28/12/2024

Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam

Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam

Ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện ngày 23.1. Tới nay (8.4), trải qua 77 ngày, cả nước ghi nhận 249 ca bệnh, 122 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Các ca bệnh từ ngày 23.1 tới 7.4 /// Đồ họa: Lê Hiệp

Các ca bệnh từ ngày 23.1 tới 7.4  Đồ họa: Lê Hiệp

Giai đoạn 1: 16 ca bệnh Covid-19 đầu tiên

Tối 23.1 (29 Tết Canh Tý), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xác nhận 2 bệnh nhân (BN) dương tính với vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đầu tiên tại Việt Nam. Hai BN là cha con người Trung Quốc. Người đàn ông (66 tuổi) cùng vợ từ Vũ Hán (Trung Quốc) sang thăm con đang làm việc tại Long An. Trong thời gian ở Nha Trang (Khánh Hòa), 2 BN này đã lây bệnh cho một nữ nhân viên khách sạn tại đây. Ngoài ra, tại TP.HCM cũng ghi nhận 1 BN là Việt kiều về Việt Nam nhiễm bệnh do có thời gian quá cảnh tại sân bay Vũ Hán.
Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam - ảnh 1

Sơ đồ mối liên hệ 16 ca bệnh trong giai đoạn 1

Ổ dịch trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh bắt nguồn từ 6 BN là nhân viên Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản được cử sang Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn từ tháng 11 và cùng trở về Việt Nam ngày 17.1. Trong số đó, BN số 5 (N.T.D, nữ, 23 tuổi) quê tại xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, sau đó đã trở thành người lây nhiễm SARS-CoV-2 cho 5 người tiếp xúc với mình, gồm: bố, mẹ, em gái, 1 người họ hàng và 1 người hàng xóm. Người hàng xóm nhiễm bệnh tiếp tục lây bệnh cho người cháu ngoại 3 tháng tuổi của mình. Tổng số BN của giai đoạn đầu tiên là 16 người.

Ngay từ những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã tích cực và quyết liệt trong việc thực thi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 24.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ra lệnh kích hoạt Trung tâm phòng chống dịch bệnh khẩn cấp ứng phó dịch Covid-19. Ngày 6.2, tất cả địa phương trên cả nước quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch. Tới ngày 12.2, Việt Nam quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đây là biện pháp mạnh mẽ nhất được thực hiện trong giai đoạn 1 của dịch bệnh theo chiến lược phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để. Tới ngày 25.2, 1 tháng sau khi có ca bệnh đầu tiên, toàn bộ 16 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam đều khỏi bệnh.

Giai đoạn 2: Các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài

Sau hơn 20 ngày không có ca bệnh mới, tối 6.3, TP.Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn và xác nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên của TP, cũng là ca thứ 17 của Việt Nam.
BN là N.H.N (26 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội) từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay VN0054 tới Hà Nội sáng 2.3.
Cùng với BN 17, 20 BN khác là hành khách trên chuyến bay VN0054 được công bố. BN 17 cũng lây nhiễm cho 3 người khác, gồm lái xe riêng, bác gái và người giúp việc cho mình. Tới ngày 10.3, Việt Nam ghi nhận thêm BN 34 sống tại Bình Thuận, trở về từ Mỹ. BN này sau đó đã trở thành nguồn lây cho 11 BN khác, trong đó có 5 người là người thân, 3 người tiếp xúc trực tiếp và 3 người khác nhiễm bệnh do tiếp xúc với những người tiếp xúc với BN 34.
Với BN 17 và BN 34, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh với các ca bệnh hầu hết trở về từ châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác. Tới hết ngày 19.3, Việt Nam có thêm 68 BN mới, thì trong số này có tới 59 BN trở về từ nước ngoài. Nguyên tắc phòng, chống dịch trong giai đoạn này của Việt Nam vẫn là phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để. Cả 2 ổ dịch tại Trúc Bạch và Bình Thuận đều được phong tỏa ngay sau khi các BN 17 và 34 được công bố.
Sơ đồ mối liên hệ 69 ca bệnh trong giai đoạn 2

Sơ đồ mối liên hệ 69 ca bệnh trong giai đoạn 2

Ngày 17.3, trước tình trạng các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài tăng lên nhanh chóng, Thủ tướng đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày, từ 0 giờ ngày 18.3. Chiều 19.3, Vietnam Airlines thông báo tạm dừng tất cả đường bay quốc tế đến hết 30.4.
Ngày 21.3, Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22.3, đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh.

Giai đoạn 3: Nguy cơ lây lan trong cộng đồng, mất dấu F0

Chiều 20.3, Bộ Y tế công bố 2 BN Covid-19 thứ 86 và 87 là 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội). Đáng nói là tiền sử dịch tễ của 2 BN này không cho thấy nguồn lây vi rút khi cả 2 đều không có lịch sử tiếp xúc với các BN Covid-19. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố BN 91, là phi công của Vietnam Airlines về từ Anh.
Ba BN này đã mở đầu cho giai đoạn 3 của dịch Covid-19 tại Việt Nam: giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và không thể truy vết BN đầu tiên (F0).
Hai ổ dịch với nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao giai đoạn này là ổ dịch tại BV Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP.HCM). Tới nay, đã có 45 BN liên quan tới ổ dịch BV Bạch Mai, trong đó 27 BN là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, cung cấp suất ăn, nước uống cho BV này. 18 BN khác liên quan tới ổ dịch tại quán bar Buddha, trong đó, 13 người từng tham dự bữa tiệc tại quán bar vào ngày 14.3. Đáng nói, tại cả 2 ổ dịch này, tới nay, cơ quan chuyên môn đều chưa xác định được BN đầu tiên (F0).
Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam - ảnh 3

45 bệnh nhân liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai

Trước nguy cơ lây lan trong cộng đồng từ 2 ổ dịch BV Bạch Mai và quán bar Buddha, cả Hà Nội và TP.HCM đều thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa các hàng quán cung cấp dịch vụ không thiết yếu. BV Bạch Mai cũng được phong tỏa vào ngày 28.3 để tiến hành rà soát, tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với các nhân viên, BN và người nhà BN từng đến BV kể từ 10.3 tới 28.3, dự kiến lên tới hơn 40.000 người.
Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam - ảnh 4

17 bệnh nhân liên quan ổ dịch bar Buddha

Ngày 27.3, để kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, yêu cầu hạn chế tụ tập đông người từ 0 giờ ngày 28.3 đến hết 15.4.
Ngày 31.3, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu thực hiện “cách ly xã hội” trong 15 ngày, từ 0 giờ ngày 1.4 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, BV và tại nơi công cộng.
Tại cuộc họp gần nhất (6.4), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá, Việt Nam “vẫn đang kiểm soát tốt tình hình”, “ổ dịch tại BV Bạch Mai, quán bar Buddha, TP.HCM và Bình Thuận đã được kiểm soát”. Đến hết ngày 7.4, cả nước đã có 122 trong tổng số 249 BN được công bố khỏi bệnh (chiếm 49,7%). Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng khẳng định “không được chủ quan, lơ là” do dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, do đó, trong thời gian tới vẫn phải thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng về cách ly xã hội; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch.
LÊ HIỆP
TNO