26/12/2024

Có cần đổi tên chương trình chất lượng cao tại các trường ĐH?

Có cần đổi tên chương trình chất lượng cao tại các trường ĐH?

Sau Hội nghị tuyển sinh của Bộ GD-ĐT vừa qua, những tranh luận xung quanh chương trình chất lượng cao tại các trường ĐH vẫn đang tiếp tục. 
Một giờ học của sinh viên chương trình chất lượng cao tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM /// ĐHBK

Một giờ học của sinh viên chương trình chất lượng cao tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM   ĐHBK
Không ngạc nhiên khi có những tranh luận về chương trình chất lượng cao này vì cách nhìn của cơ quan quản lý và các trường ĐH “lệch pha” nhau.

“Lệch pha” về cách hiểu chất lượng cao

Sự “vênh” nhau giữa Bộ GD-ĐT và một số trường có đào tạo chương trình chất lượng cao hiện nay là ở quan điểm về điểm trúng tuyển đầu vào. Bộ cho rằng đã gọi tên là chương trình “chất lượng cao” thì chất lượng phải cao, điểm trúng tuyển đầu vào phải bằng hoặc cao hơn ngành học đó ở chương trình đại trà. Trong khi đó, lãnh đạo các trường cho rằng đầu vào cho dù điểm trúng tuyển thấp hơn nhưng sinh viên được hưởng các điều kiện tốt nhất nên chắc chắn đầu ra sẽ có chất lượng cao.
ĐH Quốc gia TP.HCM đã gửi văn bản ra Bộ GD-ĐT đề nghị thay “điểm trúng tuyển” thành “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” (điểm xét tuyển). Sáng 14.2, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng bày tỏ quan điểm: “Để có kết quả đầu ra tốt thì điểm chuẩn đầu vào chỉ là một tiêu chí. Quan trọng nhất là quá trình đào tạo: đội ngũ, chương trình, điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định quốc tế…”.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng: “Chất lượng cao là để dạy được trò yếu hơn. Chất lượng cao không phải là chương trình khó hơn. Giống máy bay xịn thời tiết xấu vẫn hạ cánh được, còn máy bay đại trà chỉ hạ cánh khi thời tiết tốt”.
Có cần đổi tên chương trình chất lượng cao tại các trường ĐH? - ảnh 1

Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các trường ĐH tranh luận về chương trình chất lượng cao    Đăng Nguyên

Trong khi đó, trong Hội nghị tuyển sinh 2020, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm của Bộ: “Làm sao gọi là chương trình chất lượng cao được khi thi chương trình thường thì không trúng tuyển nhưng thi vào chương trình chất lượng cao lại trúng tuyển?”.
Anh Nguyễn Công Định, một cựu du học sinh và đi làm tại Rumani, cho rằng có việc này là do có sự lệch pha giữa cách gọi tên và cách hiểu. Nếu gọi cho đúng và đầy đủ là “chương trình dịch vụ chất lượng cao” và hiểu cho đúng cái “chất lượng cao” ở đây là nói về bản thân “dịch vụ giáo dục” (bao gồm chương trình, người dạy, trang thiết bị…) chứ không phải “chất lượng cao” ở người học hay thậm chí là chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm.
“Kiểu như bệnh viện tư với bệnh viện công. Bệnh viện tư thậm chí bác sĩ chưa chắc chuyên môn đã cao hơn, trang thiết bị cũng chưa chắc đã hiện đại hơn nhưng chắc là hơn về thái độ phục vụ, quy trình thủ tục đơn giản, có người hướng dẫn tận tình chẳng hạn… Như vậy thì bệnh nhân tự do chọn nơi điều trị theo nhu cầu bệnh tình và điều kiện gia đình. Bệnh nhân đi viện, nếu gọi chất lượng bệnh nhân thì nghe khá buồn cười. Nhưng nếu xét theo mức độ nặng nhẹ của bệnh tình thì có ai phân biệt bệnh viện tư với viện công dành cho bệnh nặng hay bệnh nhẹ đâu! Nếu gọi tên đúng và hiểu đúng thì không có gì phải tranh cãi cả”, anh Định cho biết.

Chương trình dịch vụ chất lượng cao?

Trong Hội nghị, ông Phạm Như Nghệ cho rằng chương trình các trường đang dạy như vậy nên gọi là “chương trình dịch vụ chất lượng cao”!.
Anh Nguyễn Công Định cho rằng vấn đề có lẽ chỉ do cách gọi tên và cách hiểu không thống nhất. Đa số còn hay gọi tắt là “chương trình chất lượng cao”, thành ra không phân biệt cái gì là cao!
PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết nhiều năm nay chương trình chất lượng cao của trường ông không xét điểm trúng tuyển ngay từ đầu. Khi tất cả sinh viên trúng tuyển vào học mới tiếp tục đăng ký học chương trình chất lượng cao. Theo ông, có thể đổi tên thành “chương trình định hướng chất lượng cao” cho phù hợp!
Có cần đổi tên chương trình chất lượng cao tại các trường ĐH? - ảnh 2
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành trường học trực tuyến Thinking School, một trong những người thiết kế chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trước đây, cho rằng tranh luận này đã thấy từ 10 năm trước và có nhiều tư duy lạc hậu. Điểm đầu vào không phải là câu chuyện ghê gớm. Vì một sinh viên vào học chương trình chất lượng cao có điểm trúng tuyển đầu vào thấp hơn một sinh viên học chương trình đại trà chưa chắc là có chất lượng kém hơn.
Theo tiến sĩ Dũng, chẳng hạn như tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sinh viên học chương trình chất lượng cao phải có điểm IELTS đầu vào là 6.0. Mà sinh viên giỏi tiếng Anh thì có tư duy khác hơn, tiếp cận không gian học tập rộng hơn. Cụ thể hơn, khi lứa sinh viên này học 100% bằng tiếng Anh thì sự giao lưu quốc tế của trường tốt hơn nhiều. Dĩ nhiên, lứa sinh viên này ra trường sẽ dễ kiếm việc làm hơn.
“Tôi không quá quan tâm về tên gọi của chương trình chất lượng cao có thay đổi hay không. Việc đó dành cho những người làm chính sách, làm sao cho phù hợp với bản chất. Nhưng nên có cái nhìn đúng về chương trình này. Trước đây, Bộ GD-ĐT có quy định riêng về chương trình chất lượng cao như giảng viên, diện tích lớp học, cơ sở vật chất… Quy định như vậy tốt hơn nhiều so với việc phân biệt các chương trình bằng điểm trúng tuyển đầu vào” – tiến sĩ Dũng cho biết.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO