23/12/2024

Hà Nội lo quá tải nơi cách ly

Hà Nội lo quá tải nơi cách ly

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP.Hà Nội yêu cầu phải nghiên cứu việc cách ly cả một khu phố khi cần thiết.
Sân bay Nội Bài chiều 27.2 ùn ứ người về từ Hàn Quốc /// Ảnh: Nguyễn Huyền Trang
Sân bay Nội Bài chiều 27.2 ùn ứ người về từ Hàn Quốc  Ảnh: Nguyễn Huyền Trang

Ùn ứ tại Nội Bài

Tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Sở Y tế sáng 27.2, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết hiện lượng người từ Hàn Quốc về Việt Nam rất đông.
“Hai ngày qua, số người về đã lên đến gần 650 người. Dự báo ngày hôm nay (28.2), có 800 trường hợp. Trong khi đó, Trường Quân sự (tại Sơn Tây – PV) của Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ tiếp nhận được khoảng 800 người. Hiện đang có hiện tượng ùn ứ tại Cảng hàng không Nội Bài”, ông Cảm nói và cho biết thêm cảng Nội Bài đang rất lúng túng vì lượng người chờ từ đêm qua đến giờ chưa đưa đi được; không có chỗ ngồi, không có nước uống, không có đồ ăn; có phụ nữ đã bị ngất xỉu.
Ông Cảm đề xuất lãnh đạo TP trao đổi với lãnh đạo Bộ Quốc phòng (vì Chính phủ đã giao nhiệm vụ này cho Bộ Quốc phòng) để đảm bảo chỗ ăn nghỉ, chỗ cách ly cho những người trở về từ Hàn Quốc, cần coi việc chống dịch Covid-19 ở Hà Nội như là chống dịch cho liên tỉnh, cho cả vùng, vì Hà Nội đông dân, thường xuyên có khoảng 2 triệu người ra vào TP.
Chia sẻ về tình hình này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý không được chủ quan vì dịch “rất dễ lây mà lại khó phòng”, “có những yếu tố dịch tễ không giải thích được”. “Hàn Quốc với chúng ta mỗi tháng có 1.000 chuyến bay thương mại; 260.000 người Việt đang sinh sống, học tập ở Hàn Quốc, kể cả cô dâu Việt; 160.000 người Hàn Quốc đang có mặt ở Việt Nam; 26.000 người Việt đang ở 2 ổ dịch của Hàn Quốc; rất đông người Hàn ở Q.Thanh Xuân, Q.Cầu Giấy.
Tôi nói với anh Chung (Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – PV) bây giờ phải nghiên cứu việc cách ly cả một khu phố. Ở Vĩnh Phúc nông thôn, cách ly còn dễ, chứ thủ đô “nhà liền nhà, phố liền phố” thì cách ly kiểu gì. Chúng ta phải tính toán cái này”, ông Huệ nói, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng nâng cao cảnh giác, tuyên truyền cho cộng đồng ý thức về dịch.
Tại Hải Phòng, UBND TP vừa phê duyệt danh sách 82 người phải vào khu cách ly tập trung để giám sát y tế. Trong đó, có 78 người đến từ vùng dịch Covid-19 của Hàn Quốc là Daegu và Gyeongsangbuk, 1 người đến từ Techeon (cũng thuộc Hàn Quốc); 3 người còn lại đến từ Đông Hoản và Quảng Đông (Trung Quốc). Theo UBND TP.Hải Phòng, thời gian cách ly với những người này là 14 ngày kể từ lúc nhập cảnh. Trước đó, Hải Phòng cũng đã thực hiện cách ly 472 người đến từ vùng dịch, đến nay tất cả đều khỏe mạnh.

Lo ngại lao động “chui” về nước trốn cách ly

Một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng người về từ vùng dịch “trốn cách ly”, dẫn đến nguy cơ lây lan rất cao. Trong buổi họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bình Thuận ngày 26.2, các đại biểu bất ngờ khi nghe tin hiện nay có nhiều người đang trốn ở Hàn Quốc để lao động thuê bất hợp pháp tự mua vé bay về nước trốn dịch.
Cụ thể như trường hợp bà N.T.N.A (46 tuổi, ngụ xã Thuận Minh, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) qua Chungcheon (Hàn Quốc) làm trong một nhà hàng từ ngày 6.2. Đến ngày 17.2, bà A. có triệu chứng ho, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức toàn thân và được chủ quán mua thuốc (không rõ thuốc gì) cho uống. Đến ngày 19.2, do lo ngại dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tại Hàn Quốc, bà A. tự đi xe buýt đến sân bay Incheon và bay về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Sáng hôm sau (20.2), bà A. đi xe khách từ TP.HCM về Bình Thuận (không nhớ số xe); sau đó trở về quê nhà ở xã Thuận Minh (H.Hàm Thuận Bắc). Đến sáng 24.2, bà A. vẫn ho, sốt nên đến Bệnh viện đa khoa Bình Thuận khám và lập tức bà được cách ly và lấy mẫu gửi đi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm… Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hải Tùng kiến nghị ngoài cơ chế giám sát chặt công dân Hàn Quốc đến du lịch thì phải có cơ chế giám sát cả công dân tỉnh nhà trở về từ Hàn Quốc. Đặc biệt phải chú ý những lao động đang làm việc bất hợp pháp bên nước bạn.
Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Thuận, hiện nay người Bình Thuận đang lao động tại Hàn Quốc là 75 người; trong số đó có 36 người lao động theo hợp đồng; còn lại 39 người hết hợp đồng rồi trốn ở lại Hàn Quốc làm việc không trở về Việt Nam. Mới đây, Bình Thuận lại có thêm 8 người trốn ở lại Hàn Quốc để làm thuê.
Khu cách ly tại Sơn Tây của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã quá tải, chụp chiều 27.2 Ảnh: V.T

