29/12/2024

Rước hoạ vì ăn thịt ‘lạ’

Rước hoạ vì ăn thịt ‘lạ’

Nhiều người rước họa vào thân vì ăn thịt ‘lạ’, từ lây nhiễm bệnh tật đến vướng vòng lao lý, thậm chí là mất mạng.
Rước họa vì ăn thịt 'lạ'
Việc ăn thịt các loại động vật hoang dã, “độc”, “lạ” để thể hiện “đẳng cấp” dân chơi, hay đơn giản chỉ vì muốn trải nghiệm “cái mới”… đã khiến không ít người “rước họa vào thân”, từ lây nhiễm bệnh tật đến vướng vòng lao lý, thậm chí là mất mạng.
Là vùng đất có hệ động, thực vật hết sức phong phú, từ bao đời nay cư dân ĐBSCL cứ “hồn nhiên” khai thác các sản vật sẵn có trong tự nhiên như cá, tôm, lươn, rắn, ếch, nhái… để làm thức ăn hằng ngày. Nhưng với dân nhậu, đó chỉ là những món ăn… cũ xì, phải kiếm những con “độc”, “lạ” làm mồi mới… đã.
Ông Tư L., một người có “thâm niên ăn nhậu” gần 40 năm ở miệt Hậu Giang, nói rằng về “lý thuyết” con gì cũng có thể làm mồi nhậu được, từ các loài ở ruộng đồng (rắn, rùa, dơi, chuột…) cho đến những món “lạ” dưới biển như cá nóc, sam, cá mặt quỷ… đều “ngon tuyệt cú mèo”. Ngoài ra, nhiều loài côn trùng như: dế, ve sầu… cũng đều là “mồi bén”, bạn phải thân lắm mới được rủ ăn cùng.
Tử vong vì “của lạ”
“Khi ngư dân đánh bắt được cá “lạ”, họ luôn cho là cá đặc biệt, được con cá mà họ chưa từng gặp thì càng cảm thấy đặc biệt hơn. Thông thường, họ sẽ chế biến sơ sài để thưởng thức và tự hào rằng chỉ có họ mới có điều kiện ăn của lạ, của độc. Của lạ đó sẽ được chia sẻ với một số “chiến hữu cốt cán”, nên nếu chế biến cá có độc ăn như vậy thì cả nhà, có khi nguyên một nhóm nhậu, cùng chết sạch. Thỉnh thoảng tôi lại nghe ở địa phương có người chết hoặc trúng độc do cá nóc. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, những loài cá “lạ” luôn được các nhà hàng ở TP.Bến Tre, TP.Mỹ Tho và TP.HCM đến thu mua với giá cao nên ngư dân cũng ít khi dám ăn”, ông Lê Văn Hiệp, một lão ngư kỳ cựu ở H.Bình Đại (Bến Tre), đúc rút.

“Nghi phạm” dơi quạ gây dịch Covid-19

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Bản tin Khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, vi rút Corona chủng mới (nCoV) thuộc chủng Corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vốn được tìm thấy ở loài dơi quạ. Các chuyên gia thuộc Viện Vi rút học Vũ Hán xác định loại vi rút này có khả năng “thích nghi, đột biến, lây lan qua đường hô hấp từ người sang người”, có thể xuất phát từ động vật hoang dã như dơi và rắn được bày bán tại chợ Hoa Nam ở trung tâm TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), nơi phát tán dịch bệnh Covid-19. Nghiên cứu cho rằng con người có thể bị lây nhiễm nCoV trong lúc chế biến món súp dơi. Rắn cũng bị tình nghi mang nCoV do ăn phải dơi rồi tiếp tục lây lan qua con người lúc giết mổ hay hình thức tiếp xúc khác.

