26/12/2024

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nơi nào được làm?

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nơi nào được làm?

Nơi nào có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19? Có nên cho tư nhân tham gia?
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Hà Nội  /// Ảnh: Trần Cường

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Hà Nội  Ảnh: Trần Cường
Việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 rộng rãi, trong bối cảnh dịch đã lây lan trong cộng đồng hiện nay, có thể giúp phát hiện ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng. Nhưng nơi nào có thể thực hiện xét nghiệm, có nên cho tư nhân tham gia… vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với 25 tỉnh, TP đã có bệnh nhân Covid-19. Cả nước chưa có ca tử vong, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng dịch ra cộng đồng.
Với diễn biến dịch như hiện nay, ông Tuyên lưu ý: “Các địa phương phải thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch. Mỗi địa phương sẽ chọn 1 huyện hoặc phường dự kiến có nguy cơ về dịch Covid-19 để xét nghiệm (XN) rộng rãi, qua đó đánh giá nguy cơ dịch trong cộng đồng”.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết thêm: “Vì dịch Covid-19 hiện đã lây lan trong cộng đồng, do đó việc XN sàng lọc rộng rãi có thể giúp phát hiện ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng ra cộng đồng. Ngoài ra, với kết quả XN trên diện rộng, chúng ta có thể biết được một cách tương đối về nhiễm bệnh trong cộng đồng ở mức nào”.

Công – tư đều có thể xét nghiệm?

Theo ông Trần Đắc Phu, việc XN sàng lọc bằng test nhanh được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế (tại Quyết định số 1282/QĐ-BYT về “Hướng dẫn tạm thời việc XN Covid-19”), gồm các quy định về XN chẩn đoán nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và XN sàng lọc giám sát dịch bệnh Covid-19. Theo quy định, đối với cơ sở thực hiện XN sàng lọc, phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phù hợp với các kỹ thuật XN; cán bộ XN được tập huấn về kỹ thuật XN và an toàn sinh học; có đủ các dụng cụ phòng hộ cho người làm XN, đảm bảo an toàn cho người XN.
TS-BS Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phân tích: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã có phòng XN đủ điều kiện (trang thiết bị, nhân lực đã được tập huấn…) được thực hiện XN sàng lọc ca bệnh Covid-19 bằng test nhanh, nhưng cần có báo cáo về Sở Y tế. Còn đơn vị thực hiện XN khẳng định ca bệnh mắc Covid-19 phải được Bộ Y tế đánh giá, công nhận. “Test nhanh chỉ là đánh giá ban đầu. Ngay cả khi XN lần 1 âm tính thì cũng vẫn cần XN lại lần thứ 2, cách lần đầu khoảng 5 – 7 ngày. Nhưng để khẳng định chính xác ca bệnh vẫn phải làm lại XN tại các đơn vị được Bộ Y tế chỉ định. XN khẳng định cần được thực hiện với tất cả trường hợp khi làm test sàng lọc trước đó”, TS-BS Nhị Hà nói.
Từ ngày 2.4, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập các điểm XN lưu động sàng lọc bằng kỹ thuật test nhanh tại cộng đồng, triển khai trên địa bàn các quận, huyện của TP.Hà Nội, gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Hoàng Mai, H.Thanh Trì (trước mắt áp dụng cho các trường hợp sàng lọc thực hiện cho những người có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, liên quan ổ dịch tại BV Bạch Mai) và 3 điểm cách ly tập trung.
Ngoài ra, tại các bệnh viện (BV) trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiếp nhận 620 test nhanh từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội để chủ động XN sàng lọc cho các bệnh nhân. Để tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các quận, huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu để XN vừa theo hình thức test nhanh tại trạm lấy mẫu di động ở các quận, huyện, thị xã, vừa tiến hành kết hợp lấy mẫu để XN RT-PCR để làm XN khẳng định bệnh Covid-19.

Lo khó quản dịch bệnh nếu cho tư nhân XN

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 5.4, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đang tiến hành triển khai test XN nhanh sàng lọc ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, hiện Sở chưa có chủ trương mở rộng ra các đơn vị bên ngoài (phòng khám, BV tư – PV), nếu có thì phải xin ý kiến Bộ Y tế và phương thức kết hợp ra sao.
Theo bác sĩ Mai, vấn đề hiện nay là quản lý dịch bệnh, nếu các đơn vị bên ngoài đưa test nhanh vào sử dụng thì có thể sẽ làm gánh nặng thêm vì cần phải làm thêm một test nữa để xác định. Tất cả test hiện nay ngành y tế làm là đều miễn phí và kỹ thuật phải theo quy chuẩn, nên không phải ai muốn làm thì làm để lấy tiền là không được.
Đồng quan điểm với bác sĩ Mai, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng trong thời điểm hiện tại chưa nên mở rộng cho các phòng khám, BV tư sử dụng test nhanh Covid-19. Bởi vì làm test nhanh là để phục vụ công tác quản lý ca bệnh, chứ còn test xong rồi “thả” bệnh nhân đi lung tung ngoài cộng đồng, rồi kết quả âm – dương ai báo?
Một chuyên gia về điều trị các bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM cho rằng test nhanh là để XN tìm hiểu miễn dịch trong cộng đồng với dịch bệnh để có phương án chống dịch, như giảm biện pháp cách ly như đề xuất của Pháp hay một số nước khác. Còn triển khai là theo chủ trương của Bộ Y tế, Chính phủ. Nếu test nhanh mà không biết kỹ thuật thì sẽ làm sai, người âm tính thành dương và người dương thành âm tính.
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nơi nào được làm? - ảnh 1