Khu cách ly tại Sơn Tây của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã quá tải, chụp chiều 27.2  Ảnh: V.T

 

Tại Bình Dương, ngày 27.2, bác sĩ (BS) Đỗ Việt Hùng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế TP.Dĩ An, cho biết đã xác minh được những người đã tiếp xúc với N.Th.Th (28 tuổi, ngụ TP.Dĩ An), nhân vật được biết đến nhiều những ngày qua vì livestream việc trốn cách ly thành công nhờ “dùng cái đầu”, và đang thực hiện cách ly đối với những người này. Theo BS Hùng, Th. sinh sống ở tâm dịch Daegu, sau đó đi đến Busan (Hàn Quốc) để về Việt Nam qua Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Khi vừa xuống sân bay, Th. livestream trên mạng xã hội khoe “thành tích” và “dạy” những người khác cách trốn khỏi vùng dịch mà không bị cách ly và “muốn làm được như vậy thì “phải có não”. “Theo xác minh, sau khi từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bình Dương, Th. có ngủ một đêm (25.2) với mẹ và em ở P.Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An). Sau khi cộng đồng mạng chia sẻ clip livestream, đồng thời phản ứng gay gắt, sáng 26.2, Th. đã đến Bệnh viện đa khoa Bình Dương để kiểm tra y tế và có sức khỏe bình thường. Sau đó, Th. xin tự nguyện cách ly trong trung tâm cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bình Dương”, BS Hùng nói.
Cũng theo BS Hùng, cùng thời điểm Th. đi cách ly, Trung tâm y tế TP.Dĩ An đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành phun khử trùng bán kính 200 m tại nơi Th. đã ở cùng với mẹ và em. Bên cạnh đó, mẹ và em của Th. cũng được thực hiện cách ly 14 ngày tại Trung tâm y tế TP.Dĩ An.
“Sau khi xác minh và tiến hành các nghiệp vụ y tế, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động cho người thân cô Th. hiểu rõ và gia đình tỏ thái độ vui vẻ, hợp tác với cơ quan y tế để tiến hành các biện pháp giám sát y tế và cách ly”, BS Hùng nói thêm. Hiện Sở Y tế Bình Dương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh lập danh sách những người đã tiếp xúc với Th. trên máy bay, xe ô tô từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bình Dương… để thông báo cho địa phương có biện pháp giám sát.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, cần có biện pháp chế tài mạnh với những người “trốn cách ly”. “Trong bối cảnh dịch đang nguy hiểm, ai trốn cách ly, khai báo không trung thực, cứ áp mức cao nhất mà phạt, vì có tình tiết tăng nặng. Như Singapore, hành vi khai báo y tế gian dối có thể bị kết án tù hoặc phạt đến vài nghìn USD.
Mọi nỗ lực phòng dịch của cả xã hội chỉ cần 1 người vô ý thức là sẽ “đổ sông đổ bể” hết”, ông Đức nêu quan điểm và cho rằng với các quy định của pháp luật hiện nay, việc xử phạt nghiêm là hoàn toàn có thể làm được, như căn cứ trên luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các nghị định liên quan trong lĩnh vực này.
“Cùng với việc kêu gọi ý thức cộng đồng, mà trước hết là vì chính bản thân và gia đình những người trở về từ vùng dịch, việc xử phạt nặng, cộng với công khai danh tính người cố tình vi phạm sẽ có tính cảnh báo với tất cả những người có ý định vi phạm khác. Tôi ủng hộ những biện pháp nghiêm khắc trong bối cảnh hiện nay”, ông Đức nói.
Về quy định xử phạt, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết tại điều 12 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt y tế về kiểm dịch y tế đã quy định, người vi phạm có thể bị xử phạt nhiều lỗi: phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy chứng nhận kiểm dịch y tế; che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế; phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; giả mạo giấy chứng nhận kiểm dịch y tế…
Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng hành khách có thể “né kiểm soát” để không phải cách ly, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết trong trường hợp cấm một số đường bay, nhiều hành khách có thể dùng nhiều cách để “né” như bay sang các thị trường khác rồi vòng về và khai gian dối.
Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn nếu dịch bệnh lan tràn. Trên thực tế, theo quy định hiện tại, với các hành khách về từ vùng có dịch (kể cả trong trường hợp đi qua nước thứ 3), nếu cơ quan xuất nhập cảnh phát hiện hành khách lưu trú hoặc quá cảnh qua vùng dịch chưa quá 14 ngày, hành khách sẽ bị cách ly. Nhiều trường hợp “né” cách ly đã bị phát hiện, cụ thể ngày 17.2, 4 hành khách Việt Nam bay trên chuyến bay SL180 của Thai Lion Air từ sân bay Don Mueang (Thái Lan) về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Tại đây, lực lượng chức năng xác định trước khi từ Thái Lan về Việt Nam, những hành khách này đã lưu trú tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Qua kiểm tra y tế, cả 4 hành khách đều có sức khỏe bình thường, chưa có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, do có thời gian lưu trú tại Trung Quốc, lực lượng chức năng đã chuyển 4 người đến Bệnh viện Công an TP.Hà Nội để cách ly và theo dõi sức khỏe.
Mai Hà
THANH NIÊN
TNO