24/11/2024

‘Gồng mình’ dạy online

‘Gồng mình’ dạy online

Mùa dịch, hầu hết các trường sẽ theo 3 hướng: một là tạm ngưng mọi hoạt động, đợi ngày học sinh trở lại; hai là tổ chức dạy trực tuyến (online) như một giải pháp tình thế; ba là dạy online một cách thực sự.

 

Gồng mình dạy online - Ảnh 1.

Giảng viên Trường ĐH Văn Lang trong giờ dạy trực tuyến cho học sinh – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Với những trường chọn hướng thứ ba, tốn kém cả tiền bạc lẫn công sức là chắc chắn.

Vận dụng nhiều “chiêu”

Dạy trực tuyến, công nghệ thì ai cũng có thể nắm, quan trọng nằm ở kỹ thuật dạy để học sinh không chán. Thật ra, giảng bài trực tuyến, cả người học và người dạy đều…buồn ngủ hơn khi mặt đối mặt. Bởi thế, cần thiết kế một tiết học thật hấp dẫn.

Trước hết, cần chọn lọc thật kỹ những môn có thể dạy trực tuyến. Những môn thực hành thì hạn chế dạy online, đặc biệt với các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp. Như trường tôi, ví dụ có 100 môn thì chỉ có thể chọn lọc 3-10 môn khả thi cho học từ xa. Tiếp đó, giảng viên các khoa cần ngồi lại tinh gọn các kiến thức chuyên môn, bởi không thể chỉ bê toàn bộ bài giảng thông thường sang hình thức trực tuyến.

Số học sinh, sinh viên cũng cần được đảm bảo. Dưới 30 học sinh/mỗi lớp là tuyệt vời, còn trên 100 thì rất khó. Trường tôi, những môn có hơn 100 em đều phải tách thành hai lớp trực tuyến để giữ chất lượng bài giảng, dù phần mềm cho phép đến hơn 200 người tham gia. Vì thế, những thầy cô đứng lớp phải giảng hai lần cho cùng một nội dung. Đó là chưa kể tốc độ giảng chậm, một bài có khi kéo dài gấp đôi so với dạy trực tiếp.

Dạy trực tuyến liên tục rất chán và dễ làm học sinh sao nhãng. Thay vào đó cần chia nhỏ bài giảng theo dạng module, đồng thời kết hợp nhiều hình thức truyền tải khác nhau để “giữ chân” học trò. Chẳng hạn với môn marketing đang dạy, tôi tạo một nhóm chung với sinh viên trên Facebook để khi thắc mắc gì, chúng tôi tiện trao đổi.

Tôi cũng dùng nhóm này để thông báo giờ học và điểm danh các em có mặt. Một số phần bài giảng, khoảng 10-15 phút, tôi thực hiện trên YouTube rồi gửi trước cho các em. Khi cần thảo luận hay thuyết trình, lớp sử dụng phần mềm Google Meet. Tôi còn nhắc trước mỗi em phải thực hiện các bài tập, dự án cá nhân lấy điểm thi nhằm giúp các em không ỷ lại.

Đội chi phí

Đứng lớp trực tuyến chịu tâm lý nhiều hơn so với khi trên bục giảng bởi lúc nào cũng có cảm giác như đang bị giám sát. Các phần mềm ngày nay hầu hết đều có chức năng lưu trữ video và dễ dàng chia sẻ ra ngoài. Vì thế, giáo viên sẽ bị áp lực “không được sai” và “không được lố”. Nếu dạy trực tiếp, thầy trò có thể nói chuyện vui “trên trời dưới đất” những lúc giải lao hoặc khi muốn giảm bớt căng thẳng, thì trên môi trường trực tuyến tất cả đều phải điều tiết.

Thẳng thắn thì dạy trực tuyến vất vả hơn nên phần lớn giảng viên ngần ngại. Về cấp độ quản lý, nhà trường có thể hỗ trợ thầy cô công cụ, định hướng nội dung hay phương pháp truyền đạt. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều trường phải đối mặt là chi phí đội lên khá nhiều. Giờ dạy trực tuyến tăng thêm, nhiều môn khó sau khi hết dịch nhiều khả năng phải tổ chức dạy lần 2 khiến chi phí tăng lên gấp đôi. Đó là chưa kể nếu phát sinh khoản đầu tư trang thiết bị, công nghệ…

Những trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp như trường tôi buộc lòng phải theo dạy online nếu muốn tốt cho các em. Học sinh 12 hệ 9 + cao đẳng nếu không được ôn tập mà chỉ ở nhà chơi những ngày này thì nguy cơ sẽ quên sạch bài vở, trong khi vẫn phải thi chung kỳ thi THPT quốc gia.

Còn với các sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp, nghỉ học nhiều rất dễ làm các em nản và bỏ học giữa chừng. Do vậy, dù có khó khăn nhưng nhà trường cùng các thầy cô vẫn gồng mình dạy online cho học sinh, sinh viên qua mùa dịch.

Những con số “ám hiệu”

Trước khi dạy tôi có quy định nếu mạng nghe rõ gõ số 1, nếu không nghe gõ số 0, nếu nghe rè rè gõ số 2. Thế là những lúc tôi đang giảng bài hoặc các nhóm đang thuyết trình mà thấy màn hình ngập tràn số 2 là biết chuẩn bị rớt mạng. Khi đó vừa buồn cười, vừa cụt hứng.

Khi hỏi hiểu bài hay không, tôi cũng dặn nếu hiểu gõ số 3, nếu không gõ số 4. Mỗi khi số 4 xuất hiện là tôi phải giảng lại. Khi dạy online, tương tác là yếu tố hàng đầu, do đó phải liên tục thay đổi để gần gũi học sinh.

Dạy online dễ đánh rớt?

Dù nhà trường, thầy cô đổ công sức và tiền bạc để tổ chức dạy trực tuyến, một số học sinh, sinh viên lên mạng ta thán: học online trường dễ đánh rớt học trò để lấy tiền. Xin thưa, muốn đánh rớt thì ngay lúc học trực tiếp cũng có 101 lý do không cho qua môn. Vả lại, suy cho cùng, dạy online mùa dịch này là hình thức để duy trì mạch học và giúp các em không quên bài, những kiến thức các em chưa nắm vững sẽ được truyền đạt lại sau khi hết dịch.

THS NGUYỄN ĐĂNG LÝ (hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) – TRỌNG NHÂN ghi
TNO