25/01/2025

Hà Nội ô nhiễm bụi mịn nhất thế giới

Hà Nội ô nhiễm bụi mịn nhất thế giới

Đó là một trong những kết quả từ báo cáo chất lượng không khí toàn cầu 2019 do Tổ chức IQAir công bố hôm qua (25.2).
Tổng kết 2019, Hà Nội là 1 trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới

Tổng kết 2019, Hà Nội là 1 trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới

Ô nhiễm do đô thị hóa quá nhanh

Ô nhiễm không khí tiếp tục là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, với 90% dân số toàn cầu đang hít thở không khí không tốt cho sức khỏe. Dữ liệu mới nhất do IQAir công bố trong Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 và xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất, cho thấy sự thay đổi tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) trên toàn thế giới trong năm 2019.
Theo kết quả báo cáo, các thành phố của Trung Quốc đã giảm trung bình 9% mức PM2.5 vào năm 2019, sau khi giảm 12% vào năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn 98% các thành phố vượt quá ngưỡng của WHO và 53% các thành phố vượt quá các mục tiêu quốc gia ít nghiêm ngặt hơn của Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã giảm hơn một nửa mức PM2.5 hằng năm. Năm nay, Bắc Kinh đã thoát khỏi bảng xếp hạng 200 thành phố ô nhiễm nhất.
Hàn Quốc là quốc gia ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nhất trong số các quốc gia OECD vào năm 2019. Mức chất lượng không khí tại các thành phố trọng điểm hầu như không có sự biến đổi trong những năm gần đây. Trong khi đó, các thành phố ở Ấn Độ bình quân đều vượt ngưỡng PM2.5 hằng năm của WHO là 500%, ô nhiễm không khí quốc gia đã giảm 20% từ năm 2018 đến 2019, với 98% thành phố có sự cải thiện. Sự thay đổi này được cho là phần lớn dựa trên hệ quả của phát triển kinh tế chậm lại.
Tại Nam Á, các thành phố ở Ấn Độ và Pakistan vẫn giữ vị trí các thành phố ô nhiễm nhất thế giới về PM2.5 vào năm 2019. 21 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Ấn Độ. 5 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Pakistan.
Đặc biệt, tại Đông Nam Á, IQAir đánh giá trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở khu vực này, các đô thị lớn như Jakarta và Hà Nội lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh, trở thành một trong số các thủ đô ô nhiễm bụi PM2.5 nhất thế giới.
Theo ghi nhận, từ tối 22.2, chất lượng không khí ở Hà Nội giảm mạnh. Lúc 1 giờ 20 ngày 23.2, Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) áp dụng cách tính AQI của Mỹ cảnh báo ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở ngưỡng màu nâu, giá trị AQI là 328, đây là mức nguy hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Ứng dụng Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Dữ liệu mới nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí tăng cao là hệ quả của biến đổi khí hậu, như bão cát và cháy rừng, đồng thời ô nhiễm gia tăng cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng của các thành phố, trong các khu vực, điển hình như Đông Nam Á. Mặc dù đạt được một số thành tựu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giám sát chất lượng không khí trên toàn cầu, song vẫn còn đó những lỗ hổng lớn trong việc truy cập dữ liệu trên toàn thế giới.

Nguy hiểm hơn cả dịch Covid-19

Ông Frank Hammes, Giám đốc điều hành IQAir cho biết: Trong khi virus Corona chủng mới đang chi phối thông tin thời sự quốc tế thì một kẻ giết người thầm lặng đang ‘góp phần’ làm tăng thêm gần 7 triệu cái chết mỗi năm, đó chính là ô nhiễm không khí. Thông qua quá trình tổng hợp và quan sát dữ liệu từ hàng ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí, Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 đưa ra bối cảnh mới cho mối đe dọa sức khỏe môi trường hàng đầu thế giới.
Phần lớn dân số trên toàn thế giới vẫn còn hạn chế khả năng nắm bắt thông tin dữ liệu về thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Đông. Ngày càng có nhiều công dân và tổ chức phi chính phủ toàn cầu đã tự phát triển các cảm biến chất lượng không khí chi phí thấp để lấp đầy khoảng trống dữ liệu tại địa phương. Nhờ những nỗ lực này, lần đầu tiên dữ liệu chất lượng không khí công khai liên tục có sẵn cho Angola, Bahamas, Campuchia, DR Congo, Ai Cập, Ghana, Latvia, Nigeria và Syria.
Dữ liệu chất lượng không khí năm 2019 cho thấy các dấu hiệu rõ ràng rằng biến đổi khí hậu có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ dẫn tới ô nhiễm không khí, thông qua sự gia tăng tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng và bão cát. Tương tự, ở nhiều vùng, nguyên nhân gây ô nhiễm PM2.5 xung quanh và khí nhà kính do biến đổi khí hậu là có liên quan, cụ thể như đốt nhiên liệu hóa thạch, tiêu biểu là than đá. Các hành động khẩn cấp cần được thực hiện để giải quyết những vấn đề trên, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.
Ông Hammes nói thêm: “Trong khi số lượng các trạm quan trắc chất lượng không khí đang tăng lên, việc thiếu dữ liệu chất lượng không khí ở các khu vực rộng lớn trên thế giới đặt ra một vấn đề nghiêm trọng, vì những gì không được đo lường thì không thể quản lý. Các khu vực thiếu thông tin về chất lượng không khí được ước tính tồn tại một số địa phương ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, gây nguy hiểm cho người dân. Châu Phi, lục địa với 1,3 tỉ dân, hiện có gần 100 trạm quan trắc cung cấp dữ liệu về PM2.5 thực tế. Dữ liệu chất lượng không khí công khai nhiều hơn giúp người dân và chính phủ đưa ra quyết định phù hợp hơn, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trong những thập kỷ tới”.
HÀ MAI
TNO