24/12/2024

Xét nghiệm rộng rãi sàng lọc Covid-19

Xét nghiệm rộng rãi sàng lọc Covid-19

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 hiện lây lan trong cộng đồng và cần ứng phó nâng lên một mức, đó là cần xét nghiệm rộng rãi.
Lấy mẫu tại các trạm test nhanh dã chiến được tổ chức tại Hà Nội	 /// Ảnh: Trần Cường

Lấy mẫu tại các trạm test nhanh dã chiến được tổ chức tại Hà Nội   Ảnh: Trần Cường
Ngày 31.3, Hà Nội triển khai xét nghiệm nhanh (test nhanh) bằng 5.000 test được Bộ Y tế cung cấp, nhằm sàng lọc, cách ly nhanh những trường hợp dương tính với vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Với danh sách (do các quận, huyện điều tra và do BV Bạch Mai cung cấp) lên đến hơn 15.000 người tại Hà Nội đã ra vào BV từ ngày 10.3 vừa qua (hiện vẫn đang tiếp tục xác minh thêm), thì test nhanh tại các trạm dã chiến là biện pháp tối ưu tại thời điểm này, trong bối cảnh kit test bằng công nghệ Realtime PCR khan hiếm và cho kết quả khá chậm.

Phát hiện 3 trường hợp dương tính do được test nhanh

4 trạm xét nghiệm dã chiến đã được thiết lập ngay trong đêm 30.3 tại phố Trần Đại Nghĩa (Q.Hai Bà Trưng), Trường THCS Đống Đa (Q.Đống Đa), công viên Bách Thảo (Q.Ba Đình) và khu đô thị Thanh Hà (H.Thanh Oai) – đều là những điểm nóng liên quan đến BV Bạch Mai, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. Hà Nội đã đề nghị một nhóm chuyên gia thiết kế để cung cấp cho TP 10 trạm xét nghiệm nhanh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi trạm có diện tích là 3×3 m, có điện, wifi, làm việc được 24/24.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, do số test còn hạn chế, mà lượng người cần xét nghiệm quá đông, nên tạm thời Hà Nội mới triển khai test nhanh cho các trường hợp có lịch sử dịch tễ liên quan đến BV Bạch Mai. Các phường, xã đã lên danh sách những người này, thông báo trước cho họ và có phường còn tổ chức đưa đến các trạm xét nghiệm dã chiến để tránh lây nhiễm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết đến 17 giờ ngày 31.3, Hà Nội đã xét nghiệm được 753 trường hợp, trong đó phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cả 3 người này đều đã được đưa đi BV Bệnh nhiệt đới T.Ư 2 để cách ly và các mẫu được gửi đi xét nghiệm khẳng định. Ba trường hợp dương tính đều nằm trên địa bàn Q.Đống Đa.
Theo ông Tuấn, các test nhanh này có hiệu quả rất lớn trong việc sàng lọc, giúp phát hiện sớm nhất, nhanh nhất tất cả trường hợp dương tính với vi rút để có phản ứng kịp thời. “Test này có độ nhạy tương đối tốt với các trường hợp dương tính. Nếu test đã phát hiện dương tính thì xác suất khi xét nghiệm khẳng định cũng dương tính gần như là 100%. Thay vì lấy mẫu và phải chờ thời gian 1 ngày, 2 ngày, test này 10 phút đã có kết quả rồi và trong hôm nay 3 trường hợp đã được cách ly luôn, sẽ giúp khống chế được sự tiếp xúc và lây lan trong cộng đồng”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, dù test cho kết quả âm tính, thì cũng không có nghĩa là yên tâm hoàn toàn, mà vẫn phải tiếp tục theo dõi trong thời gian đủ 14 ngày.

Nhiều người dân có nhu cầu xét nghiệm

Dù Hà Nội đã lập danh sách những người có nguy cơ cao để test trước, nhưng do quá lo lắng, nhiều người dân không có trong danh sách cũng ra các trạm xét nghiệm dã chiến với mong muốn được xét nghiệm. Cơ quan chức năng đã có thời điểm rất vất vả để hướng dẫn mọi người giữ khoảng cách an toàn 2 m. “Xét nghiệm này có giá trị sàng lọc, nên chỉ có giá trị trên những người có lịch sử dịch tễ có nguy cơ nhiễm bệnh. Trong ngày, một số trường hợp có đến và khai báo có tiếp xúc, nhưng trên thực tế cũng không hẳn, chỉ bởi họ quá lo thôi. Người dân đã ra thì cán bộ y tế vẫn phải đón tiếp. Tuy nhiên, chưa nằm trong diện đối tượng thì người dân cũng không nên ra, bởi hiện nay test chưa nhiều, phải ưu tiên cho những người có nguy cơ cao. Rất mong người dân ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế, y tế mời ra thì mới ra, bởi vì có nguy cơ thì y tế mới mời, còn không mình cứ ra thì kể cả xét nghiệm cũng chưa có kết quả được. Ra lại tăng thêm rủi ro, vì tạo thêm nguồn tiếp xúc”, ông Tuấn khuyến nghị.

