22/01/2025

Phòng dịch COVID-19: Chuyên gia tâm lý nói về những người quá ‘cứng đầu’

Phòng dịch COVID-19: Chuyên gia tâm lý nói về những người quá ‘cứng đầu’

Trong khi hầu hết mọi người thực hiện nghiêm túc việc ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 thì có những người vẫn không ngừng gây nguy hiểm cho cuộc sống của chính họ và những người khác.
Nhắc nhở nhẹ nhàng, tránh kể lại câu chuyện, con số, luôn nhẹ nhàng, đừng cố thay đổi quan điểm của họ... là những cách khuyến cáo với mọi người về dịch bệnh COVID-19 /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhắc nhở nhẹ nhàng, tránh kể lại câu chuyện, con số, luôn nhẹ nhàng, đừng cố thay đổi quan điểm của họ… là những cách khuyến cáo với mọi người về dịch bệnh COVID-19   Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhưng làm thế nào để gây ấn tượng với những thanh niên trẻ tuổi vẫn tiếp tục tụ tập tiệc tùng và những người 60 tuổi vẫn muốn đi cắt tóc?
Sau đây là vài lời khuyên chung của các chuyên gia y tế và chuyên gia tâm lý, theo The Atlantic.

1. Nhắc nhở nhẹ nhàng

Trong nhiều trường hợp, khi một người cư xử theo cách làm tổn hại đến lợi ích chung, hoặc không chịu đeo khẩu trang hoặc tiếp tục gặp gỡ bạn bè, nhắc nhở họ rằng những hành động này có thể làm tổn hại người khác là một công việc rất tế nhị.
Nếu bạn nói rằng việc làm của họ là vì cha mẹ đang có bệnh mạn tính hoặc vì ông bà đã trên 80 tuổi hay vì một chị hàng xóm đang có thai, điều đó sẽ có tác động lớn hơn so với việc nói rằng việc thay đổi hành vi của họ sẽ có lợi cho đất nước hay xã hội, theo tiến sĩ Steven Taylor, giáo sư tại Đại học British Columbia (Anh) và là tác giả của cuốn Tâm lý học về Đại dịch.
Có thể đặc biệt hiệu quả khi nói với ai đó rằng sự thận trọng của họ sẽ bảo vệ người thân của họ như cha mẹ, vợ con, theo The Atlantic.

2. Tránh kể lại những câu chuyện, những con số

Sự bùng phát virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) thường được mô tả bằng những con số: các trường hợp dương tính, tỷ lệ tử vong…
Nhưng bạn có thể may mắn thuyết phục được họ nếu bạn bỏ qua số liệu thống kê, giáo sư Rachael Piltch-Loeb, từ Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), cho biết.
Bạn cũng có thể nói về những kế hoạch cho tương lai, ví dụ như “nếu mình gìn giữ được, thì qua được đợt dịch này, cả nhà sẽ đi du lịch ở biển”, theo The Atlantic.

3. Đừng bảo “đừng làm”, mà hãy khuyến khích “hãy làm”

Những kiểu nói: “Đừng làm cái này, đừng như thế kia” đôi khi có thể gây phản tác dụng, theo giáo sư Taylor.
Thông thường, người ta có xu hướng muốn kiểm soát tình hình, tự bảo vệ mình. Vì vậy, hãy đưa ra một tùy chọn khác để đạt được hiệu ứng. Thay vì nói, “Đừng đi ra đường”, hãy nói, “Có bộ phim này hay lắm, sao không cùng xem”…

4. Hãy luôn nhẹ nhàng

Hãy quan tâm đến cách nói, thái độ của bạn khi nói.
Bạn càng không chứng tỏ mình nghĩ là họ điên khùng hay ngu ngốc, ngớ ngẩn hay quá chủ quan, thì họ càng dễ tiếp thu. Người ta thường cởi mở hơn để làm những việc mà trước đây họ chống lại – khi họ cảm thấy được quan tâm và thấu hiểu, theo nhà tâm lý học Joshua Coleman – đồng chủ tịch của Hội đồng về Gia đình Đương đại (Council on Contemporary Families), tại San Francisco (Mỹ).
Tỏ ra đồng cảm và hiểu được những khó khăn khi phải tuân thủ những biện pháp chống dịch. Giáo sư Coleman đưa ra ví dụ: “Em cũng rất ghét làm điều đó. Nó rất khó chịu và tù túng, gò bó. Em hoàn toàn hiểu lý do tại sao bạn muốn làm điều đó, nhưng em nghĩ những điều này thực sự gây nguy hiểm”.

5. Đừng cố thay đổi quan điểm của họ

Con người có những thang giá trị và niềm tin cơ bản rất khó thay đổi. Hãy tỏ ra tôn trọng quan điểm của họ, cho họ biết mình hiểu rằng đó chỉ là sự khác biệt quan điểm. Nhưng vì suy nghĩ của mình là thế này, và chỉ cần họ làm vì yêu mến bạn, theo giáo sư Piltch-Loeb.
Bạn có thể nói: “Em yêu anh và quan tâm đến anh, và em hiểu anh không đồng ý với tôi về những mối quan tâm này. Nhưng nếu anh không làm điều đó cho chính mình, anh hãy làm điều đó vì em, để em không cảm thấy lo lắng về việc anh bị lây nhiễm hoặc lây lan cho người khác. Em hiểu anh nghĩ nó không nghiêm trọng, và có thể em đã quá thận trọng, nhưng hãy làm chỉ để em có thể yên tâm”, theo The Atlantic.

6. Chia sẻ bài viết một cách chọn lọc

Nếu họ đã sẵn sàng tìm hiểu thêm về đại dịch, có thể gửi cho họ một bài báo hoặc video từ nguồn mà họ thường đọc và tin tưởng, sẽ hiệu quả hơn.

7. Biết dừng đúng lúc

Một số người chỉ đơn giản là không muốn thay đổi, cho dù có nói bao nhiêu đi nữa. Đôi khi người ta chỉ đồng ý cho qua chuyện. Hãy dừng lại, chỉ lắng nghe và chờ lúc khác, theo The Atlantic.
THIÊN LAN
TNO