình bao nhiều ‘like’ cũng giống như việc ngồi trước một chiếc máy đánh bạc rồi chờ nó xổ số ra xem người ta có thích mình không vậy” – Rachel trích lời nhà văn Jia Tolentino.
3. Xác định nguồn cơn mong muốn được người khác chấp nhận. Chuyên gia tâm lý Klemich đề nghị Rachel can đảm và trung thực với chính mình bằng cách đặt câu hỏi rằng “Mình tìm kiếm sự chấp thuận từ lúc nào?”.
Bạn có thể phải nhìn lại quá khứ của mình để tìm ra điều đó, dù có thể khiến bạn không thoải mái. Bằng cách đó, bạn xác định loại tình huống đã kích hoạt tâm lý làm hài lòng người khác trong cuộc sống hiện tại và loại bỏ nó đi.
4. Viết nhật ký. Đó là lúc bạn có cơ hội nhìn lại bản thân mình, lắng nghe cảm xúc của mình, xác định những ưu tiên trong cuộc sống, những kế hoạch lâu dài… Việc viết nhật ký thường xuyên có thể giúp tăng cường nhận thức về bản thân mình.
5. Vạch ra ranh giới rõ ràng. “Bắt đầu trung thực với chính mình khi bạn nhận một yêu cầu, hãy tự hỏi, bạn đang làm điều đó bởi vì đó là ‘đúng’ cho bạn, hay vì bạn muốn người khác hài lòng về mình?,” Rachel được khuyên.
6. Tăng cường chấp nhận bản thân mình. Hãy chấp nhận cơ thể mình và tin tưởng vào giá trị của bản thân.
7. Chịu trách nhiệm về chính mình. Vượt qua mọi cảm xúc tiêu cực như tự trách móc và tập trung vào các khía cạnh tích cực của bản thân.
Chuyên gia khuyên Rachel nên học cách “điều chỉnh lại các tình huống tiêu cực để nhìn thấy các cơ hội trong đó, thay vì chỉ nhận thức được sự chỉ trích”.