09/01/2025

Chú trọng an toàn trong tiêm chủng mở rộng

Chú trọng an toàn trong tiêm chủng mở rộng

Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về giám sát phản ứng sau tiêm chủng, trong năm 2019, cả nước ghi nhận 48.169 trường hợp phản ứng thông thường và 28 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Tiêm chủng mở rộng tại Hà Giang	 /// Ảnh: Liên Châu

Tiêm chủng mở rộng tại Hà Giang  Ảnh: Liên Châu
Bộ Y tế cho biết: Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt dưới 39oC và các triệu chứng khác. Về tai biến nặng sau tiêm chủng, ghi nhận 28 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ.
Theo đó, trong 28 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận 19 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin ComBE Five (trên tổng số 2,506 triệu liều vắc xin ComBE Five đã sử dụng); 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (trên tổng số 3,236 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản đã sử dụng); 2 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh (trên tổng số hơn 1,262 triệu liều vắc xin viêm gan B sơ sinh đã sử dụng).
Nguyên nhân gây tai biến được ghi nhận: 5 trường hợp là phản ứng phản vệ do đặc tính của vắc xin (17,9%); 10 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (35,7%), là các trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh; 13 trường hợp không rõ nguyên nhân (46,4%).
Không có trường hợp nào phản ứng do chất lượng của vắc xin, do thực hành tiêm chủng. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Bộ Y tế cho biết, an toàn tiêm chủng là vấn đề chú trọng trước tiên trong tiêm chủng mở rộng. Hệ thống y tế thường xuyên có các cuộc tập huấn, kiểm tra thực hành an toàn tiêm chủng tại các trạm y tế xã. Hệ thống giám sát an toàn tiêm chủng được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố.
Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đều được hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin của tỉnh; Bộ Y tế đánh giá, kết luận nguyên nhân và thông tin công khai.
Vắc xin ComBE Five hiện được thay thế bằng vắc xin “5 trong 1” do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, có thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương (phòng 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho , viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib).
LIÊN CHÂU
TNO