24/12/2024

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người.

 

 

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch - Ảnh 1.

Dơi là nguồn gốc của nhiều loại virus gây bệnh truyền nhiễm – Ảnh: GETTY IMAGES

Trong danh sách những loài mang lượng virus “khủng”, dơi đứng hàng đầu. Theo Science Alert, trung bình mỗi con dơi chứa khoảng 500-600 loại virus khác nhau, tuy nhiên đa số dơi đều miễn nhiễm với virus.

Cơ thể dơi không sao nhưng những động vật khác, trong đó có cả con người, thì có.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà khoa học đưa giả thiết một số người dân Trung Quốc không may mắc virus corona do thói quen ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với dơi. Do không có cơ chế hoàn hảo chống lại virus mới như dơi, người dân đã phát bệnh.

Trước đó, dơi cũng là vật chủ ban đầu gây ra đại dịch SARS (2002-2003), MERS (2012) và cả Ebola (2014).

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch - Ảnh 2.

Những con tê tê trên đường sang Trung Quốc tiêu thụ – Ảnh: THE STAR ONLINE

Hiểm họa từ loài dơi được nhiều loài động vật hoang dã “tiếp tay” tạo thành đường trung gian.

Điển hình như COVID-19, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết corona còn có thể đã lây sang người do ăn thịt tê tê.

Không ít người dân Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á vẫn xem thịt và vẩy tê tê là một phương thuốc trị bệnh.

Theo tạp chí khoa học Science, do môi trường sống đa dạng, lại được vận chuyển xuyên châu lục từ vùng săn bắn trộm châu Phi đến Đông Nam Á rồi Đông Á tiêu thụ, tê tê thường chứa hơn 50 loại virus lạ và tiềm ẩn nguy cơ biến đổi qua các môi trường.

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch - Ảnh 3.

Loài cầy hương ở Trung Quốc – Ảnh: GETTY IMAGES

Tương tự, virus SARS năm 2002 đã truyền từ dơi sang loài cầy hương. Thói quen ăn thịt cầy hương của cư dân vùng Vân Nam, Quảng Đông (Trung Quốc) đã khiến virus tiếp tục lây sang người và trở thành đại dịch.

Theo Science, loài cầy hương sở hữu hệ miễn dịch hoàn hảo, thích nghi với môi trường rừng rậm. Chính hệ miễn dịch này giúp chúng sống vui khỏe mặc cho cơ thể lúc nào cũng mang theo trên dưới 200 loại virus và vô số vi khuẩn.

Các loại virus này liên tục tiến hóa. Lúc gặp cơ hội phát tán vào cơ thể người, virus tiếp tục biến đổi đến khi “chiến thắng” hệ miễn dịch, từ đó tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh lạ.

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch - Ảnh 4.

Lạc đà ở vùng Trung Đông được cho là vật trung gian truyền virus MERS – Ảnh: GETTY IMAGES

Với dịch MERS, một chủng virus corona bắt nguồn từ dơi thông qua lạc đà truyền tới con người. Theo New York Times, có thể là thông qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể từ những con lạc đà bị nhiễm bệnh virus. Một con đường khác là thói quen uống sữa lạc đà chưa qua tiệt trùng ở một số nơi.

Dịch Ebola do các loại virus Ebola gây nên, có nguồn gốc từ một loài dơi ăn quả truyền sang người. Động vật linh trưởng cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh.

Ở vùng phát hiện những ca Ebola đầu tiên năm 1976 tại Nzara, Nam Sudan và Yambuku, Cộng hòa Congo, người dân có thói quen sấy khô thịt dơi quạ làm món ăn. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là nguyên nhân con người đưa virus Ebola biến đổi vào cơ thể tạo nên bệnh mới.

Tổ chức Thú y thế giới khi đó khuyến cáo tránh mọi tiếp xúc với động vật hoang dã tại các vùng bị nhiễm virus, nhất là dơi quạ, khỉ và các động vật gặm nhấm.

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch - Ảnh 5.

Loài dơi quạ ở vùng châu Phi – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC

Virus HIV cũng bắt nguồn từ động vật hoang dã.

Theo tạp chí The Wired, HIV có nguồn gốc từ virus SIV gây suy giảm miễn dịch trên một số loài tinh tinh và khỉ ở miền tây Trung Phi. Tập quán săn và tiêu thụ thú rừng khiến virus lây sang người.

Thông thường, cơ thể con người có thể chống lại SIV, nhưng trong một số trường hợp, virus tự thích nghi trong cơ thể vật chủ mới và biến đổi trở thành HIV.

Ca nhiễm HIV đầu tiên được ghi nhận vào năm 1959 tại Kinshasa, Cộng hòa Congo ngày nay.

Những động vật hoang dã mang virus gây đại dịch - Ảnh 6.

Loài tinh tinh ở khu vực Trung Phi – Ảnh: GETTY IMAGES

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc tính toán, hằng năm hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên thế giới chiếm đến 23 tỉ USD, cao thứ 4 sau buôn ma túy, buôn người và buôn vũ khí. Điểm đến của nhiều sản phẩm động vật hoang dã chủ yếu là khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngày 24-2 vừa qua, Trung Quốc chính thức cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã nhằm xóa bỏ thói quen có hại và bảo vệ sức khỏe của người dân trước những rủi ro trong tương lai.

Theo nhà hoạt động môi trường và cứu trợ động vật người Mỹ Steven Galster, dẹp bỏ hành vi tiêu thụ động vật hoang dã đồng nghĩa thế giới hạn chế ít nhất 50% nguy cơ bùng phát các đại dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

HOÀNG THI
TTo