Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội cho biết vẫn chưa bỏ lỡ “72 giờ vàng”, không có ca dương tính “mờ” (chưa xác định được nguồn nhiễm) nên dịch vẫn nằm trong tầm khống chế, dù vẫn còn những ca “nguy cơ cao”.
Còn trường hợp nguy cơ cao, xác minh diện rộng
Sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội ngày 6.3 (
bệnh nhân N.H.N, tạm trú tại phố Trúc Bạch, Q.Ba Đình), 9 giờ 30 sáng 7.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của thủ đô tiếp tục họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đã xác định 33 người tiếp xúc gần với bệnh nhân N.H.N (đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2.3) và 90 người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần. Tất cả đều được cách ly theo dõi chặt chẽ. Hà Nội cũng đã lấy mẫu xét nghiệm của cả 33 người này, trong đó có 25 trường hợp âm tính với vi rút
SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, và có 2 trường hợp dương tính. “Dịch đang diễn biến hết sức phức tạp. Dự báo trong những ngày tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới”, đại diện Sở Y tế nhận định.
Thêm 3 ca bệnh Covid-19 trong ngày 7.3
Trong chiều 7.3, Bộ Y tế đã thông báo thêm 3 ca bệnh Covid-19 ghi nhận trong ngày. Đó là N.V.T, nam, 27 tuổi, quê ở Thái Bình, trở về từ TP.Daegu,
Hàn Quốc ngày 4.3 trên chuyến bay VJ981 và nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, được cách ly tập trung tại nơi dành cho người có nguy cơ cao. Ngày 7.3 T. được chuyển đến khu cách ly Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để theo dõi và điều trị. Ca thứ hai là bà L.T.H, 54 tuổi, bác ruột của bệnh nhân N.H.N. Ca thứ ba là anh Đ.D.P, 27 tuổi, lái xe riêng của gia đình bệnh nhân N.H.N.
Như vậy tính đến tối qua, tổng số ca bệnh Covid-19 ở VN là 20, trong đó có 16 ca đã chữa khỏi hoàn toàn.
Đêm 6 và sáng 7.3, Hà Nội đã triển khai khoanh vùng những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, và xác định được toàn bộ số người tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). Hà Nội sẽ mở rộng ra đến diện F3 (tiếp xúc với F2) và F4 (tiếp xúc với F3) để đề phòng.
Theo UBND Q.Ba Đình (Hà Nội), do đường Trúc Bạch chỉ có một dãy nhà số lẻ nên số hộ bị cách ly không nhiều. Q.Ba Đình đã xác định được 3 người tiếp xúc gần đều là cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Hồng Ngọc, và đều đã đưa đi cách ly. Những người tiếp xúc gần với những người này cũng đã được cách ly tại nhà. Qua khai báo của nhân viên cửa hàng 129 Trúc Bạch, bệnh nhân có vào cửa hàng mua hàng vào ngày 4.3. 9 nhân viên cửa hàng này đã cách ly. 5 người tiếp xúc với nhân viên cửa hàng cũng đã được lập danh sách cách ly.
Lo ngại Bệnh viện Hồng Ngọc thành ổ dịch
Sau khi 17 y bác sĩ của
Bệnh viện Hồng Ngọc phải bị cách ly vì tiếp xúc với bệnh nhân N.H.N mà không có phương tiện bảo hộ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cảnh báo các cơ sở y tế phải xem xét lại quy trình khám chữa bệnh, vì lo ngại lặp lại tình huống của bệnh viện ở Daegu (Hàn Quốc), với hơn 30 y bác sĩ nhiễm bệnh và lây cho hàng trăm bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Hồng Ngọc dừng tiếp nhận bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân trong đó lo lắng, muốn ra viện. Khoảng 542 người. Nhưng về chuyên môn, chúng tôi muốn giữ bệnh nhân ở đó để giám sát triệu chứng trước khi có quyết định. Bệnh viện cũng có khoảng 500 cán bộ, nhân viên y tế. Nhiều người trong số này gia đình không muốn cho về nhà, nên bệnh viện đã tổ chức địa điểm cách ly riêng”, ông Cảm cho hay.
Đối với Q.Hoàn Kiếm, đã có 1 người tiếp xúc gần và được cách ly, còn 9 người khác bay cùng chuyến bay, Q.Hoàn Kiếm đã tìm kiếm và yêu cầu họ tự cách ly. Q.Đống Đa có 4 trường hợp tiếp xúc gần và 14 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần, nhưng có 5 du khách bay cùng chuyến VN0054 đã rời khách sạn Pullman hiện chưa xác minh được. Q.Hoàng Mai có 1 bác sĩ người Campuchia đã trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân N.H.N, 1 kỹ thuật viên ở P.Mai Động và 2 nhân viên y tế. Tất cả đều đã cách ly.
