Chích ngừa cúm để bớt nguy cơ bệnh có triệu chứng tương đồng COVID-19
Chích ngừa cúm để bớt nguy cơ bệnh có triệu chứng tương đồng COVID-19
Chích ngừa cúm không thể phòng ngừa hoặc hạn chế mắc COVID-19, nhưng sẽ dễ dàng loại trừ yếu tố nguy cơ gây bệnh nếu có các triệu chứng bệnh tương đồng với COVID-19.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho biết ở Mỹ mùa dịch năm 2018-2019 có khoảng 35 triệu người mắc cúm và 34.000 người tử vong. Tại Việt Nam cũng có hàng triệu người mắc cúm mỗi năm.
Việc chích ngừa cúm có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh này, do vậy người dân nên chích ngừa cúm, đặc biệt những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người mắc các bệnh mãn tính vì những người này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Sao phải né chích ngừa vì lo ngại COVID-19?
Sáng 1-3, tại trung tâm tiêm chủng văcxin dành cho trẻ em và người lớn VNVC có rất nhiều người đến chích ngừa. Chị N.T.D. (32 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM) đưa con trai đi chích ngừa cho biết khá bất ngờ khi thấy đông người chờ đến vậy, vì trước đó chị cứ tưởng nhiều người sẽ né chích ngừa trong khoảng thời gian này vì lo ngại COVID-19.
Gần đó, cả gia đình chị H.K.P. (34 tuổi, ngụ ở Q.12) cũng đang đợi đến lượt được chích ngừa cúm. Chị P. chia sẻ gia đình chị “rất lo lắng trước tình hình COVID-19” nên cả nhà gồm ông bà ngoại, hai vợ chồng chị và một bé gái 2 tuổi cùng đến đây chích ngừa cúm.
Bệnh cúm có triệu chứng gần giống với COVID-19 nên chị P. cho rằng “cứ tránh được bệnh nào hay bệnh ấy!”.
Từ khi xuất hiện bệnh COVID-19, nhiều người dân trong đó có chị T.A.L. (43 tuổi, ngụ ở Q.Tân Phú) hiểu ra được rằng việc chích ngừa văcxin để phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Hiện đã có nhiều loại văcxin phòng ngừa các loại bệnh, trong đó có cúm.
Hiểu vậy, nên ngày 1-3 chị đã cùng hai con, một bé 6 tuổi, một bé 9 tuổi, đến trung tâm này để chích ngừa cúm.
“Từ ngày có dịch bệnh đến giờ, bạn bè của tôi đều tranh thủ cùng con đi chích ngừa cúm. Trẻ em có sức đề kháng kém, không biết tự bảo vệ mình như người lớn nên cần được chích ngừa. Còn tôi bán tạp hóa bánh kẹo, nước ngọt bỏ sỉ, hằng ngày đều tiếp xúc với nhiều khách hàng, nguy cơ lây bệnh cao nên cũng đi chích ngừa”.
Chị N.T.T.H. (25 tuổi, ngụ ở Q.12) thì cho biết dù hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng ở các nước làm nhiều người lo sợ, nhưng đến ngày đi chích ngừa cho con chị vẫn phải đưa con đi. Chị H. luôn hiểu lợi ích của việc chích ngừa nên cho con chích ngừa đầy đủ các loại văcxin mà bác sĩ tư vấn.
Chích ngừa cúm, phế cầu, sởi, thủy đậu tăng 300%
Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh – phó giám đốc y khoa Trung tâm tiêm chủng VNVC, từ trước tết đến nay, số lượng khách hàng tới tiêm các văcxin như cúm, phế cầu, sởi, thủy đậu… tại trung tâm tăng lên đến 300% so với thời gian trước khi COVID-19 xuất hiện.
Trong tình hình diễn tiến dịch bệnh đang phức tạp, các văcxin cần ưu tiên đi chích ngừa hiện nay liên quan đến các bệnh lý do virus, vi khuẩn lây từ người qua người theo đường hô hấp, có nguy cơ diễn tiến nặng ở trẻ nhỏ và người già như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm màng não…
Đó là các loại văcxin phòng cúm, văcxin phòng phế cầu, văcxin phòng não mô cầu. Việc tiêm các văcxin này không chỉ có tác dụng phòng các bệnh nguy hiểm kể trên mà còn giúp dễ dàng loại trừ yếu tố nguy cơ gây bệnh nếu có các triệu chứng bệnh tương đồng với COVID-19.
Trẻ em cần đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các văcxin phòng các bệnh được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các văcxin cần thiết theo độ tuổi. Không nên vì lo lắng quá mức dịch bệnh COVID-19 mà trì hoãn lịch tiêm văcxin.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lựa chọn các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh tốt.
Bệnh do COVID-19 và cúm đều do virus gây ra nên những triệu chứng khởi phát tương tự như nhau.
Bệnh nhân thường sẽ có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, khó thở, mệt mỏi, đôi khi là nôn mửa, tiêu chảy. Chính do sự giống nhau này nên rất khó để có thể chẩn đoán bệnh nếu chỉ dựa vào các triệu chứng.
Vì vậy, để xác định các ca nhiễm virus của bệnh COVID-19, cần đến các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Khác biệt lớn nhất là cúm đã có văcxin phòng ngừa và điều trị, trong khi COVID-19 thì chưa.
Thực tế cho thấy tác động xấu của COVID-19 nặng nề hơn ở người có sức khỏe kém, có các bệnh nền khác. Do vậy, trong thời điểm này, cần nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh tật, do đó cần tiêm các loại văcxin phòng bệnh đã có.