24/11/2024

Đình Trùng Hạ biến dạng sau sơn thếp

Đình Trùng Hạ biến dạng sau sơn thếp

Những mảng chạm của đình Trùng Hạ (Ninh Bình) sau khi sơn thếp trở nên khó ngắm nhìn. Vẻ đẹp của di tích quốc gia này do đó giảm hẳn.
Toàn bộ các mảng chạm khắc và cột ở tiền bái của đình Trùng Hạ đã bị sơn son thếp vàng /// Ảnh: Minh Hải

Toàn bộ các mảng chạm khắc và cột ở tiền bái của đình Trùng Hạ đã bị sơn son thếp vàng   Ảnh: Minh Hải

Rồng nổi thành rồng chìm

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Gia Tân, không chỉ có di tích quốc gia đình Trùng Hạ thực hiện tu bổ như trên mà đình Trùng Thượng (cách đình Trùng Hạ khoảng 200 m), cũng là di tích quốc gia và cũng đã được tu bổ các mảng chạm khắc như đình Trùng Hạ.

Những mảng chạm được sơn đỏ vàng của đình Trùng Hạ (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, H.Gia Viễn, Ninh Bình) đã gây xôn xao trên nhiều diễn đàn yêu di sản trong vài ngày nay. Tại các diễn đàn, ảnh của mảng chạm trong di tích quốc gia này trước và sau khi sơn đỏ vàng được đặt cạnh nhau. Những trao đổi đều cho rằng sau khi sơn đường nét mảng chạm trở nên khó nhìn, màu sắc thì rất khó coi.

Không chỉ các diễn đàn di sản kêu ca về việc sơn vàng đỏ đình Trùng Hạ. Bản thân người dân ở đây cũng có cùng quan điểm. “Chúng tôi là người dân ở làng, nên cũng không rõ về dự án họ làm như thế nào. Chỉ thấy họ đến rồi bảo là sơn son thếp vàng. Tôi thấy, hình các con vật sơn toàn màu vàng, thành ra lại khó nhìn, khó hình dung. Trước đây, như hình con rồng thì nó nổi bật lên mắt rồng, vẩy rồng, rồi đuôi… nhưng giờ chỉ một màu vàng, không còn hình dung rõ như thế nào nữa. Không chỉ thế, còn làm mất đi nét tinh xảo của kỹ thuật chạm khắc gỗ ngày trước của các cụ”, một người dân thôn Tùy Hối trăn trở.
Đình Trùng Hạ biến dạng sau sơn thếp - ảnh 1

Hình ảnh đầu rồng tại tiền bái đình Trùng Hạ

Hiện tại hệ thống cột, xà, mảng chạm đều đã được sơn vàng đỏ. Tuy nhiên, theo tài liệu ở thời điểm công nhận di tích mà Sở VH-TT Ninh Bình cung cấp, đình có 5 cửa võng được sơn son thếp vàng. Những cửa võng này hiện không còn nữa. Theo hồ sơ di tích này, các mảng chạm khắc ở tiền bái không ghi hiện trạng là sơn son thếp vàng.
Mặc dù vậy, trong quyết định phê duyệt dự án mà Sở cung cấp, tại hạng mục tu bổ tiền bái và hậu cung, lại ghi đầu việc sơn thếp vàng lại các cấu kiện gỗ. Chưa hết, trong hồ sơ thiết kế thi công, phần tiền bái giải pháp tu bổ là “sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ đình như nguyên gốc”. Và đến ngày 17.2, việc sơn son thếp vàng đã hoàn thành. Như vậy, đã có sự “vênh” nhau trong nhận thức về đình giữa hồ sơ gốc và quyết định của dự án cũng như việc thực hiện dự án.

Giả mạo văn hoá

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VH-TT Ninh Bình, khẳng định việc sơn son thếp vàng các mảng chạm khắc là làm theo quyết định phê duyệt dự án. Ông Cường cũng cho biết dự án được phê duyệt từ trước, do thiếu nguồn vốn nên đáng lẽ kết thúc năm 2013 thì kéo dài đến nay chưa xong, chưa thể nghiệm thu. Dự án có nguồn tiền là vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ông Cường cũng cho biết: “Sơn dùng là sơn nam, chứ không phải sơn công nghiệp. Gần đây chúng tôi cũng có nghe thông tin phản ánh về việc sơn son thếp vàng các mảng chạm khắc sẽ làm thay đổi nguyên gốc, nhưng đây là chúng tôi làm theo dự án đã được duyệt trước đó”.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, một người rất quen với chất liệu truyền thống, cho hay việc trùng tu ở đình dùng sơn rẻ tiền, không sơn theo kỹ thuật truyền thống. Cũng theo ông Đạt, việc làm đúng sơn son thếp vàng truyền thống rất đắt tiền và rất khó kiếm thợ lành nghề. Trong khi đó, nếu sử dụng các vật liệu khác, giá sẽ giảm rất nhiều. Nếu một cân sơn ta giá
2 triệu đồng, thì sơn Nhật chỉ 200.000 đồng. Sơn Nhật khoảng 40.000 đồng/lạng thì sơn ta cũng tiền triệu luôn. Tiền công thợ làm sơn ta cũng đắt gấp khoảng 4 lần thợ sơn thường. “Mỗi thứ nguyên liệu đúng truyền thống và đồ mới chênh nhau giá đến chục lần, sơn có thể chênh đến 40 lần”, ông Đạt nói.
Ông Đạt đặt câu hỏi: “Tôi muốn hỏi người quyết định cho sơn có dám cam kết đó là sơn Phú Thọ không, có cam kết sơn làm từ chu sa thần sa không? Các anh có chắc đó là bạc cựu không?”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Hội Di sản văn hóa VN, đánh giá: “Đây chưa đến mức là thảm họa trùng tu nhưng đã là cư xử thiếu chừng mực với di tích”. Theo ông Nam: “Cứ theo luật mà xử lý thôi, đây là di tích quốc gia mà. Ai cấp phép, căn cứ vào đâu. Và nếu sai rồi thì phải hoàn trả nguyên trạng, cạo bỏ lớp sơn đó đi”.
Còn PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, thì cho rằng việc sơn son thếp vàng làm biến đổi nguyên gốc, trong khi đình xưa rất đẹp. “Nếu tỉnh nói từng sơn son thếp vàng thì sơn son thếp vàng lại có đúng kỹ thuật không. Ngày xưa sơn son thếp vàng ngoài việc làm cho sang trọng thì đó cũng chính là một biện pháp bảo quản vật liệu gỗ. Vấn đề là làm các màu, các kỹ thuật có chuẩn, có phải là sơn son thếp vàng thật?”, ông Bài nói.
Ông Bài cũng chia sẻ quy trình mình làm sơn son thếp vàng ở đền Đinh Lê. “Các nhà khoa học và cơ quan chuyên nghiệp phải làm thử một mẫu trên giấy, sau đó quét thử vào cột, rồi chỉnh màu trầm hay thế nào cho hợp lý. Sau đó mới lấy cột đó làm đối chứng sơn sang các cọc khác. Rồi phải làm bao nhiêu lớp vải màn bó hom. Nhiều quy trình lắm. Phải làm có quy trình, chứ làm không đúng thì chỉ có hại di tích thôi”, PGS-TS Đặng Văn Bài cho biết.
MINH HẢI – TRINH NGUYỄN
TNO