Tại H.Chương Mỹ có 1 người tiếp xúc với chị N.H.N 2 lần, nay đang ở nhà, không tiếp xúc với ai. H.Chương Mỹ đã phun thuốc khử khuẩn toàn bộ xóm, cách ly gia đình này và lấy mẫu xét nghiệm.
Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, trung tâm đã huy động 5 tổ phản ứng nhanh cùng 20 đội phản ứng nhanh của các quận, huyện điều tra cả đêm, mở rộng ra đến hết F3. Theo đó, xấp xỉ 200 người đã được điều tra trong đêm.
Binh chủng Hóa học triển khai khử trùng đoạn phố Trúc Bạch (Q.Ba Đình) bị phong tỏa và một số phố lân cận Ảnh: Trần Cường
|
Tài xế Đ.D.P đã tiếp xúc với nhiều người
Trong số 2 ca vừa được thông báo dương tính là bác và tài xế của bệnh nhân N.H.N, tài xế Đ.D.P thuộc diện đáng lo ngại, vì có tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn 3 quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy, từ ngày 2 – 6.3.
Anh Đ.D.P thuê nhà ở số 113 Trúc Bạch, cạnh nhà bệnh nhân N. Q.Ba Đình đã thu thập thông tin của toàn bộ người đã tiếp xúc với lái xe này, tiến hành cách ly và phun khử khuẩn nhà 113 Trúc Bạch. Tuy nhiên, tài xế này không chỉ ở 1 địa điểm tại Q.Ba Đình, mà có ở Q.Cầu Giấy, thời gian vừa qua có đến thăm 2 gia đình ở tổ 8 và tổ 2, P.Mai Dịch, theo Chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy. Quận đã cho khoanh vùng, cách ly cả 2 gia đình gồm 9 người.
Đáng chú ý hơn, theo ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND Q.Bắc Từ Liêm, khoảng 9 giờ 15 ngày 5.3, tài xế Đ.D.P đã mang ô tô (chở bệnh nhân N.H.N trước đó) đến một gara tại đường Phạm Văn Đồng để sửa xe. Tại gara, tài xế P. đã tiếp xúc với chủ gara 15 phút. Một nhân viên đã trực tiếp sửa chiếc ô tô.
“Trong lúc chờ sửa xe, anh tài xế này còn ngồi sang 1 ô tô khác để chờ. Lúc đó, khách có gửi 6 ô tô ở gara để sửa. Chúng tôi đã tiến hành chỉ đạo đội phản ứng nhanh, đến 2 giờ sáng 7.3 đã lập toàn bộ danh sách thợ sửa xe của gara, có địa chỉ rõ ràng; đã ban hành 11 quyết định cách ly, còn 4 người khác không cách ly được vì họ đã trở về quê”, ông Cương cho biết thêm. Cụ thể, 1 người đã trở về Đô Lương (Nghệ An), 1 người về Long Biên (Bắc Từ Liêm đã trao đổi với Long Biên về trường hợp này), 1 trường hợp về Hà Nam và trường hợp cuối là con trai chủ gara.
Nguồn: Tổng hợp Đồ họa: Hồng Sơn
|
“Những giờ sắp tới là vô cùng quan trọng”
Dù chưa bỏ lỡ “72 giờ vàng” của việc sớm dập dịch, nhưng Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Những giờ tới đây là vô cùng quan trọng để cách ly những người có nguy cơ cao.
Giải đáp băn khoăn của dư luận về đoàn công tác của Bộ KH-ĐT bay cùng chuyến với bệnh nhân N.H.N, ông Chung cho biết, qua nghiên cứu số ghế cho thấy thành viên của đoàn đều ngồi cách xa 4 – 5 m, không có nguy cơ cao. Người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất chính là hành khách ngồi cùng ghế 5K với chị N. ở chuyến bay tiếp theo vào TP.HCM (trên cùng chiếc máy bay). Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu thông báo cho TP.HCM.
Chia sẻ tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân, ông Chung đề nghị tiếp tục “công khai minh bạch thông tin để người dân yên tâm dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát”.
Khử trùng phố Trúc Bạch
Theo thông tin từ Công an P.Trúc Bạch (Q.Ba Đình), ngôi nhà số 125 Trúc Bạch, nơi nữ bệnh nhân N.H.N sinh sống sau khi đi du lịch ở châu Âu về, là nhà ở, chứ không phải khách sạn như
mạng xã hội lan truyền.
Sau khi tiếp nhận thông tin về phát hiện trường hợp nhiễm dịch bệnh Covid-19, P.Trúc Bạch khoanh vùng, lập các chốt tại 2 đầu phố, phân công lực lượng ứng trực 24/24, mỗi ca 3 cán bộ. Ngày 7.3, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã huy động 70 chiến sĩ, 13 xe đặc chủng phun
khử trùng đoạn phố Trúc Bạch (Hà Nội) bị phong tỏa.