Các phòng khám tư có bác sĩ BV Bạch Mai làm việc được yêu cầu ngừng hoạt động

Theo ông Trần Đắc Phu, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh Covid-19, sau khi phát hiện tại BV Bạch Mai có BN dương tính, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả phòng khám tư nhân có nhân viên y tế của BV làm việc, ngừng hoạt động.
Ngày 31.3, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cho biết tại BV có 773 BN nội trú, trong đó có khoảng 200 BN nặng, không có người bệnh vào hoặc ra viện. Với những ca bệnh nặng trước khi chuyển về BV Bạch Mai phải được Hội đồng chuyên môn BV hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn từ xa, khi vượt quá khả năng của tuyến dưới mới chuyển về BV Bạch Mai điều trị.
Liên Châu
Dù biện pháp test nhanh đã được Hàn Quốc áp dụng rất thành công để khoanh vùng và dập dịch nhanh chóng, và Hà Nội cũng đang rất có nhu cầu này, nhưng để triển khai rộng rãi hơn thì cốt lõi vẫn là kit test. “Nhân lực không cần nhiều. Chỉ cần 1 người điều hành, 1 người lấy mẫu và 1 người thử nghiệm. Quy trình rất đơn giản, cán bộ y tế quận cũng làm được, cán bộ y tế xã được đào tạo cũng làm được, nhưng phải phụ thuộc vào nguồn test. Vẫn phải đợi Bộ Y tế nhập về, chứ các cơ quan, tổ chức khác cũng không nhập được, vì chỉ có qua Bộ Y tế nhập test mới có giá trị sử dụng”, ông Tuấn nói.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng thống kê được 106 người bệnh chuyển từ BV Bạch Mai về điều trị tại các BV của Hà Nội, tính đến 29.3, và yêu cầu các cơ sở trên khẩn trương đưa tất cả người bệnh vào khu điều trị cách ly của BV; tuân thủ nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm tại khu cách ly, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, khử khuẩn trong BV. CDC Hà Nội cũng được chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp này, phối hợp trung tâm y tế quận, huyện thực hiện công tác điều tra, khoanh vùng dịch tễ, quản lý người bệnh.

Không thiếu sinh phẩm, test chẩn đoán

Liên quan đến xét nghiệm trong cộng đồng, một thứ trưởng Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 hiện lây lan trong cộng đồng và cần ứng phó nâng lên một mức. Theo đó, chiến lược chống dịch cũng cần thay đổi, từ ngăn chặn bệnh nhân (BN) bên ngoài vào, xét nghiệm phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng cách ly. Để thực hiện được chiến lược này thì cần xét nghiệm rộng rãi. Việc đẩy mạnh xét nghiệm để khoanh vùng nguy cơ.

TP.HCM sẽ thực hiện 50.000 test

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ ngày 8.3 đến nay, tổng số mẫu được lấy xét nghiệm Covid-19 là 2.286/5.218 (người nhập cảnh). Hiện TP đã xét nghiệm tổng cộng hơn 5.000 mẫu để xác định nhiễm Covid-19 hay không. Theo chỉ đạo của UBND TP, thời gian tới TP sẽ thực hiện 50.000 test, do Viện Pasteur TP, BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1 và sắp tới là HCDC (HCDC đang được thẩm định) thực hiện. Hiện nay, TP chưa triển khai các loại test nhanh mà thực hiện xét nghiệm PCR xác định Covid-19 tại các BV (2 – 3 giờ có kết quả). Các phòng ban của Sở Y tế và các đơn vị liên quan đang triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Duy Tính

Bộ Y tế cho biết vừa qua, đã có 100.000 test xét nghiệm nhanh chuyển về các địa phương. Sang tháng 4 sẽ có thêm 200.000 test chuyển về VN. Ngoài ra, đến ngày 7.4 cả nước có 100.000 sinh phẩm xét nghiệm phân tử sinh học cấp cho các phòng xét nghiệm thực hiện các xét nghiệm xác định (xét nghiệm PCR). Theo Bộ Y tế, hiện nay VN đã có đến 400.000 test và sinh phẩm chẩn đoán, thiếu bao nhiêu là mua bấy nhiêu. “Chúng ta không thiếu sinh phẩm, test chẩn đoán. Đây là giai đoạn cần tập trung rất mạnh cho xét nghiệm, phát hiện cách ly”’, một lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định.

Theo Bộ Y tế, các địa phương chỉ cần thông báo số lượng về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ được cung cấp kịp thời các test nhanh. Trước mắt, sẽ dành các test này xét nghiệm sàng lọc các BN từ BV Bạch Mai về địa phương, tất cả trường hợp trong khu cách ly y tế tập trung (khoảng 35.000 – 37.000 người), những người cách ly y tế tại nhà, tiếp theo là các BN có triệu chứng bệnh đường hô hấp.
VŨ HÂN – LIÊN CHÂU
TNO