26/12/2024

Bộ GD-ĐT quyết định sẽ lùi thời gian năm học 2 – 3 tuần

Ngày 14-2, sau khi Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương cho học sinh tiếp tục nghỉ học để phòng dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT cũng quyết định sẽ lùi thời gian kết thúc năm học.

Bộ GD-ĐT quyết định sẽ lùi thời gian năm học 2 – 3 tuần

Ngày 14-2, sau khi Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương cho học sinh tiếp tục nghỉ học để phòng dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT cũng quyết định sẽ lùi thời gian kết thúc năm học.

Bộ GD-ĐT quyết định sẽ lùi thời gian năm học 2 - 3 tuần - Ảnh 1.

Trước cổng Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, Q.3, TP.HCM dán thông báo cách phòng tránh COVID-19 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chia sẻ về việc này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT – cho biết:

– Do tình hình dịch bệnh nên tới thời điểm này, các địa phương đã cho học sinh nghỉ hai tuần rồi và còn tiếp tục nghỉ. Vì thế, Bộ GD-ĐT cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế để tính toán lùi thời gian kết thúc năm học. Theo quy định trong khung thời gian năm học, thời điểm kết thúc năm học là trước 31-5. Mốc thời gian kết thúc năm học được điều chỉnh sẽ muộn hơn khoảng 2-3 tuần.

* Thời gian học sinh nghỉ phòng tránh dịch kéo dài nên áp lực học bù sẽ rất lớn, trong khi điều kiện để thực hiện việc này mỗi nơi mỗi khác. Bộ

GD-ĐT có thể hướng dẫn chi tiết để các trường bớt lúng túng?

– Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn về việc điều chỉnh thời gian năm học trước khi học sinh trở lại trường sau đợt nghỉ này.

Căn cứ vào khung thời gian năm học, với một số mốc thời gian được điều chỉnh, các địa phương có hướng dẫn cho các trường xây dựng kế hoạch dạy bù và điều chỉnh các hoạt động khác. Tùy theo điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục có thể xây dựng kế hoạch dạy bù khác nhau. Có nghĩa trên một địa bàn có thể mỗi trường xây dựng một kế hoạch dạy học bù khác nhau.

Chương trình giáo dục hiện nay thiết kế cho việc dạy 1 buổi/ngày. Nhưng nhiều nơi ở bậc tiểu học và cả THCS cho học sinh học 2 buổi/ngày. Vì thế có thể điều chỉnh để bố trí học bù vào các buổi 2. Những nơi không dạy 2 buổi/ngày nhưng còn dư phòng học có thể bố trí học sinh học thêm ngoài buổi học chính. Hoặc có thể dạy vào ngày nghỉ.

Bộ GD-ĐT quyết định sẽ lùi thời gian năm học 2 - 3 tuần - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

* Nhiều phụ huynh lo lắng vì học sinh nghỉ dài nhưng sau đó học bù cả ngày thứ bảy, chủ nhật sẽ bị quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo ông, tình huống này phải tính toán thế nào?

– Kế hoạch dạy bù phải tính để không gây căng thẳng quá cho thầy, trò, đảm bảo sức khỏe học sinh. Cụ thể, phải bố trí để học sinh có buổi được nghỉ học trong tuần chứ không thể học kín, không có ngày nghỉ.

* Ngoài việc phải học bù, các trường, cha mẹ học sinh có con học cuối cấp hiện nay đều lo lắng vì sẽ không còn nhiều thời gian cho học sinh ôn tập để tham dự các kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Về việc này Bộ GD-ĐT dự tính như thế nào?

– Trong khung thời gian năm học cũng quy định một số mốc thời gian cụ thể. Ví dụ, thời gian xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, xét công nhận tốt nghiệp THCS… Những mốc này cũng sẽ phải điều chỉnh, sau khi thời gian kết thúc năm học được lùi lại khoảng 2-3 tuần. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cũng cần cân đối để không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai năm học kế tiếp.

* Vậy còn kỳ thi THPT quốc gia có lùi không?

– Hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn thực hiện kỳ thi quốc gia, cụ thể chưa quyết định thời gian tổ chức kỳ thi khi nào nên không thể nói là lùi. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc trên cơ sở thực tế năm nay để quyết định thời gian tổ chức kỳ thi phù hợp cho học sinh có thời gian học đủ chương trình và ôn tập.

* Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên cho học sinh nghỉ ba tháng phòng dịch như kỳ nghỉ hè sớm, vì theo quy định học sinh vẫn có ba tháng nghỉ hè. Quan điểm của ông về việc này?

– Đối tượng học sinh của ta từ lớp 1 đến 12. Học sinh các lớp lớn sẽ phải thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ nên việc nghỉ 3 tháng sẽ khó điều chỉnh.

Hiện nay, việc quyết định cho học sinh nghỉ hay đi học trở lại tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh, chủ tịch UBND các tỉnh, thành có thể quyết định.

Nếu như việc kiểm soát dịch bệnh tốt, có thể cho học sinh các cấp đi học trở lại, hoặc có thể cho học sinh các lớp lớn đi học lại trước, học sinh các lớp nhỏ nghỉ dài hơn.

* Hiện nay có nơi đã cho học sinh đi học trở lại, nơi vẫn cho nghỉ. Việc thực hiện chương trình có sự nhanh, chậm khác nhau. Việc này có khó khăn khi học sinh phải tham gia kỳ thi chung cả nước không?

– Khi Bộ GD-ĐT xây dựng khung thời gian năm học, đã tính toán để các địa phương có thể linh hoạt dựa theo khung thời gian đó để xây dựng kế hoạch năm học cụ thể, có sự khác nhau giữa các địa phương rồi.

VĨNH HÀ thực hiện
TTO