25/11/2024

Giám sát chất lượng khi công nhận kết quả dạy học từ xa thế nào ?

Giám sát chất lượng khi công nhận kết quả dạy học từ xa thế nào ?

Ngày 13.3, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành văn bản hướng dẫn dạy học từ xa qua internet, truyền hình để áp dụng trên cả nước. Trong đó yêu cầu xem xét, kế thừa những nội dung đã học qua hình thức này.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đã trao đổi với Thanh Niên để làm rõ hơn những “kịch bản” có thể xảy ra với hình thức dạy học mới mẻ này ở Việt Nam.
Ông Thành cho biết, công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình với những hướng dẫn cụ thể. Khi học sinh (HS) đi học trở lại, chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, truyền hình.
Giám sát chất lượng khi công nhận kết quả dạy học từ xa thế nào ?1

PGS Nguyễn Xuân Thành  Ảnh: Tuệ Nguyễn

Giáo viên cũng phải “xem” cùng học sinh

Thưa ông, dù đa số đều ủng hộ việc Bộ GD-ĐT công nhận kết quả dạy học từ xa, nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn làm thế nào để giám sát chất lượng dạy và học khi áp dụng hình thức này?
Có 2 hình thức dạy – học từ xa là dạy qua internet và trên truyền hình. Với việc dạy qua internet, giáo viên (GV) dễ dàng hơn trong việc xây dựng bài giảng, giao nhiệm vụ cho HS và theo dõi được quá trình học tập của HS; HS sẽ phải trả bài theo nhiệm vụ học tập ấy… Trong suốt quá trình, GV có thể theo dõi và đảm bảo việc dạy học qua hình thức này là thực chất, hiệu quả.
Đối với việc dạy học qua truyền thình thì khó khăn hơn trong việc giám sát quá trình học tập của HS. Tuy nhiên, điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của chúng ta còn khác nhau ở mỗi đơn vị trường học, địa phương, nên việc dạy học trên truyền hình đáp ứng được nhu cầu học từ xa của HS ở những nơi còn khó khăn về internet.
Dạy trên truyền hình thì tương tác giữa người dạy và người học bị hạn chế, nên các địa phương sẽ buộc phải làm những việc cụ thể như: hướng dẫn, lựa chọn kỹ GV để thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học; làm sao để GV giảng bài đến đâu HS dễ hiểu đến đó, vì các em không có điều kiện nêu thắc mắc và đặt câu hỏi trực tiếp; phải chọn khung giờ phát sóng cho phù hợp với HS. Đặc biệt, phải xây dựng kế hoạch dạy học rõ ràng theo từng lớp, từng môn để thông báo rộng rãi cho tất cả HS, phụ huynh sắp xếp thời gian học tập phù hợp…
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các cơ sở giáo dục phải hướng dẫn, yêu cầu GV từng lớp, từng môn cùng tham dự giờ học trên truyền hình với HS, để sau đó hướng dẫn HS của mình thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong các giờ học trên truyền hình, đồng thời giải đáp những băn khoăn thắc mắc của HS, chấm chữa bài tập cho các em…
Nếu làm tốt những điều đó thì sẽ giám sát được việc dạy học có thực chất hay không. Việc phối hợp với gia đình cũng rất quan trọng để gia đình cũng quản lý được việc học từ xa của con, tránh tâm lý lo ngại không biết con ngồi trước “màn hình” thì có học được gì không…
Giám sát chất lượng khi công nhận kết quả dạy học từ xa thế nào ?2

Học sinh tại TP.HCM tham gia một buổi học trực tuyến trong những ngày không đến trường vì dịch Covid-19  Ảnh: Ngọc Dương

