26/12/2024

Sống chung với hạn, mặn ở Mekong

Sống chung với hạn, mặn ở Mekong

Các nước ở hạ lưu sông Mekong giờ đây đối mặt tình trạng hạn, xâm nhập mặn đe doạ mưu sinh thường xuyên hơn. Khẩn cấp xây dựng những kịch bản mới là điều cần thiết.

 

Sống chung với hạn, mặn ở Mekong - Ảnh 1.

Một vườn sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang, Việt Nam bị chết do khô hạn lâu ngày – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), không một lưu vực sông nào trên thế giới hưởng lợi từ lũ nhiều như khu vực hạ lưu của sông Mekong (LMB). Trong khi lũ lụt hằng năm có khả năng gây thiệt hại cho các cộng đồng chưa chuẩn bị, làm hỏng mùa màng và gây nguy hiểm cho an ninh lương thực, chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp.

Ngược lại, hạn hán lại không đem lại bất kỳ lợi ích rõ ràng và khi kết hợp với xâm nhập mặn, hậu quả chỉ có tồi tệ hơn.

Quản lý hạn hán như lũ lụt?

Thống kê của MRC cho thấy thiệt hại trung bình do lũ ở khu vực LMB dao động từ 60 đến 70 triệu USD mỗi năm nhưng lợi ích kinh tế mà nó mang lại có thể lên tới 8-10 tỉ USD. Không chỉ đem theo lượng cá tôm chưa từng thấy trong năm, lũ còn “nạp lại” nguồn nước mới cho nước ngầm.

Nước trong mùa lũ có thể được trữ lại để sử dụng trong mùa khô, các trầm tích lắng đọng giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất. Quản lý lũ và hạn chế tối thiểu thiệt hại từ nó là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với nhiều nước trong LMB.

Không giống như lũ lụt, hạn hán có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nước, mất thu nhập trong khi nguy cơ mắc các loại bệnh cao hơn. Hạn hán gây thiệt hại cho nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và có thể dẫn đến mất toàn bộ mùa màng, chăn nuôi và thủy sản. Với tần suất hạn hán ngày càng cao ở LMB, thiệt hại của nó đã bắt đầu vượt qua lũ lụt.

Nhật Bản, một quốc gia có hợp tác chặt chẽ với các nước LMB, trong nhiều năm qua đã có các bước đi hỗ trợ. Mới đây nhất, ngày 13-3 tại Lào, đại diện Chính phủ Nhật đã trao khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3,9 triệu USD cho MRC để giúp tổ chức này tăng cường năng lực giám sát, dự báo về hạn hán và lũ lụt tại LMB.

Số tiền kể trên sẽ được phân bổ trong bốn năm từ năm 2020 đến 2023 nhằm chuyển đổi Trung tâm Quản lý lũ lụt và hạn hán khu vực của MRC – có trụ sở tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia – thành một trung tâm có thể cung cấp nhanh hơn, chính xác hơn các dự báo về hạn hán, lũ lụt và đưa ra các cảnh báo sớm cho các nước hạ lưu sông Mekong gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Mặc dù vậy, mỗi nước cần phải có một trung tâm cảnh báo dự báo và cảnh báo hạn hán riêng để chủ động đối phó hơn trong tương lai.

Cần chuyển đổi sinh kế để sống với hạn?

Để đối phó với mối đe dọa của hạn hán, các nỗ lực liên quốc gia không nên chỉ tập trung vào việc giảm thiểu tổn thương của người dân trong lưu vực, đặc biệt là trong các cộng đồng nông nghiệp.

Những nỗ lực này nên được mở rộng sang cả công tác dự báo chính xác. Để sống chung được với hạn hán như sống chung với lũ, cần có những tính toán lâu dài giúp người dân chuyển đổi sinh kế trong mùa hạn.

Lấy ví dụ như hồ Songkhla nằm gần biển ở Thái Lan. Phụ nữ ở đây được chỉ cách làm các sản phẩm thủ công như xà bông và các sản phẩm từ cọ khi việc đánh bắt cá trở nên khó khăn hơn trong mùa hạn. Trung tâm nơi đã đào tạo họ cũng là trung tâm thu mua, đảm bảo thu nhập của mỗi người có thể lên tới 440 USD/tháng (hơn 10 triệu đồng), theo một báo cáo năm 2019 của MRC.

“Hồi sinh” những ao, hồ lớn ở LMB để trữ nước vào mùa lũ và dùng trong mùa hạn cũng là một ý tưởng tích cực nhưng cần tính toán kỹ, bởi có thể dẫn tới những cuộc tranh cãi giữa các địa phương giống như các quốc gia đã và đang làm với nhau vì những con đập.

DUY LINH
TTO