Andrea Rohde sống ở thành phố Konstanz, miền nam nước Đức và Markus Brassel trong ngôi làng Tägerwilen của Thụy Sĩ. Trước đây, chỉ mất 10 phút lái xe là cả hai có thể gặp nhau, nhưng kể từ khi biên giới Đức và Thụy Sĩ đóng cửa vào ngày 16-3, hành trình ngắn ngủi cũng đã trở nên bất khả thi – Ảnh: NOELE ILLIEN
Gần 4 tháng kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo, hàng triệu người trên toàn thế giới đã nhiễm bệnh.
Tính phức tạp của dịch bệnh, sự thiếu hụt thuốc men và thiết bị y tế khiến các quốc gia buộc phải áp dụng quy định đóng cửa biên giới, khoanh vùng cách ly và giãn cách xã hội, như một biện pháp tốt nhất để ngăn dịch bệnh.
Các biện pháp này gây nên không ít xáo trộn trong cuộc sống đời thường của người dân toàn thế giới. Đối với những người yêu nhau, những cặp vợ chồng lỡ chuyến bay cuối cùng về nhà, COVID-19 khiến trái tim yêu thương của họ bùng lên cảm xúc nhớ nhung và khao khát gặp gỡ hơn bất cứ khoảng thời gian nào trước đó.
Có nhiều cặp đôi chỉ cách nhau 10 phút lái xe cũng không thể đến gặp nhau. Công nghệ hiện đại giúp các cặp đôi gần nhau hơn nhưng những dòng tin nhắn, những cuộc gọi video, những cái ôm, nụ hôn qua màn hình lạnh lẽo chẳng thể thỏa mãn trái tim yêu thương.
Và những cuộc hẹn vẫn được diễn ra, dù cả hai chỉ có thể đứng ở hai bên quốc gia. Tấm rào ngăn cách chẳng giữ được lời yêu trao nhau giữa dịch bệnh.
Kreuzlingen – Konstanz – Tägerwilen, ba thành phố này vốn là những địa danh đặc biệt của Thụy Sĩ và Đức. Đặc biệt là Kreuzlingen và Konstanz, người dân có thể tự do di chuyển giữ hai thành phố của hai quốc gia từ năm 2009. Sự hợp nhất đặc biệt biến nơi đây tuy là của hai quốc gia khác nhau nhưng lại như một thành phố chung – Ảnh: NOELE ILLIEN
Hai mẹ con trò chuyện qua hàng rào ngăn cách – Ảnh: NOELE ILLIEN
Nơi này chứng kiến hơn 100 cuộc gặp của các cặp đôi mỗi ngày. Họ chỉ có thể nhìn nhau và đứng nói chuyện, chẳng thể trao nhau một cái ôm siết chặt của tình yêu như trước – Ảnh: THOMAS KERN/ REUTERS
Ban đầu, chính quyền Đức dựng một hàng rào cao 1,2m vào giữa tháng 3 khi biên giới bị đóng cửa. Thụy Sĩ đã dựng lên một hàng rào thứ hai một vài tuần sau đó vì có quá nhiều người tụ tập ngồi uống bia, chơi bài và ôm hôn nhau bất chấp luật lệ – Ảnh: THOMAS KERN/ REUTERS
Việc nói chuyện hằng ngày qua điện thoại dẫu sao không thể mang lại cảm xúc và thỏa lòng mong nhớ hơn việc gặp gỡ trực tiếp – Ảnh: THOMAS KERN/ REUTERS
Gần ngay trước mắt mà như xa cách ngàn trùng – Ảnh: THOMAS KERN/ REUTERS
Cụ ông Karsten Tüchsen Hansen, 89 tuổi, đi xe đạp đến biên giới Đức-Đan Mạch để gặp người bạn tâm giao của mình, cụ Inga Rasmussen, 85 tuổi, gần như mỗi ngày. Cả hai ngồi ở bên lãnh thổ quốc gia mình, bên ly cà phê nóng, cùng tâm sự hỉ nộ ái ố cuộc đời. Tấm thanh chắn chỉ ngăn được biên giới mà không thể ngăn cách được tình cảm con người – Ảnh: REUTERS / FABIAN BIMMER
“Không ngại ngăn sông cách núi mà chỉ ngại lòng người cách núi ngăn sông” – Ảnh: ALLIANCE/DPA/F.MOLTEL
Đối với những người đang yêu, giữ khoảng cách như thế này là việc rất khó khăn – Ảnh: THOMAS KERN/ REUTERS
…đặc biệt là khi ánh nắng mùa xuân phủ khắp mọi góc phố, gió mơn man và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ thì vẫn đang căng tràn – Ảnh: THOMAS KERN/ REUTERS