26/12/2024

Tạm ngưng các hoạt động giải trí là cần thiết

Tạm ngưng các hoạt động giải trí là cần thiết

Ngay sau thông báo của UBND TP.HCM, các rạp chiếu phim, quán bar, game online, karaoke, sân khấu… đã tạm đóng cửa đến hết 31-3 với nhiều tâm trạng khác nhau. Ánh đèn sân khấu tại TP tạm thời “nghỉ” vì COVID-19.

 

Tạm ngưng các hoạt động giải trí là cần thiết - Ảnh 1.

Rạp phim Galaxy Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM tạm ngưng hoạt động vì COVID-19 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau 2 tháng kinh doanh bết bát bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, “lệnh” tạm đóng cửa này được nhiều doanh nghiệp (DN) đồng thuận chấp hành song vẫn không ít DN cảm thấy lo lắng bởi hệ lụy từ dịch đến tình hình tài chính của DN đang ngày càng khó kiểm soát.

Quán bar thành quán ăn

Chúng tôi đến quán Chill Sky bar có địa điểm trên tầng 27 tòa nhà AB nằm trên đường Lê Lai (quận 1) vào chiều 15-3. Quán đóng cửa. Tương tự, các quán bar trên đường Lý Tự Trọng như Carmen bar, car 5S Club hoặc karaoke Kingdom ở đường Hai Bà Trưng cũng đã đóng cửa, không nhận khách.

Đến ngày 14-3 văn bản của UBND quận 1 mới được gửi đến các đơn vị kinh doanh trên địa bàn. Ngay trong tối 14-3, anh N.V.Đ., quản lý một quán bar tại khu phố Tây Bùi Viện (quận 1), đã lên đường về quê ở miền Trung “nghỉ ngơi”.

Theo anh Đ., gần 50 nhân viên của DN này đang rơi vào tình cảnh khó khăn và chủ của DN đã tạm thời hỗ trợ 50% lương cho nhân viên. Tuy vậy, không phải chủ quầy bar nào ở khu Bùi Viện cũng đủ tiềm lực làm như vậy nên nhiều lao động phải nghỉ không lương.

Theo anh Đ., không chỉ riêng các dịch vụ nằm trong quy định tạm đóng cửa mà các dịch vụ ăn theo của phố Tây cũng “chới với” như giữ xe, bán hàng rong, gánh hủ tiếu…

Anh Đ. cho biết hiện nay các chủ quầy bar ở khu phố Tây đang ráo riết liên hệ với chủ mặt bằng để xin giảm tiền thuê mướn bởi đây là trường hợp bất khả kháng.

“Nhiều quán quá đuối đã rục rịch đóng cửa. Nếu không được giảm phí mặt bằng, chắc sẽ có hàng loạt hàng quán ở khu phố Tây tiếp tục đóng cửa” – anh Đ. nói.

Theo các chủ quầy bar tại Bùi Viện, hiện nhiều nơi đang xin tạm chuyển đổi hình thức kinh doanh từ quầy bar sang kinh doanh cà phê, dịch vụ ăn uống… để vẫn có thể duy trì hoạt động.

Rạp phim thiệt hại đến 90%

Ông Khánh Nguyễn, đại diện truyền thông cụm rạp CGV, cho hay tổng số rạp CGV đang phải đóng cửa là 24, chiếm gần 30% tổng số rạp CGV trên cả nước. Trong đó có 21 rạp ở TP.HCM, 3 rạp ở Quảng Ninh. Đóng cửa rạp trong nửa tháng sẽ gây tổn thất lớn đến doanh số của CGV.

Chiều 13-3, BHD Star Cineplex nhận được công văn của UBND TP Huế đề nghị đóng cửa rạp tại Huế. Chiều 14-3 là công văn từ quận 1, TP.HCM và sáng 15-3 là từ UBND TP.HCM đề nghị đóng tất cả các rạp ở TP.

Bà Ngô Thị Bích Hiền, phó chủ tịch BHD, cho rằng đây là tổn thất rất lớn với BHD. Sau tết, do bệnh dịch, doanh thu các cụm rạp đã giảm từ 50 – 90%. Ban giám đốc BHD phải cập nhật thông tin với nhau từng giờ.

Được Vincom giảm giá thuê trong thời gian này, cộng với sự đoàn kết của toàn bộ nhân viên nên BHD sẽ cố hết sức vượt qua khó khăn.

BHD hi vọng các đối tác cho thuê mặt bằng khác xem xét giảm giá. Hi vọng Nhà nước có chính sách hữu hiệu không chỉ cho những tháng khó khăn này mà cho cả các tháng khác trong năm, thông qua các điều khoản của ngân hàng và các nghĩa vụ về thuế với Nhà nước.

