25/12/2024

Virus corona có vẻ như ‘chừa’ trẻ em ra?

Trong dịch virus corona, trẻ em ít gặp nguy cơ hơn người lớn – đây là quan sát ban đầu dựa trên dữ liệu thống kê của các nhà khoa học. Điều này mang ý nghĩa gì?

 

Virus corona có vẻ như ‘chừa’ trẻ em ra?

Trong dịch virus corona, trẻ em ít gặp nguy cơ hơn người lớn – đây là quan sát ban đầu dựa trên dữ liệu thống kê của các nhà khoa học. Điều này mang ý nghĩa gì?



Virus corona có vẻ như chừa trẻ em ra? - Ảnh 1.

Trẻ em chơi đùa ở Bắc Kinh giữa trận dịch, ảnh chụp tháng 1-2020 – Ảnh: AFP

 

Tính đến ngày 6-2, trong số hơn 28.000 ca nhiễm virus corona được ghi nhận trên thế giới (phần lớn ở Trung Quốc đại lục), các bác sĩ nhận thấy một hiện tượng: có tương đối ít bệnh nhân trẻ em xuất hiện triệu chứng nặng.

“Tuổi trung bình của bệnh nhân là từ 49-56. Số trường hợp trẻ em nhiễm bệnh tương đối ít”, nhận xét của một báo cáo đăng trên tạp chí JAMA của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 5-2, báo New York Times dẫn lại.

Tại sao số trẻ em mắc bệnh không cao?

“Suy đoán thận trọng nhất của tôi là trẻ em vẫn bị nhiễm virus nhưng bệnh chỉ bộc phát nhẹ. Các nhà khoa học không ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ em hơn có lẽ vì chúng ta không có dữ liệu về các trường hợp bệnh nhẹ”, bác sĩ Malik Peiris, trưởng khoa virus học của Đại học Hong Kong, nhận định.

“Nếu virus corona lan ra khắp thế giới, đạt đến quy mô như cúm mùa, chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều ca khác”, ông Peiris bổ sung.

Trong một trường hợp được giới nghiên cứu quan sát cụ thể, một em bé Trung Quốc 10 tuổi đi đến tâm dịch Vũ Hán cùng với gia đình. Sau khi họ trở về Thâm Quyến, các thành viên khác trong gia đình, tuổi từ 36-66, bộc phát triệu chứng sốt, đau họng, tiêu chảy và viêm phổi.

Em bé cũng có dấu hiệu của viêm phổi virus qua phim chụp, nhưng lại không có triệu chứng bên ngoài rõ ràng. Các bác sĩ nhận định đây có thể là trường hợp điển hình mắc virus ở trẻ em.

“Điều chắc chắn là trẻ em có thể không bộc lộ triệu chứng hoặc chỉ phát bệnh rất nhẹ”, bác sĩ Raina MacIntyre, nhà dịch tễ học thuộc Đại học New South Wales (Úc), đánh giá.

Hình mẫu này cũng được quan sát trong giai đoạn dịch SARS và MERS, vốn thuộc họ virus corona. Khi MERS bùng phát ở Saudi Arabia (2012) và Hàn Quốc (2015), hơn 800 người thiệt mạng nhưng hầu hết trẻ em không bộc lộ triệu chứng.

Tương tự, dịch SARS năm 2003 cũng không có trẻ em thiệt mạng. Phần lớn trong gần 800 nạn nhân nằm trong độ tuổi trên 45, đàn ông có nguy cơ cao hơn.

Trong số hơn 8.000 ca nhiễm SARS, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác định được 135 bệnh nhân trẻ em. Trẻ dưới 12 tuổi ít nguy cơ phải nhập viện, thở oxy hoặc cần sự trợ giúp, trẻ trên 12 tuổi thì triệu chứng giống người lớn.

“Chúng tôi chưa hiểu hoàn toàn lý do của hiện tượng này. Nhưng đó là điều chúng ta đang chứng kiến – với SARS thì bức tranh còn rõ ràng hơn”, bác sĩ Peiris nhận xét.

Virus corona có vẻ như chừa trẻ em ra? - Ảnh 2.

Bác sĩ chăm sóc một bệnh nhân nhiễm corona trong bệnh viện ở Vũ Hán – Ảnh: REUTERS

 

Còn thiếu nhiều dữ liệu về virus corona

Trên thực tế, việc virus lây nhiễm ở trẻ em chỉ phát bệnh nhẹ, trong khi ở người lớn lại rất nặng, không phải là điều bất thường. Bệnh thủy đậu là ví dụ, hầu như ít để lại di chứng ở trẻ em nhưng có thể tàn phá mạnh ở người lớn.

Cũng theo bác sĩ Peiris, bệnh cúm lạ ở chỗ là đã tiến hoá cùng với con người trong nhiều ngàn năm, lây cho hàng triệu người mỗi năm. Dù vậy, trong số hàng ngàn trẻ em nhập viện vì cúm mỗi năm, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ qua đời.

Người lớn gặp nguy hiểm hơn có thể vì họ mắc nhiều loại bệnh khác, ví dụ như tiểu đường, huyết áp cao hoặc bệnh tim, những thứ làm suy yếu khả năng chống chọi trước virus. Cùng với tuổi tác, hệ miễn dịch trong cơ thể cũng suy yếu theo, nhất là sau tuổi trung niên.

“Thay đổi xảy ra ở tuổi 50. Hệ miễn dịch khi đó suy giảm đáng kể, đó là tại sao trong hầu hết trường hợp nhiễm trùng, nhiễm virus, chúng ta thấy tỉ lệ biến chứng ở người lớn tuổi cao hơn”, bác sĩ MacIntyre bổ sung.

Một câu hỏi quan trọng khác liên quan đến virus corona: Vậy trẻ em bị nhiễm virus không có triệu chứng có thể lây cho người khác không?

“Chúng ta biết người trẻ nói chung – không chỉ trẻ em, mà còn thanh thiếu niên và người lớn trẻ tuổi – gặp gỡ và tiếp xúc nhiều nhất trong xã hội. Họ không nhận ra mình bị bệnh và có thể khiến tốc độ lây lan của dịch bệnh tăng thêm”, bác sĩ MacIntyre nêu quan ngại.

Để hiểu rõ dịch corona, các nhà khoa học hiện cần thêm nhiều dữ liệu chi tiết: Khi nào con người bị phơi nhiễm với virus, khi nào triệu chứng đầu tiên xuất hiện, bao nhiêu trường hợp có triệu chứng nhẹ so với triệu chứng nặng…

Khi dữ liệu mới xuất hiện, những quan sát hiện nay có thể còn thay đổi, ví dụ như ghi nhận nguy cơ cao ở đàn ông.

Tuy vậy, theo bác sĩ Mark Denison, chuyên gia bệnh truyền nhiễm trẻ em thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ), tỉ lệ lây nhiễm ở trẻ em sẽ không tăng đột biến so với hiện nay.

“Tôi không cho rằng số ca trẻ em mắc bệnh không được thống kê chiếm tỉ lệ cao. Điều này có nghĩa không có nhiều trẻ em ở Trung Quốc mắc bệnh, hay nói cách khác chúng không gặp nguy cơ lớn”, ông nêu quan điểm.

 

 

PHÚC LONG

TTO