Ôn lại kiến thức đã học trực tuyến khi trở lại trường

Đặt tình huống một lớp có 40 HS, GV của lớp đó làm rất tốt việc dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ học. Khi quay trở lại trường, chỉ có vài HS không đạt yêu cầu vì các em không tự giác học từ xa thì có tổ chức dạy học riêng cho một số ít HS này?
Việc học qua hình thức nào, từ xa hay trực tiếp thì luôn có hướng dẫn, yêu cầu về dạy học phụ đạo cho những HS chậm hơn, khó tiếp thu bài học hơn, nhất là khi chúng ta ngày càng tiến đến việc dạy học hướng tới cá nhân hóa từng HS… Từ lâu, GV đã được tập huấn đổi mới phương pháp dạy học hướng tới cá nhân hóa, các thầy cô thay vì nói “Tôi dạy 1 lớp có 40 HS” thì đã quen dần với cách tiếp cận mới: “Tôi dạy 40 HS của 1 lớp”. Do vậy, tôi tin nhiều GV và các nhà trường đã có kinh nghiệm trong việc này. Khi HS trở lại trường thì việc đôn đốc, kèm cặp các HS chậm hơn hoặc không có điều kiện theo học từ xa sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, kể cả dạy học từ xa thì GV hoàn toàn có thể trực tiếp hoặc phối hợp với gia đình HS đôn đốc, hướng dẫn các con hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Trong trường hợp kiểm tra đánh giá mà thấy kết quả học tập trực tuyến chưa đạt yêu cầu do HS chưa quen hoặc vì bất cứ lý do gì thì mỗi GV, mỗi nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả đó để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, có thể sẽ phải dạy và ôn tập để tránh việc HS bị thiệt thòi, hổng kiến thức. Bộ đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học để các địa phương có đủ quỹ thời gian cần thiết áp dụng cho mọi tình huống, mọi trường hợp.
Như vậy, sau khi HS trở lại trường, HS sẽ được ôn lại kiến thức đã học trực tuyến, học trên truyền hình… rồi mới tiến hành kiểm tra, đánh giá những kiến thức đã học theo các hình thức này. Căn cứ vào kết quả đánh giá ấy, các trường sẽ xây dựng kế hoạch để dạy học các nội dung kiến thức tiếp theo, đảm bảo hoàn thành chương trình.
Theo ông, làm thế nào để tránh hiện tượng xuê xoa, hình thức trong cả việc dạy học và kiểm tra đánh giá khi thực hiện dạy học từ xa, với tâm lý năm nay nghỉ học quá dài vì bệnh dịch?
Thực ra mục tiêu số 1 của việc học là trang bị kiến thức, kỹ năng cho HS, đảm bảo HS được dạy đủ, dạy đúng nội dung chương trình, đảm bảo nền tảng kiến thức cho các em còn tiếp tục học lên các lớp học, cấp học cao hơn; để đáp ứng yêu cầu nội dung các kỳ thi cuối năm học, thi tuyển sinh… Do vậy, việc học trước hết là nhu cầu tự thân của HS, là trách nhiệm của các nhà trường, để đảm bảo chất lượng giáo dục và cũng là uy tín của mỗi nhà trường. Do vậy, tôi tin việc xây dựng kế hoạch và có sự giám sát dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình nếu làm tốt sẽ quản lý được chất lượng.
Cần phát huy sự tự chủ
PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT), cho biết: “Tôi hiểu công văn của Bộ GD-ĐT có tính mở, nó cho phép “được làm và được chịu trách nhiệm” trong phạm vi không gian, thời gian, điều kiện hiện nay của mỗi nhà, mỗi người, mỗi trường. Nhưng phản ứng về nó mà tôi thu nhận được cũng cho thấy sự “không đồng đều” về môi trường công nghệ hiện nay, về hiểu biết, về năng lực thực hiện nữa. Tôi vẫn ủng hộ thay đổi nhận thức quản lý, để sự tự chủ được phát huy hơn nữa, nhất là ở phạm vi “đảm bảo chất lượng, cách thức thực hiện” của mỗi người học, mỗi nhà trường, nghĩa là, hãy để họ được tự chủ về chương trình nhà trường, cách thực hiện chương trình đó, nhưng trong điều kiện quản lý chất lượng chặt chẽ”.
Kiểm tra đánh giá nhẹ nhàng
Khi quay trở lại trường thì các cơ sở giáo dục không phải tiến hành kiểm tra ngay những nội dung HS đã học từ xa hoặc dạy tiếp nối các bài học trong chương trình, mà phải dành thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức đã học từ xa cho tất cả HS… Kết quả kiểm tra đánh giá ấy cũng nhẹ nhàng như những bài kiểm tra định kỳ khi HS học trực tiếp. GV hoàn toàn có thể áp dụng việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ, thay vì chỉ yêu cầu HS làm bài trên giấy như cách truyền thống để chấm điểm. Cụ thể, có thể cho HS làm các bài tập thực hành và chấm điểm trên sản phẩm của các em.
TUỆ NGUYỄN
TNO