24/12/2024

Bình tĩnh ‘sống chung với dịch’

Giữa mùa dịch vi rút Corona nCoV, nhiều người lo lắng, hoang mang về việc môi trường đi học, đi làm tập trung, khép kín liệu có dễ bị lây nhiễm bệnh?

 

Bình tĩnh ‘sống chung với dịch’

Giữa mùa dịch vi rút Corona nCoV, nhiều người lo lắng, hoang mang về việc môi trường đi học, đi làm tập trung, khép kín liệu có dễ bị lây nhiễm bệnh?


 
 
 

Học sinh được đo nhiệt độ, hướng dẫn đeo khẩu trang và rửa tay diệt khuẩn trước khi vào lớp tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM, ngày 2.2 /// Nguyên Mi

Học sinh được đo nhiệt độ, hướng dẫn đeo khẩu trang và rửa tay diệt khuẩn trước khi vào lớp tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM, ngày 2.2   Nguyên Mi

 

 
Các chuyên gia nêu ý kiến: Điều quan trọng nhất là bình tĩnh, biết cách và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống nhiễm bệnh để “sống chung với dịch”.
 
 
Corona không bay lơ lửng trong không khí
Theo TS – bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): Có hai con đường lây lan nCoV: Một là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn (dịch tiết như nước bọt, nước mũi) của người nhiễm bệnh; hai là gián tiếp qua đụng chạm, sờ tay vào các vật dụng có dính dịch tiết, giọt bắn, các chất trong vùng hầu họng có mang vi rút, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng.
 
“Với giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc thì khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu. Khoảng cách trên 2 m thì có thể tránh được. Vi rút Corona không đủ nhẹ để bay. Vi rút này không lơ lửng trong không khí”, bác sĩ Hùng khẳng định.
 
Vì vậy, bác sĩ khuyên mọi người không nên quá hoảng sợ mà cho rằng vi rút lơ lửng trong không khí khiến hít thở cũng có thể lây bệnh.
 

Việc cần làm là dạy trẻ rửa tay

PGS-TS – bác sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đánh giá: Hiện nay hệ thống giám sát dịch bệnh tại khu vực phía nam, trong đó có TP.HCM rất tốt, đã cách ly, xử lý kịp thời và triệt để các ca nhiễm bệnh, nghi nhiễm.
 
“Đối với việc đi học của trẻ, nếu trong thời gian nghỉ tết vừa qua trẻ và gia đình đã đi chơi, đến những vùng có dịch hoặc có tiếp xúc với người nghi nhiễm thì nên chủ động phòng ngừa lây lan trong cộng đồng. Những trường hợp này nên tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày”, bác sĩ Lân nói.
 
Các trường hợp trẻ có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì cần đeo khẩu trang bảo vệ, đến khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây nhằm có biện pháp hỗ trợ đúng.

Phụ huynh đừng nên quá hoang mang, lo lắng. Điều quan trọng là phụ huynh và nhà trường cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, dạy trẻ ý thức vệ sinh cá nhân

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM)

Đối với trẻ đến trường, nhà trường phải đảm bảo vệ sinh trường lớp sạch sẽ, sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…), vật dụng, đồ chơi bằng các dung dịch diệt khuẩn.
 
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhấn mạnh: Phụ huynh đừng nên quá hoang mang, lo lắng. Điều quan trọng là phụ huynh và nhà trường cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, dạy trẻ ý thức vệ sinh cá nhân. Để phòng lây nhiễm vi rút Corona nCoV khi trẻ đi học, phụ huynh cần chú ý 3 điều:
 
Thứ nhất, nếu thấy con mình có sức khỏe không tốt, có các triệu chứng như ho, cảm, sổ mũi, sốt… thì nên cho con nghỉ ở nhà.
Bình tĩnh “sống chung với dịch”1

Cách phòng ngừa dịch bệnh   Ảnh: Bác sĩ cung cấp

 

Thứ hai, phải dạy trẻ rửa tay, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước hoặc dung dịch rửa tay khô diệt khuẩn, đặc biệt là khi đến trường và từ trường về nhà. Rửa tay là biện pháp phòng nhiễm bệnh hàng đầu, vô cùng quan trọng. Nên hình thành việc này như một thói quen, ý thức vệ sinh cho trẻ.
 
Thứ ba, cho trẻ học và sinh hoạt trong không gian thông thoáng, mở cửa đón nắng. Tốt nhất là không ở trong phòng kín máy lạnh, chật hẹp. Vệ sinh trường lớp sạch sẽ.
 
Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), lưu ý: Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thêm rau xanh, trái cây…
 

Những thói quen phòng bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo người dân biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy cùng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây. Bên cạnh đó, mọi người nên thường xuyên súc miệng, họng bằng nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
 
Khi ho hoặc hắt hơi, nhất thiết phải che miệng và mũi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
 
Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người, khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
 
Mặt khác, cần đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
 
Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
 
Giữ nhà cửa thông thoáng bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ. Hạn chế sử dụng máy lạnh. Không để nhiệt độ máy lạnh trong phòng dưới 25 độ C.
 
Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn.
 
Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
 
 
 
NGUYÊN MI 

TNO