08/01/2025

Đập thuỷ điện Trung Quốc gây hạn hạ lưu sông Mê Kông

Đập thuỷ điện Trung Quốc gây hạn hạ lưu sông Mê Kông

Các đập Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mê Kông ngay cả trong mùa mưa, gây hạn hán cho khu vực hạ lưu.
Sông Mê Kông trơ đáy, với những đụn cát ở đoạn chảy qua làng Ban Namprai, tỉnh Nong Khai (Thái Lan) ngày 8.10.2019
 /// Ảnh: AFP

Sông Mê Kông trơ đáy, với những đụn cát ở đoạn chảy qua làng Ban Namprai, tỉnh Nong Khai (Thái Lan) ngày 8.10.2019  Ảnh: AFP
Trong đợt hạn hán năm ngoái, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 thập niên qua, đe dọa đời sống của khoảng 60 triệu người, nhưng các đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn vẫn dồi dào nước.

Đập Trung Quốc giữ nước trong mùa mưa

Theo nghiên cứu mới công bố của Công ty Eyes on Earth Inc. (Mỹ), dữ liệu vệ tinh về độ ẩm bề mặt trên đất liền cho thấy mực nước tại khu vực thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 5 – 10.2019. Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3 m so với mức cần thiết, nhóm nghiên cứu cho biết.
“Điều này cho thấy các đập của Trung Quốc đã giữ nước làm cho tình trạng hạn hán ở hạ lưu nghiêm trọng hơn. Nếu người Trung Quốc tuyên bố họ không có động thái cố tình gì trong đợt hạn hán thì dữ liệu của chúng tôi chống lại họ”, ông Alan Basist, nhà khí tượng học – Chủ tịch Công ty Eyes on Earth Inc. (Mỹ), nói với Reuters. Eyes on Earth Inc., công ty nghiên cứu và tư vấn về nước, tiến hành nghiên cứu này với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông.
Trong một báo cáo, ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ), lưu ý: “Nếu đập Trung Quốc không hạn chế dòng chảy, một phần của sông Mê Kông dọc theo biên giới Thái Lan – Lào sẽ có mực nước trên trung bình từ tháng 4.2019 đến nay thay vì chịu đựng hạn hán nghiêm trọng”.
Ông Eyler đồng thời lưu ý: “Dữ liệu của Eyes on Earth Inc. xác nhận mối lo ngại lâu nay là tình hình hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu là hậu quả từ chính sách quản lý nước của Trung Quốc. Người Trung Quốc muốn giữ lấy nước sông là của riêng, không phải hàng hóa dùng chung”.

Trung Quốc che đậy thông tin về 11 đập

Tác động của 11 đập Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông luôn là vấn đề tranh luận lâu nay, nhưng thiếu dữ liệu vì Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết về lượng nước mà các đập đang sử dụng để đổ vào hồ chứa, theo Reuters. Dùng công nghệ cảm biến đặc biệt SSMI/S để thu thập dữ liệu vệ tinh từ năm 1992 – 2019, Eyes on Earth Inc. có thể ước tính các hồ chứa nước của Trung Quốc có tổng công suất hơn 47 tỉ m3.
Thực tế là kể từ khi thông tin về các đập thủy điện Trung Quốc xuất hiện trên mạng hồi 2012, các chỉ số mực nước sông bắt đầu biến động, điều này thể hiện rõ nét nhất vào năm 2019, chuyên gia Basist lưu ý. Bên cạnh đó, Trung Quốc không có hiệp ước chính thức với các nước hạ lưu sông Mê Kông, nhưng hứa hẹn sẽ hợp tác quản lý dòng sông dài 4.350 km và phối hợp điều tra nguyên nhân của đợt hạn hán kỷ lục năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang kiểm soát sông Mê Kông. Phát biểu tại thủ đô Bangkok của Thái Lan năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đợt hạn hán nghiêm trọng xuất phát từ “quyết định của Trung Quốc về việc chặn dòng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông”.
Trong một thông báo ngày 13.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ nghiên cứu của Eyes on Earth Inc., đồng thời cho rằng việc xem các đập của nước này gây ra hạn hán ở hạ lưu sông Mê Kông là “vô lý”. Theo thông báo, tỉnh Vân Nam cũng hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và lượng nước trong hồ chứa tại các đập thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Dù vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết nước này sẽ làm hết sức mình để đảm bảo “lượng nước xả hợp lý” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
“Tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với dữ liệu mới công bố. Chính quyền Trung Quốc đang nói dối hoặc những người vận hành đập ở thượng nguồn che đậy sự thật”, ông Eyler, tác giả quyển Những ngày cuối cùng của sông Mê Kông, nói.
PHÚC DUY
TNO