24/12/2024

Sữa mẹ giúp trẻ chống lại các virus, phòng bệnh như thế nào?

Sữa mẹ giúp trẻ chống lại các virus, phòng bệnh như thế nào?

Sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiễm nhiều loại virus, trong đó có virus gây bệnh cúm, tiêu chảy, viêm đường hô hấp (RSV) và bại liệt…
Sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiễm nhiều loại virus /// Ảnh minh họa: Shutterstock

Sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiễm nhiều loại virus  Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể bề mặt (secretory immunoglobulin A – sIgA), nhiều gấp 10 – 100 lần so với lượng kháng thể này trong máu.
Kháng thể bề mặt là kháng thể có trong các dịch tiết cơ thể như nước bọt, bề mặt đường hô hấp, đường tiêu hóa… Kháng thể bề mặt có vai trò “bắt giữ” các vi khuẩn, virus ngay khi chúng xâm nhập vào đường hô hấp, đường tiêu hóa và đem “giao nộp” đến các tế bào bạch cầu để tiêu diệt.

“Virus cúm không lây qua sữa mẹ mà lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc qua bàn tay dính nước mũi hoặc dịch họng do chạm vào mũi và miệng. Ngay cả virus Corona cũng không có trong sữa mẹ. Khi mẹ bị cúm, trong sữa mẹ có kháng thể chống lại virus cúm nên cho trẻ bú mẹ cũng giống như đang chích vắc xin cho trẻ”

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)

“Mẹ và con luôn ở cạnh nhau nên thường tiếp xúc cùng các loại vi trùng, virus giống nhau. Hệ miễn dịch của mẹ sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các loại vi trùng, virus đang tấn công hai mẹ con. Kháng thể này lưu hành trong máu của mẹ và vào trong sữa mẹ thông qua các khe hở giữa các tế bào tuyến sữa. Ngoài ra, các tế bào lympho chuyên tạo kháng thể cũng được huy động đến tuyến sữa để tiết các kháng thể trực tiếp vào trong sữa mẹ”, bác sĩ Từ Anh giải thích.
Bác sĩ Từ Anh cho biết: Kháng thể bề mặt còn gắn vào các tế bào niêm mạc đường ruột, dành chỗ với vi khuẩn và virus nên các tác nhân gây bệnh này không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, sẽ bị đào thải ra ngoài.
Bên cạnh đó, trong sữa mẹ còn có những axit béo đặc biệt và một số loại monoglycerides giúp sữa mẹ có tác dụng chống lại virus. Các thành phần chất béo kháng virus này không bị hủy khi đun nóng sữa mẹ lên.

Mẹ bị cúm, có phải ngưng cho con bú không?

Mọi người vẫn có quan điểm rằng, khi mẹ bị cúm thì không được cho con bú vì “sữa không tốt”. Tuy nhiên, bác sĩ Từ Anh khẳng định, khi mẹ bị cúm thì không cần phải ngưng cho con bú.
“Virus cúm không lây qua sữa mẹ mà lây qua giọt bắn, dịch hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc qua bàn tay dính nước mũi hoặc dịch họng do chạm vào mũi và miệng. Ngay cả virus Corona cũng không có trong sữa mẹ. Khi mẹ bị cúm, trong sữa mẹ có kháng thể chống lại virus cúm nên cho trẻ bú mẹ cũng giống như đang chích vắc xin cho trẻ”, bác sĩ Từ Anh lý giải.
Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý, mẹ bị cúm thì phải:
Đeo khẩu trang và rửa tay đủ 6 bước bằng nước và xà phòng (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế) trước khi chạm vào con hay chạm các bề mặt mà trẻ có thể chạm vào.
Khi hắt hơi hoặc ho phải che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng khuỷu tay và rửa tay ngay sau đó.
Nếu mẹ mệt mỏi không thể cho con bú trực tiếp thì có thể vắt sữa mẹ ra để cho con uống. Lưu ý trước khi vắt sữa cũng phải rửa tay đúng cách.

Trẻ bị cúm, có nên bú mẹ không?

“Dĩ nhiên khi trẻ bị bệnh thì sữa mẹ ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn bổ sung kháng thể, các thành phần miễn dịch khác giúp bé mau khỏi bệnh. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có nhiều nước và vitamin là những thứ trẻ đang bệnh cần được bổ sung”, bác sĩ Từ Anh khẳng định.
KHẢI LINH
TNO