24/01/2025

Căn cứ tình hình phòng dịch để quyết thời điểm học sinh trở lại trường

Căn cứ tình hình phòng dịch để quyết thời điểm học sinh trở lại trường

Thời điểm cụ thể cho học sinh trở lại trường phải căn cứ vào tình hình phòng chống dịch bệnh để quyết định – Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nêu quan điểm chiều 3-3.

 

Căn cứ tình hình phòng dịch để quyết thời điểm học sinh trở lại trường - Ảnh 1.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, “chống dịch như chống giặc” là khẩu lệnh rất quyết liệt được Thủ tướng nêu ra ngay từ khi phát hiện dịch, đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp tham gia. Đến nay Việt Nam đã đạt được kết quả rất quan trọng, 16 ca nhiễm COVID-19 đều đã được chữa khỏi, đến nay chưa phát hiện ca nhiễm mới.

“Chúng ta tiếp tục áp dụng tất cả các biện pháp kỹ thuật tốt nhất, kể cả đơn phương tạm dừng miễn thị thực, cách ly tập trung đối với tất cả những người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch trở về, để ngăn chặn, phòng ngừa triệt để nguồn lây, không để dịch COVID-19 từ nước ngoài vào lại Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.

“Khách sạn đóng cửa, khu du lịch vắng người”

Theo ông Mai Tiến Dũng, ngay tại thời điểm này, diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới hết sức phức tạp, đã lan ra nhiều nước, trong đó có các thị trường truyền thống, đối tác rất quan trọng của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

“Thủ tướng nhấn mạnh rằng chúng ta không được lơ là, chủ quan, xem nhẹ…”, ông Mai Tiến Dũng nói.

“Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị để giảm thiểu tác động xấu của dịch COVID-19 đối với kinh tế, trong đó có các giải pháp quan trọng như giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… Trước mắt, Chính phủ đã cấp 517 tỉ đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Tại phiên họp diễn ra trong ngày, Chính phủ đã đánh giá những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra đối với kinh tế – xã hội, trong đó có những ngành bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, vận tải.

“Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Theo số liệu được công bố ở cuộc họp, các khách sạn giảm 60-70% lượng khách, Tổng cục Du lịch dự báo giảm doanh thu 6-7 tỉ USD.

Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý “không thể vì doanh thu mà mở cửa đón khách du lịch tràn lan, phát sinh nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”. Chính phủ tái khẳng định quan điểm sẵn sàng hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nạm.

“Việt Nam đã bình tĩnh, có thể rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm”, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra”.

Chưa “chốt” thời điểm học sinh đi học trở lại

Tại họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về thời điểm cụ thể học sinh có thể đi học trở lại và quan điểm của Chính phủ về việc này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thẩm quyền này thuộc về Bộ Giáo dục và đào tạo. Theo đó, Bộ sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để đưa ra quyết định, vừa đảm bảo khung chương trình giáo dục, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.

“Đối với các cháu nhỏ ở bậc học mầm non, tiểu học, do các cháu chưa đủ khả năng tự đảm bảo an toàn trong việc chống dịch, nên thời điểm cụ thể cho các cháu trở lại trường học phải căn cứ vào tình hình phòng chống dịch bệnh để chúng ta đưa ra quyết định”, ông Dũng nói.

Căn cứ tình hình phòng dịch để quyết thời điểm học sinh trở lại trường - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đủ khả năng cách ly 30.000 người

Các phóng viên cũng nêu vấn đề lượng người từ Hàn Quốc đến Việt Nam và người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc thời gian qua rất lớn, hiện đã có hơn 13.000 người đang phải cách ly. “Đề nghị cho biết là Chính phủ có biện pháp nào để giảm tải áp lực đối với các khu cách ly này?”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chúng ta đã có các kịch bản để ứng phó. Với Hàn Quốc, chúng ta đã thực hiện ngay việc kê khai y tế khi nhập cảnh, đồng thời tạm dừng miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc, chỉ định một số sân bay có thể đón khách như sân bay Vân Đồn, Phù Cát…

“Lượng khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam đã giảm rất nhiều”, ông Long cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đối với bệnh truyền nhiễm thì giải pháp cách ly là đặc biệt quan trọng. Bài học cách ly 4 vòng ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã mang lại hiệu quả.

“Giải pháp tương tự đã được chúng ta áp dụng tại các khu vực biên giới phía Bắc, các địa điểm đón công dân từ Hàn Quốc trở về hoặc khách từ Hàn Quốc sang. Chúng ta đã chuẩn bị các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở trong quân đội có thể cho phép 30.000 người cách ly”, Thứ trưởng Long khẳng định.

L.KIÊN – T. HÀ
TTO