Thận trọng với “âm tính, dương tính” giả

Theo TS-BS Nhị Hà, XN Covid-19 bằng test nhanh có thể cho kết quả cả âm tính giả hoặc dương tính giả. Như TP.Hà Nội đang triển khai sàng lọc bằng test nhanh có tỷ lệ dương tính giả cao (không có tác nhân gây bệnh nhưng kết quả XN lại báo dương tính với vi rút – PV). Nguyên nhân do test có độ nhạy cao sẽ cho kết quả dương tính ngay khi một người có kháng thể với vi rút, chứ không chỉ khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19). Còn âm tính giả (mẫu bệnh phẩm có tác nhân gây bệnh nhưng XN không thấy vi rút) có thể xảy ra khi một người nhiễm vi rút nhưng ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể chống lại vi rút đó. Nếu test nhanh tìm kháng thể thì sẽ không phát hiện nếu nhiễm vi rút ở giai đoạn sớm.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), giải thích thêm, test XN nhanh có 2 loại: test kháng nguyên và test kháng thể. Loại test kháng nguyên thời gian cho ra kết quả 20 phút, hiện nay được các nước châu Âu đang công nhận. Còn Việt Nam đang sử dụng test kháng nguyên (XN RT-PCR ) với thời gian cho kết quả 4 – 6 giờ.

Test kháng nguyên là để khẳng định vi rút đang hiện diện (tồn tại) trong cơ thể con người trong thời gian ủ bệnh hay đã phát ra triệu chứng. Đây là các loại test khi XN phải lấy bệnh phẩm là dịch tiết từ vùng mũi, hầu họng để làm.
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nơi nào được làm? - ảnh 2

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 giúp đánh giá mức độ dịch lây lan trong cộng đồng tại Hà Nội  Ảnh: Trần Cường

Loại test XN nhanh thứ 2 mà TP đang chờ Bộ Y tế và các nhà tài trợ cung cấp 100.000 test là test kháng thể mà bệnh phẩm XN là lấy từ máu. Nếu test nhanh kháng thể cho kết quả dương tính thì khẳng định người đó đã từng nhiễm vi rút Covid-19 từ 1 tuần (nồng độ kháng thể cao) đến 1 tháng. Nhưng muốn khẳng định người này đang mang mầm vi rút trong người hay không thì phải làm tại test kháng nguyên, bởi người đang mang vi rút test kháng nguyên dương tính thì mới lây lan cho cộng đồng; còn dương tính với kháng thể là không lây lan.
Nói về xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đây là phương pháp có độ nhạy, đặc hiệu rất cao, gần như là 100%. “Tất cả các phòng thí nghiệm XN Covid-19 ở nước ta đều sử dụng theo quy trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Quy trình này đã được đánh giá về độ tin cậy của kết quả XN”, ông Lân nói.
Theo Bộ Y tế, thực tế các ca bệnh Covid-19 trong nước đã điều trị vừa qua cho thấy, các bệnh nhân Covid-19 chỉ ra viện sau khi có ít nhất 2 lần XN khẳng định cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, cùng với đó là tình trạng sức khỏe tổng trạng của bệnh nhân đó đủ điều kiện (hết các triệu chứng: sốt, ho…).

26 đơn vị đủ năng lực XN vi rút SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết hiện cả nước đã có 26 đơn vị đủ năng lực XN vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19) tại các tỉnh, TP, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang; các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, TP: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh; phòng XN của các BV: Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Chợ Rẫy, T.Ư Thái Nguyên, T.Ư Huế, Nhi T.Ư, Phú Thọ, Bạch Mai, Nhi đồng 1, Viện Y học dự phòng quân đội, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, T.Ư Quân đội 108, Khoa Vi sinh BV Thống Nhất (TP.HCM), Khoa XN BV Đại học Y Dược TP.HCM, Khoa XN BV FV (TP.HCM), Khoa Vi sinh và labo chuẩn quốc gia BV Phổi T.Ư. Các đơn vị này đã được đơn vị đầu ngành đánh giá chứng nhận năng lực.
Liên Châu 
LIÊN CHÂU – DUY TÍNH
TNO