27/12/2024

Ý kiến trái chiều việc nhiều trường tự làm nước rửa tay sát khuẩn

Ý kiến trái chiều việc nhiều trường tự làm nước rửa tay sát khuẩn

Lo ngại sự lây lan dịch bệnh do virus corona, nhiều trường học sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn phát cho nhân viên, sinh viên và người dân. Việc này gây ra ý kiến trái chiều.

 

 

 

Ý kiến trái chiều việc nhiều trường tự làm nước rửa tay sát khuẩn - Ảnh 1.

Người dân nhận dung dịch rửa sát khuẩn do Trường ĐH Lạc Hồng pha chế và phát miễn phí – Ảnh: V.Q.

Hàng loạt trường sản xuất

Sáng 10-2, Trường đại học Lạc Hồng phát miễn phí 1.000 chai dung dịch rửa tay cho người dân ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ngay từ sáng, rất đông người dân đã xếp hàng trước cổng trường chờ tới lượt nhận.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh – phó hiệu trưởng nhà trường, những chai dung dịch này cũng được phát cho cán bộ, giảng viên và nhân viên trường. Dự kiến tuần tới trường sẽ phát miễn phí 3.000 chai cho 20 trường THPT tại Biên Hòa và Bình Dương.

Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa sản xuất được 10.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn dung tích 50ml, 2.000 chai dung tích 500ml, kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Số sản phẩm này trường sẽ phát cho sinh viên, cán bộ giảng viên tại các cơ sở đào tạo của trường.

Theo nhà trường, các sản phẩm này được pha chế dựa trên công thức chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài hàm lượng ethanol đủ để sát khuẩn, một số trường đã thêm các thành phần để tăng cường diệt khuẩn như nano bạc hay các thành phần làm mềm da tay, tinh dầu tạo mùi.

Cẩn thận hơn, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng sau khi pha chế sản phẩm đã đưa đến Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm về hiệu quả diệt khuẩn trước khi sản xuất thành phẩm.

Nhiều trường khác như Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải, CĐ Công nghiệp Huế… cũng đã pha chế hàng ngàn chai dung dịch rửa tay để phát miễn phí cho cán bộ, giảng viên và nhân viên.

Ý kiến trái chiều

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng các trường đua nhau pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn như vậy là nguy hiểm bởi các trường tự pha chế chưa được kiểm nghiệm, các hóa chất sử dụng trong đó có thể thẩm thấu qua da gây hại cho sức khỏe người dùng.

Theo Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ, các chất hóa học khi rửa tay sẽ thẩm thấu qua da và theo máu vào thận và các cơ quan nội tạng khác. Nhiều trường hợp thống kê ở Mỹ, nước rửa tay và diệt khuẩn gây ung thư tuyến tụy, tuyến giáp, gan, da… Do đó, việc rửa tay bằng xà phòng vẫn là tốt nhất

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Toàn bộ nguyên liệu trường sử dụng đều được phép sử dụng trong ngành dược, đảm bảo an toàn

TS Cao Văn Dư – phó trưởng khoa dược Trường ĐH Lạc Hồng

Trao đổi về quan điểm này, TS Đỗ Thị Mỹ Liên – phó viện trưởng Viện công nghệ môi trường – năng lượng Trường ĐH Sài Gòn – cho rằng việc đánh đồng chung như vậy chưa xác đáng. Theo bà Liên, toàn bộ nguyên liệu trong dung dịch rửa tay sát khuẩn của trường đều được phép sử dụng trong thực phẩm, ngay cả cồn trường cũng sử dụng cồn thực phẩm, không sử dụng cồn y tế. Tinh chất lô hội làm mềm da tay, hương liệu tạo mùi đều được phép sử dụng và an toàn.

Cùng quan điểm này, TS Cao Văn Dư – phó trưởng khoa dược Trường ĐH Lạc Hồng – cho rằng trường pha chế nước rửa tay sát khuẩn theo công thức của ngành dược và y tế, chỉ có điểm khác là trường bổ sung nano bạc để tăng tính sát khuẩn.

Trong khi đó, BSCK1 Hồ Thị Thiên Ngân – trưởng trạm y tế Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (từng làm việc tại khoa kiểm soát dịch Viện Pasteur TP.HCM) – cho rằng thành phần của nước rửa tay sát khuẩn bán trên thị trường cơ bản theo công thức của WHO trong khi giá thành rất cao. Sản phẩm tương tự do trường pha chế theo công thức này chỉ có giá thành bằng 1/3.

“Trường đã đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm và được cấp giấy chứng nhận, vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. Cồn sẽ làm khô da tay, chính vì vậy chúng tôi đã bổ sung chất dưỡng ẩm vào” – bà Ngân nói.

Ý kiến trái chiều việc nhiều trường tự làm nước rửa tay sát khuẩn - Ảnh 5.

Pha chế và hoàn thiện sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – Ảnh: M.G.

Đừng lạm dụng

Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cơ bản. Nếu ai cũng pha chế theo công thức này mà nguồn nguyên liệu không đảm bảo sẽ gây nguy hiểm.

Chẳng hạn, nếu sử dụng cồn không đạt tiêu chuẩn dược dụng như cồn công nghiệp để pha chế có thể gây hại cho thị giác. Một số tạp chất nếu không kiểm soát được cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

“Do đó, khi cần thiết phải pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn, điều tối quan trọng là phải sử dụng nguyên liệu đạt chuẩn dược dụng. Hơn nữa, đừng lạm dụng dung dịch sát khuẩn, đó không phải là giải pháp duy nhất, tối ưu. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước có chi phí rẻ và hiệu quả” – ông Khôi nói.

MINH GIẢNG
TTO