24/11/2024

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức

Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

 

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 1.

Lò gạch, gốm truyền thống ở huyện Mang Thít

Ông Lữ Quang Ngời – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – vừa cho biết đang phối hợp cùng các doanh nghiệp lữ hành tìm hướng phát triển du lịch cho tỉnh nhà. Trong đó, đáng chú ý là đề án di sản đương đại Mang Thít – đề án chuyển đổi phát triển hệ thống lò gạch, gốm truyền thống ở huyện Mang Thít.

Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Dân gian thường hay gọi nơi đây là “vương quốc gạch ngói/lò gạch”.

Mới đây, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Vĩnh Long kết hợp cùng các kiến trúc sư, nhà tư vấn đầu tư… tổ chức hội nghị báo cáo ý tưởng về Đề án di sản đương đại vương quốc lò nung huyện Mang Thít, với sự tham dự của Ban Văn hóa UNESCO Việt Nam.

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 2.

Nghề nung lụi tàn, kéo theo “vương quốc lò” cũng dần sụp đổ theo năm tháng…

Thời hoàng kim “rực lửa”

Làng nghề nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai. Ngay từ đầu làng đã có thể thấy những lò nung đỏ au, trên nền xanh đất trời tạo nên một bức tranh rất đỗi thân thương. Thời hoàng kim – những năm 1980, cả “vương quốc” có trên dưới 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò.

Chi phí sản xuất lúc đó thấp do sử dụng than và trấu là chính. Theo các nghệ nhân truyền tai nhau, từ đầu thế kỷ 20, sản phẩm gạch ngói Mang Thít đã vượt trội về mặt chất lượng nhờ vào nguồn đất sét tự nhiên cùng kỹ thuật nung nấu đặc trưng.

Cuộc sống của bà con làng nghề gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, nhiều thế hệ trưởng thành, được ăn học chu đáo cũng nhờ vào gạch, gốm.

Làng nghề thời hưng thịnh ngày nào cũng rực lửa, ghe chở hàng, ghe chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả dòng sông. Hầu hết sản phẩm tại đây đều được vận chuyển bằng ghe ngược xuôi đi khắp xứ, đồng thời còn xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan.

Những sản phẩm gốm nhung từ đất sét ở đây được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận “Gốm đỏ Vĩnh Long”.

Tuy nhiên, “vương quốc lò nung” bắt đầu sụp đổ từ những năm 2000 bởi chi phí sản xuất quá cao, thói quen người tiêu dùng thay đổi. Do đó, số lượng đặt hàng gạch ngói đã bị giảm bớt đáng kể, nghề nung gạch dần bị mai một. Có rất nhiều cơ sở đã bán tháo, phá dỡ và hiện “vương quốc” này chỉ còn trên 1.000 lò tồn tại.

Nhiều hộ dân gắn liền xương máu với lò đành để lò đó nhìn cho đỡ nhớ nhung, lâu lâu thấy lửa được nhen lên, những người thợ lại xốn xang lòng. Cả vùng đất ven sông Cổ Chiên trở nên bình lặng, hiu hắt…

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 3.

Khối tài sản lò gạch – gốm ở huyện Mang Thít được đánh giá có nhiều cơ hội, tiềm năng để trở thành một di sản đương đại không chỉ độc đáo của riêng Việt Nam – Ảnh: C.HẠNH

Một điểm đến du lịch hấp dẫn

Theo UBND huyện Mang Thít, rất nhiều đoàn công tác cả trong và ngoài nước khi đến Mang Thít đều muốn một lần trải nghiệm quá trình sản xuất cũng như đời sống của người dân làng gạch – gốm bởi làng nghề có những nét đặc trưng riêng mà không phải ở đâu cũng có.

TS.KTS Ngô Anh Đào – đại diện nhóm chuyên gia vừa làm việc với tỉnh Vĩnh Long để trình bày đề án “Di sản đương đại Mang Thít” – khẳng định hệ thống lò gạch Mang Thít là một kho báu chưa được nhìn nhận, đánh giá đầy đủ.

Kho báu này thực sự có giá trị bởi nó được kiến tạo qua thời gian hơn 100 năm, từ sự giao thoa văn hóa – kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống rất độc đáo, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.

Nhóm chuyên gia nhận định “vương quốc lò gạch” Mang Thít hội tụ đầy đủ những điều kiện cơ bản để trở thành một khu di sản đương đại tầm cỡ quốc tế, một điểm đến du lịch hấp dẫn, có thể mang lại những lợi ích không nhỏ cho chính địa phương và quốc gia.

Nhưng để đạt được điều này thì cần thiết phải có được sự hợp tác giữa chính quyền các cấp, cộng đồng người dân địa phương và các nhà đầu tư. KTS Ngô Anh Đào lấy ví dụ Vĩnh Long có thể chuyển đổi chức năng của cụm lò – xưởng – nhà dân để mở các dịch vụ như homestay, các hoạt động nghề gốm – bảo tàng, triển lãm gốm, vườn nghệ thuật, vườn cưới, tháp ngắm cảnh, trạm xe đạp, nhà hàng nông sản…

Từ khu công nghiệp đến di sản

Nhà xưởng tan hoang, sụp đổ theo thời gian - Ảnh: CHÍ HẠNH

Nhà xưởng tan hoang, sụp đổ theo thời gian – Ảnh: CHÍ HẠNH

KTS Ngô Anh Đào cho biết trên thế giới có rất nhiều mô hình bảo tồn và chuyển đổi các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hết nhiệm vụ lịch sử thành các khu bảo tàng, trung tâm đa chức năng phục vụ du lịch, văn hóa, giáo dục, kinh tế như:

– Khu lò sản xuất gạch được người Trung Hoa xây dựng tại thành phố Staffordshire (Anh) những năm 1930 đã được phục hồi thành khu du lịch và trung tâm kỹ nghệ đồ gốm “Stoke-on-Trent”;

– Khu công nghiệp chuyển đổi “798” và công viên sáng tạo văn hóa tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành một tổ hợp nghệ thuật với phòng tranh, bảo tàng và giải trí nổi tiếng, thu hút 3 triệu khách/năm;

– Một nhà máy gạch bỏ không ở Tô Châu (Trung Quốc) được chuyển đổi thành một bảo tàng về gạch/gốm để phát triển du lịch giáo dục…

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 6.

Vương quốc lò nung nằm hiu hắt dọc hai bên kênh Thầy Cai, lọt thỏm giữa những mảng xanh ruộng vườn khiến bao người xốn xang – Ảnh: CHÍ HẠNH

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 7.

Xóm lò nung vắng vẻ một cách buồn bã với bà con làng nghề – Ảnh: CHÍ HẠNH

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 8.

Vương quốc lò nung dọc kênh Thầy Cai, xã Mỹ An, huyện Mang Thít thỉnh thoảng chỉ có vài ba thương hồ đến đây lấy gạch – Ảnh: CHÍ HẠNH

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 9.

“Lâu lâu nổi lửa một lò, tạo công ăn việc làm cho bà con trong xóm để đỡ nỗi nhớ nhung với nghề”, ông Nguyễn Văn Năm, 70 tuổi buồn bã nói – Ảnh: CHÍ HẠNH

Lò gạch Mang Thít là một kho báu chờ được đánh thức - Ảnh 10.

Lò nung im ắng, sân phơi vắng người, khung phơi gạch mục dần theo năm tháng – Ảnh: CHÍ HẠNH

CHÍ HẠNH – CHÍ CÔNG – THIÊN ĐIỂU
TTO