Nhà có 3 thùng rác
Nhà có 3 thùng rác
Từ lâu, tại một số thành phố lớn ở nước ta đã triển khai thí điểm việc phân loại rác tại nguồn nhưng hiệu quả vẫn vô cùng hạn chế.
“Mẹ ơi, con hiểu vì sao các bạn ấy vứt rác bừa bãi rồi, vì chính bố mẹ các bạn ấy làm thế trước.
Chính quyền đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và thậm chí là cả các chế tài xử phạt nhưng vấn nạn về rác thải vẫn còn là chuyện đau đầu. Nếu bạn nhìn thấy đống rác thải bừa bộn, hôi hám ngoài phố, có lẽ xuất hiện đầu tiên trong đầu bạn là ý nghĩ phê phán người vứt rác. Có bao giờ bạn tự hỏi, mình có phải là một phần nguyên nhân của tình trạng ấy không?
Người lớn xả rác, trẻ con vì thế mà bắt chước theo. Do đó, vấn đề đầu tiên là từ người lớn, rồi mới làm gương và giáo dục cho trẻ em. Tết dương lịch năm ngoái, cả nhà tôi có kỳ nghỉ ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Con gái lớn tôi ngồi chăm chú quan sát một nhóm người có lẽ là vài gia đình đang ăn kem trước cổng vườn quốc gia. Sau khi nhóm người rời đi và để lại vương vãi trên nền đất vỏ kem, snack, bịch nilông…, cháu nói một câu: “Mẹ ơi, con hiểu vì sao các bạn ấy vứt rác bừa bãi rồi, vì chính bố mẹ các bạn ấy làm thế trước”.
Đi nhiều nơi khắp chiều dài đất nước, chúng tôi hiếm gặp những thùng rác được phân loại tại các địa điểm du lịch và các nơi công cộng. Ngay cả trong các trường học, chỉ là những thùng rác một màu đầy ắp rác tái chế và không thể tái chế lẫn lộn nhau. Chắc chắn ở trường các con được giáo dục về vệ sinh môi trường, nhưng vấn đề thực hành thì vẫn còn rất nhiều bất cập. Ngay trong môi trường công sở, rác vẫn gần như được thu gom vào một bịch: giấy, bút, văn phòng phẩm; bã trà, cà phê, trái cây; pin, hộp mực máy in, mực máy photo… Mỗi bàn/phòng làm việc được trang bị một bịch rác. Cứ có rác là bỏ vào, hiếm khi thấy có hướng dẫn phân loại.
Không khó khăn để bắt gặp những hình ảnh tràn lan rác thải khi vừa diễn ra một sự kiện ở một nơi nào đó. Chỉ khi nào mỗi cá nhân cảm thấy “áy náy” hay nặng hơn là “tội lỗi” khi vứt rác không đúng nơi quy định thì lúc đó ý thức mới được hình thành.
Ở nhà tôi, ngoài các phòng ngủ, phòng khách, phòng sinh hoạt chung mỗi phòng một thùng rác, riêng nhà bếp là ba thùng. Một thùng dùng chứa chất thải nhà bếp, các con tôi thường gọi là thùng hữu cơ. Một thùng là rác tái chế gồm giấy, báo, bao bì các sản phẩm bằng giấy, sắt, thép… Thùng còn lại là rác không tái chế là các loại rác khác.
Ban đầu các con còn lẫn lộn nhưng sau đó đã đi vào nề nếp. Bé 5 tuổi trước khi vứt sẽ hỏi mẹ rác này là rác gì để bỏ cho đúng chỗ. Thùng rác tái chế đầy thì chị thứ hai sẽ xếp gọn mang ra ngoài cổng. Một bác ve chai chắc chắn sẽ thu gom trong chốc lát. Rác hữu cơ cuối ngày được chị cả mang lên sân thượng đổ vào thùng ủ. Cứ một tuần là bố mẹ lấy nước phân ủ này tưới cho cây cảnh, rau trái của nhà. Cây vừa tốt lại vừa giảm tải được khối lượng rác phải xử lý cho các cô chú vệ sinh môi trường.
Việc phân loại cũng chỉ là giải pháp phần ngọn. Phần gốc là kiểm soát khối lượng rác thải. Hằng ngày tôi sẽ chỉ cho con mình thấy khối lượng rác mà gia đình tôi thải ra trong một ngày. Do đó, cả nhà sẽ phải tìm ra cách để cắt giảm. Nếu tôi đi chợ mà không mang theo hộp đựng đồ hoặc bịch nilông tự hủy từ nhà, con lớn tôi sẽ không đồng ý cho mua thực phẩm đó. Do vậy trong xe luôn luôn phải có những đồ vật này.
Các sản phẩm ăn liền thông dụng hằng ngày như đồ hộp, nước tương, tương ớt, tương cà… cũng để lại một khối lượng rác không nhỏ. Do vậy, gia đình tôi rất ít sử dụng các sản phẩm này. Nếu phải sử dụng thì sẽ mua chai lớn nhằm tiết kiệm bao bì. Chị lớn nhất đã biết từ chối uống trà sữa từ ly và ống hút nhựa dùng một lần. Nếu muốn uống, cháu sẽ tự mang bình và ống hút từ nhà đi.
Từng bước cải thiện
Mưa dầm thấm lâu, tôi tin rằng từ những việc nhỏ hằng ngày của cha mẹ thì vấn đề rác thải hay xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ từng bước được cải thiện từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ không chỉ là vấn đề về vệ sinh, mà còn là nền tảng hình thành nên lối sống nề nếp, quy củ, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của xã hội mình đang sống.