Trong khi đó, sân khấu kịch Hồng Vân đã ngưng diễn từ ngày 8-3, các lớp đào tạo diễn viên của sân khấu này cũng tạm ngưng, kế hoạch khai giảng khóa học mới, lịch ra mắt web drama Đại kê chạy đi của Hồng Vân cũng lùi đến đầu tháng 4 mới tính tiếp.

Các sân khấu Thế Giới Trẻ, Hoàng Thái Thanh, nhà hát 5B cũng tạm ngưng diễn. Khi nhận được công văn, sân khấu Idecaf đã hủy lịch diễn 2 vở Mưu bà Tú và Ác nhân cốc vào ngày 15-3.

Theo kế hoạch, từ 16-3 đến đầu tháng 4 sân khấu cho nghệ sĩ, nhân viên “nghỉ tết” theo thông lệ sau một mùa kịch tết.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết chỉ còn nhà hát múa rối nước Rồng Vàng hoạt động cầm chừng, nhưng với tình hình khách du lịch hạn chế, sớm muộn gì nhà hát cũng phải tạm ngưng diễn một thời gian. Theo ông, vì bảo đảm an toàn cho mọi người, công văn tạm ngưng các hoạt động giải trí là điều cần thiết.

Cần chính sách đồng bộ

Ông Nguyễn Sĩ – chủ phòng trà L. (quận 1) – cho biết riêng tiền thuê mặt bằng lên đến 10.000 USD/tháng (khoảng 230 triệu đồng), có mở cửa cũng chẳng có khách, vì vậy phải gánh chi phí quá lớn nên giờ cũng chỉ có cách thương thảo giảm tiền thuê.

Theo ông Sĩ, nếu tình hình dịch vẫn còn tiếp diễn và việc đóng cửa còn kéo dài thì ông đành phải tính toán đến phương án đóng luôn phòng trà này bởi “quá khó khăn”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-3, ông Nguyễn Cao Trí – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của Capella Holdings (quản lý Chill Sky bar, Air 360 Sky bar, hệ thống nhà hàng Nhật – Sorae, nhà hàng Trung Hoa – San Fu Lou và nhà hàng Việt – Dì Mai…) – cho biết tinh thần chung DN ủng hộ việc quản lý dịch bệnh của chính quyền dù trước đây doanh thu mỗi quán bar 300-500 triệu đồng/ngày.

Tuy vậy, ông cho rằng việc tạm đóng cửa phải có chính sách đồng bộ. “Đùng một cái mình cấm, không ai trở tay kịp khiến DN thiệt hại ghê gớm. Khách nước ngoài họ đặt trước, giờ hủy thiệt hại đó ai chịu. Hiện chúng tôi đang trao đổi với DN nước ngoài để đền bù. Chính sách cấm cần kèm theo hỗ trợ gì đó để DN chịu đựng được” – ông Trí nói.

Khách sạn chấp hành dù khó khăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Ngô Thị Xuân Thu – quản lý tiếp thị và truyền thông khách sạn Caravelle Saigon – cho biết DN này đã tạm đóng cửa 2 quầy bar trong khách sạn, gồm một quầy bar sân thượng.

Theo bà Thu, từ sau tết đến nay lượng khách sử dụng các dịch vụ khách sạn suy giảm, buộc phải đóng cửa quầy bar, giảm buffet trưa, chỉ phục vụ các nhà hàng vào các tối cuối tuần.

Tương tự, đại diện khách sạn Rex (quận 1) cho biết DN này cũng buộc phải đóng cửa quầy bar trên sân thượng, các ca sĩ, nghệ sĩ tại đây tạm thời ngưng phục vụ hằng đêm như trước. Theo vị này, đây là biện pháp phòng dịch nên khách sạn chấp hành nghiêm túc dù khó khăn.

Nghệ sĩ nước ngoài lo lắng

Ông Hoàng Việt – quản lý quán bar C. (quận 1) – cho biết quầy bar này là “nồi cơm” nuôi 40 nhân viên, trong đó có những nhạc công, ca sĩ nước ngoài. Mới vài ngày trước, quầy bar này áp dụng chính sách cắt giảm giờ làm, đảm bảo lương tối thiểu, nay đành tạm đóng cửa.

Bà J. – một ca sĩ Philippines chuyên hát ở các quầy bar tại khu vực quận 1 – buồn cho hay hiện tại bà đang “đứt nguồn thu nhập”. Theo bà J., toàn bộ thu nhập nuôi sống bản thân, trả tiền thuê nhà ở Việt Nam và nuôi con ăn học của bà đến từ hoạt động ca hát ở các tụ điểm giải trí. Hiện tất cả các quán bar này đã đóng cửa khiến chưa biết phải xoay xở thế nào.

NGỌC HIỂN – MI LY – LINH ĐOAN – CÔNG TRUNG
TTO