28/12/2024

Triều cường, ngập lại đe dọa người dân thành phố

Triều cường, ngập lại đe dọa người dân thành phố

Mới đợt nước lên đầu năm, đỉnh triều cường tại TP.HCM đã vượt mức báo động 3, trong khi các dự án chống ngập trọng điểm vẫn chưa hẹn ngày về đích.
Triều cường mới lên, nhiều khu vực tại TP.HCM đã ngập 	  /// Ảnh: Khả Hòa

Triều cường mới lên, nhiều khu vực tại TP.HCM đã ngập   Ảnh: Khả Hòa

Triều cường ngày càng cao

Theo Kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019 được UBND TP.HCM ban hành đầu quý 2, trong năm 2019, TP sẽ triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng, bao gồm 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng; khởi công mới 47 dự án, gần 2.000 tỉ đồng và chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỉ đồng. Tuy nhiên đến hết năm 2019, số dự án hoàn thành chỉ đếm trên đầu ngón tay

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ hôm qua (12.2) cho biết vào lúc 5 giờ sáng 12.2, mực triều cường cao nhất tại trạm Phú An đạt 1,53 m lúc 6 giờ; tại trạm Nhà Bè, đỉnh triều 1,52 m lúc 5 giờ. Theo dự báo, đỉnh triều tại trạm Nhà Bè hôm nay (13.2) có thể đạt 1,57 m lúc 7 giờ và 1,59 m lúc 6 giờ, vượt mức báo động 3 (1,50 m).

Trước đó, trong ngày đầu tiên TP.HCM đón đợt triều cường ngày 10.2, đỉnh triều đo được tại trạm Nhà Bè (H.Nhà Bè, trên kênh Đồng Điền) đạt 1,56 m, trạm Phú An (Q.2, trên sông Sài Gòn) đạt 1,57 m lúc 4 giờ. Ngày 11.2, mực nước triều cao nhất đo được tại trạm Phú An lúc 5 giờ là 1,59 m; trạm Nhà Bè đạt đỉnh 1,58 m trước đó 1 giờ. Dự báo diễn biến đợt triều cường giữa tháng 2 có thể lên cao, vượt mức báo động 3. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã nhanh chóng đề nghị các sở ngành và địa phương có phương án chủ động phòng chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn.
Chưa tới mùa mưa đã lo ngập

Dự án chống ngập 10.000 tỉ vẫn chưa thể hoàn thành như cam kết  Ảnh: Phạm Hữu

Tuy nước không dâng quá cao như những đợt triều cường cuối năm 2019, song người dân TP.HCM cũng đã phải trải qua những ngày đầu tuần lưu thông khó khăn vì ngập nước. Khoảng 7 giờ sáng 12.2, khu vực Thảo Điền (Q.2) nước ngập lênh láng gần nửa bánh xe. Nhiều người phải lấy túi ni lông bọc giày để tránh ướt. May mắn, thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, học sinh, sinh viên nghỉ học, lượng phương tiện lưu thông giảm đáng kể nên tình trạng ùn tắc, xe chết máy do ngập không quá nghiêm trọng. Tương tự, khu Gò Ô Môi (Q.7) triều cường dâng lên tới hiên nhà dân, một số quán cà phê nhỏ trong hẻm phải dời bàn ghế lên vỉa hè.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, đợt nước triều lên cao nhất tại TP.HCM thường rơi vào khoảng tháng 11, còn những tháng đầu năm không phải cao điểm. Thế nhưng, thủy triều và mực nước đo được tại các trạm đo trong những ngày qua cao hơn so với đỉnh triều cùng thời điểm những năm trước. Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhận định thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng ngày càng lên cao, khiến tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ càng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân một phần do biến đổi khí hậu, phần lớn còn lại do TP đang sụt lún nghiêm trọng. Đây là hậu quả từ việc khai thác nước ngầm quá mức và bê tông hóa TP lan rộng. Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên – môi trường TP.HCM, đánh giá hiện nay TP đã bị ngập từ 10 – 15%. Dự kiến trong 7 – 10 năm tới, nước xâm nhập sẽ gây ngập từ 25 – 35% diện tích TP khi mưa kết hợp triều cường đỉnh điểm. Nếu mưa, kết hợp triều cường và TP không có giải pháp, thì 1/3 diện tích TP sẽ chìm trong nước.

Khó thoát mùa ngập năm nay

Mùa mưa chưa tới, TP.HCM đã “ngay ngáy” lo ngập vì xu hướng ngày càng dâng cao của các đợt triều cường trong khi các dự án trọng điểm được kỳ vọng giúp TP sớm thoát ngập lần lượt báo trễ hẹn.
Đơn cử như Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng). Từ đầu năm 2019, sau thời gian ngưng trệ vì hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục giải ngân, Thành ủy, UBND TP.HCM liên tục tổ chức các buổi khảo sát thực địa, thúc tiến độ; lãnh đạo TP cam kết bàn giao mặt bằng trước tháng 6.2019 để chủ đầu tư đưa dự án về đích vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể đưa vào hoạt động. Thế nhưng tính đến tháng 1 năm nay, tổng khối lượng thi công dự án mới đạt khoảng 77%. Dù chủ đầu tư vẫn cố gắng duy trì xây dựng tại các công trường nhưng những khó khăn về mặt bằng, giải ngân vẫn chưa được tháo gỡ. Hệ thống cống ngăn triều này sau khi hoàn thành và vận hành tốt, có thể đạt tới 70% hiệu quả ngăn triều tại các khu vực được tác động. Thế nên việc chậm trễ hoàn thành dự án ngày nào thì tình trạng ngập lụt kéo dài ngày đó.
Tương tự, cuối năm 2019, TP.HCM cũng được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ giai đoạn 2. Đây không chỉ là dự án lớn, nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, góp phần giảm ngập cho lưu vực kênh này với tổng diện tích 2.150 ha. Việc thi công dự án thời gian qua ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân vì các lô cốt, rào chắn “án ngữ” trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn Q.4, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Dự án kéo dài ngày nào, người dân TP khổ thêm ngày đó.
Bên cạnh đó, dự án cải tạo “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) nếu được triển khai theo đúng tiến độ thì cũng phải hết năm 2020 mới có thể hoàn thành. Có thể thấy, TP.HCM vẫn khó thoát mùa ngập năm nay.
HÀ MAI
TNO