Mặc dù trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, một chuyên gia tại Viện Vi rút học Vũ Hán cho biết nghiên cứu dựa trên thuật toán phân tích trên máy tính chứ không phải kết luận cuối cùng về cơ chế lây lan, tuy nhiên thông tin này một lần nữa cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh từ việc ăn thịt những loại động vật hoang dã.
Khánh An
Đúng như chia sẻ của cánh ngư dân, tại các nhà hàng, quán hải sản ở đô thị, giá cá mặt quỷ… luôn “trên trời”. “Một trong những đặc sản của quán chúng tôi là cá mặt quỷ còn sống giá 1,2 triệu đồng/kg. Cá mặt quỷ nướng hoặc hấp Hồng Kông ngon lắm, bán rất chạy”, quản lý quán nhậu hải sản L.C ở TP.Bến Tre, quả quyết.
Nhưng khi PV Thanh Niên hỏi về nguồn gốc của các hải sản “lạ”, người quản lý lắc đầu không biết. Tương tự, khi được hỏi nếu sau khi khách ăn mà xảy ra ngộ độc, chủ quán sẽ chịu trách nhiệm đến đâu, người quản lý trả lời tỉnh bơ: “Chúng tôi bán, khách xem trước rồi chọn mua ăn thì phải tự chịu. Nhưng chuyện đó chưa từng xảy ra”.
Rước họa vì ăn thịt “lạ”

Chim hoang dã được mua bán công khai tại Long An  Ảnh: Trần Ngọc

Chưa xảy ra là nhìn ở góc độ… người bán hàng. Thực tế mới đây, ngư dân Trần Văn Kh. (49 tuổi, ngụ H.Giồng Trôm, Bến Tre) đánh lưới trên sông Bình Chánh, được một số cá nóc. Ông Kh. đem số cá nóc cùng với ít tép đi nấu cháo để uống rượu cùng 2 con trai và 2 ngư dân khác. Hai giờ sau khi ăn nhậu, cả 5 người đều thấy triệu chứng chóng mặt và ói mửa, liền được bà con xung quanh đưa đi cấp cứu. Do ngộ độc nặng, ông Kh. và người con là Trần Dũng Ch. (27 tuổi) chết tại bệnh viện (BV); ông Lê Hoàng Th. (58 tuổi, hàng xóm) chết trên đường đi cấp cứu; 2 người còn lại được cấp cứu kịp thời tại BV Nguyễn Đình Chiểu. Một bác sĩ ở BV này lý giải: “Các trường hợp trúng độc cá nóc thường được phát hiện chậm. Bởi thông thường người ăn có uống rượu nên hiện tượng nôn ói của trúng độc bị hiểu nhầm là do rượu gây ra. Các trường hợp như vậy thì độc đã thấm đến thành ruột, đột tử rất nhanh, không cứu kịp. Cá biệt, một số loài cá nóc kịch độc nên dù có phát hiện cũng không dễ dàng gì cứu chữa”.
Tương tự, tại Bạc Liêu, thời gian qua sam biển trở thành món ăn khá phổ biến ở nhiều nhà hàng, quán nhậu. Tuy nhiên, do nhiều ngư dân không phân biệt được giữa con so và con sam nên khi bắt được so biển (rất độc) tưởng là sam, đem chế biến để ăn, dẫn đến tử vong. Điển hình, ngày 20.4.2017, ông Trần Minh Ch. (ấp Giồng Tra, xã Vĩnh Hậu A, H.Hòa Bình) sau khi cùng vợ ăn so biển đã bị ngộ độc, ngưng tim, ngưng thở, hôn mê sâu… và tử vong trên đường đi cấp cứu; vợ ông là bà Trần Thị Kim L. may mắn được cấp cứu kịp thời. Người nhà nạn nhân kể ông Ch. bắt được “con sam biển” (thực chất là so biển – PV) ở vuông tôm sau nhà rồi đem đi nướng và cùng ăn với vợ, khiến cả hai bị ngộ độc.

