04/01/2025

Đeo khẩu trang nơi công cộng: ‘Không nhất thiết là khẩu trang y tế’

Đeo khẩu trang nơi công cộng: ‘Không nhất thiết là khẩu trang y tế’

Từ ngày mai (16-3), tại các nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…, người dân phải đeo khẩu trang.

 

 

Đeo khẩu trang nơi công cộng: ‘Không nhất thiết là khẩu trang y tế’ - Ảnh 1.

Buổi họp của một công ty tại TP.HCM. Tất cả các nhân viên đều phải đeo khẩu trang để ngăn chặn giọt bắn có nguy cơ lây nhiễm virus corona – Ảnh: MAI CHI

Chỉ đạo quyết liệt này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy quyết tâm cao độ trong việc chặn đứng khả năng lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng.

Để tránh tâm lý hoang mang người người kéo nhau “lùng” mua khẩu trang dẫn đến khan hiếm, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM).

Bác sĩ Hùng nói: “Dù không phải trong mùa dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang khi đến các nơi cộng cộng đều rất tốt. Ngoài nguy cơ lây nhiễm các loại virus có thể giúp mọi người dân tránh được các loại bụi, khói, các loại khí thải độc hại trong môi trường”.

Đeo khẩu trang nên là thói quen

Đeo khẩu trang nơi công cộng: ‘Không nhất thiết là khẩu trang y tế’ - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) – Ảnh: HOÀNG LỘC

* Bác sĩ nói mục đích đeo khẩu trang là ngăn cản các giọt bắn lớn chứa virus văng ra vào mặt người tiếp xúc. Như vậy có thể hiểu việc đeo khẩu trang nên là thói quen của tất cả mọi người khi đến nơi công cộng?

– Đúng như vậy. Cụ thể, trong mùa dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang đối với người chưa bị bệnh nhằm tránh hít phải những giọt bắn lớn chứa nhiều loại virus từ người đối diện.

Còn với người đang trong giai đoạn ủ bệnh, không ai biết việc đeo khẩu trang có tác dụng cản trở phát tán của virus ra ngoài. Trong trường hợp này, nếu không đeo khẩu trang, giọt bắn chứa virus có thể bắn xa 2m, rất nguy hiểm.

Đeo khẩu trang nơi công cộng: ‘Không nhất thiết là khẩu trang y tế’ - Ảnh 3.

Khách nước ngoài đến TP.HCM khi ra nơi công cộng họ đều ý thức đeo khẩu trang – Ảnh: DUYÊN PHAN

* Nhưng hiện nay có một thực tế là người dân thường đổ xô “lùng” mua bằng được khẩu trang y tế. Việc này gián tiếp đẩy thị trường khẩu trang rơi vào khan hiếm, đắt đỏ….

– Người dân cần hiểu ý nghĩa của việc đeo khẩu trang để làm gì trong mùa dịch này.

Theo tôi, việc đeo khẩu trang có mục tiêu chính là ngăn cản các giọt bắn lớn, văng ra xa vào mặt người tiếp xúc. Do đó sử dụng bất cứ loại khẩu trang nào cũng được, có thể là khẩu trang vải, khẩu trang 2,3 lớp. Chứ không nhất thiết phải mang khẩu trang y tế, N95.

Bởi khẩu trang 4 lớp này là loại mà các nhân viên y tế đang sử dụng để chăm sóc cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh rồi. Việc lạm dụng này khiến nguồn cung thị trường khan hiếm, rất nguy hiểm.

Bảo vệ mình, cộng đồng

* Việc đối diện với một người nhiễm bệnh có mang khẩu trang tại nơi công cộng, theo bác sĩ nguy cơ lây nhiễm như thế nào?

– Với người đã nhiễm COVID-19 và đã phát tán virus từ trong cổ họng với mức độ mạnh thì việc đeo khẩu trang thường chắc chắn khả năng phòng tránh là ít hơn. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng như hiện nay là một giải pháp hữu hiệu giúp loại bỏ nhiều nguy cơ virus lây lan ra cộng động.

Đeo khẩu trang nơi công cộng: ‘Không nhất thiết là khẩu trang y tế’ - Ảnh 4.

Phát khẩu trang miễn phí cho người dân tại TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

* Theo bác sĩ, nguy cơ lây nhiễm bệnh ở các nơi công cộng như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng có lớn không?

– Tất nhiên càng chỗ đông người nguy cơ lây bệnh càng cao, bởi không thể biết được người đang có bệnh hay không có bệnh. Ngoài ra càng chỗ đông người thì việc đụng chạm phải những chất tiết nhiễm khuẩn rất cao.

Do vậy, việc Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế không nên đến chỗ đông người trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng phức tạp là điều cần thiết để bảo vệ mình và cộng đồng.

4 việc “cần làm ngay” khi đến nơi đông người

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu bắt buộc phải đến những nơi đông người Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân phải nhớ:

– Luôn vệ sinh đôi bàn tay với xà phòng và nước sạch: Đây là biện pháp đơn giản mà rất hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh. Các thời điểm rửa tay cần thiết là: sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ; trước khi ăn; khi bàn tay bẩn, trước khi vào và sau khi ra khỏi khu dịch vụ.

– Hạn chế đưa tay sờ lên mặt, mũi, miệng và không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

– Luôn che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.

– Luôn sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến khu dịch vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác. Tuyệt đối không được khạc nhổ bừa bãi.

HOÀNG LỘC thực hiện
TTO