Mang mầm bệnh vì món khoái khẩu

Khu vực ĐBSCL đồng ruộng bao la nên chuột tự nhiên nhiều vô số kể và từ lâu loài gặm nhấm này đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Riêng tại 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp…, hầu hết các chợ đều có bày bán chuột sống hoặc chuột đã được làm sạch làm thức ăn. Thực đơn của đa số nhà hàng, quán nhậu cũng đều có các món chuột: quay, chiên, nướng… Tuy nhiên, bác sĩ Dương Ân Hận, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, cảnh báo “chuột là tác nhân gây các bệnh: dịch hạch, bệnh hantavirus, xoắn khuẩn vàng da”. “Con đường lây nhiễm của bệnh hantavirus và bệnh xoắn khuẩn vàng da từ chuột mang mầm bệnh thông qua phân, nước tiểu, vết cắn và dịch của chuột thải ra. Cho nên những người chuyên mua bán chuột tại các chợ phải tiếp xúc với chuột hằng ngày có nguy cơ mắc các bệnh này cao nhất”, bác sĩ Hận nói.

Chợ “động vật hoang dã” ở miền Tây

Chợ Trường Xuân (H.Tháp Mười, Đồng Tháp) chuyên bán các sản vật từ đồng quê của khu vực Đồng Tháp Mười (Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp), vào những ngày cao điểm sau vụ lúa, các tiểu thương cung cấp cho thị trường vài trăm ký chuột. Khi được hỏi về nguy cơ dịch bệnh từ chuột, hầu hết các tiểu thương tỏ ra ái ngại nhưng cho biết sẽ duy trì nghề bởi… chưa nghe ai bị các loại bệnh đó bao giờ.
Tại khu chợ “động vật hoang dã” nằm trên QL62 (TT.Thạnh Hóa, H.Thạnh Hóa, Long An), mỗi ngày vẫn có hàng trăm con chim trời được bán cho khách ăn thịt. Các tiểu thương cho hay lượng chim hoang dã được họ thu mua của người săn bắt từ các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và cả Campuchia. Theo bác sĩ Dương Ân Hận, môi trường sống của các loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên có sự di chuyển, tiếp xúc rộng nên nguy cơ nhiễm bệnh và truyền bệnh lẫn nhau rất lớn. Trong đó, các loài chim hoang dã có thể mang vi rút cúm H5N1…
Liên quan đến món “khoái khẩu” này, mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip được cho là ở miền Tây, ghi lại cảnh một nhóm người ngồi nhậu với “mồi” là hàng chục chuột con còn sống bò lúc nhúc. Một người trong nhóm này livestream giới thiệu món ăn rùng rợn với cộng đồng mạng. Vài con chuột con được bỏ vào chén nước mắm rồi từng người gắp bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, một số người sau đó còn có những hành động chứng tỏ mình đang “ăn thật” khiến nhiều người xem clip rùng mình khiếp sợ. “Đang dịch Corona, xem clip ăn nguyên con dơi bên Trung Quốc đã thấy ghê rồi mà mấy ông này còn tởm lợm hơn. Ăn vậy hỏi sao không bệnh. Bệnh thì đừng than, do mình mà thôi”, anh Phạm Hoàng Việt (ở H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV đa khoa T.Ư Cần Thơ, cũng lắc đầu ngao ngán sau khi xem clip ăn chuột sống nói trên. “Không có bất cứ loại động vật nào được khuyến cáo ăn sống cả. Hành động ăn sống chuột con không chỉ đáng sợ, man rợ mà còn cực kỳ nguy hiểm nếu người có sức đề kháng yếu, bởi chuột là loại động vật trung gian có nguy cơ mang mầm bệnh, vi trùng, ký sinh trùng rất cao, có thể gây nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm trùng máu… và hậu quả khôn lường”, bác sĩ Phước nói và cho biết kể cả những thực phẩm thường được sử dụng, như ăn cá, tôm sống chấm mù tạt… cũng cần hạn chế, bởi thịt sống bảo quản không kỹ rất dễ phát triển độc tố, nhiễm ký sinh trùng gây ngộ độc. Tại Nhật Bản, thực phẩm ăn sống rất phổ biến nhưng tỷ lệ bệnh tật liên quan đến đường tiêu hóa cũng cao vượt trội so với những bệnh lý khác…(còn tiếp)
THANH NIÊN