24/12/2024

Chúa Nhật II TN A 2020: Xoá tội trần gian

Bài Tin Mừng giới thiệu Đức Giêsu “là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Lời giới thiệu này chúng ta được nghe nhắc tới 4 lần trong mỗi Thánh lễ như gợi ý cho ta về nhiệm vụ xoá tội trần thế khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.

 Chúa Nhật II TN A 2020

Xoá tội trần gian

Lời mở

Bài Tin Mừng (x. Ga 1,29-34) giới thiệu Đức Giêsu “là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Lời giới thiệu này chúng ta được nghe nhắc tới 4 lần trong mỗi Thánh lễ như gợi ý cho chúng ta về nhiệm vụ xoá tội trần thế khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, nhất là nhờ việc ta đón nhận Mình Máu Thánh Người và những ân sủng Thánh Thần Người ban.

Nhưng tội là gì và ta phải thể hiện nhiệm vụ xoá tội trần gian như thế nào?

1. Tội lỗi trong đời sống con người

Nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta thấy mỗi người được sinh ra, lớn lên rồi ngày một già đi, mang thêm những bệnh tật và phải chết.

Đức Phật Thích Ca đã nhìn vào thực tế ấy và cho đời là bể khổ. Sinh, lão, bệnh, tử là khổ. Ngài đã giải thích cho ta hiểu rằng tất cả những khổ đau của kiếp người bắt nguồn từ lòng dục, lòng tham sân si của con người. Muốn dập tắt được nỗi đau khổ đó ta phải diệt lòng dục. Muốn diệt được lòng dục ta phải đi theo bát chánh đạo. Đó là 4 chân lý căn bản cho đời sống đạo đức của các anh chị em tin theo Đức Phật Thích Ca. Hơn nữa, Đức Phật dạy rằng con người phải trải qua hàng tỉ tỉ kiếp thì mới thoát ra khỏi vòng luân hồi và đi vào cõi niết bàn để có thể sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi.

Tuy nhiên, thực tế đời sống cho ta hiểu rằng đời người không phải chỉ là bể khổ mênh mông, mà còn có niềm vui, hạnh phúc, tình yêu, sự sống viên mãn và những giá trị tích cực ấy mới là thật và mới đáng cho ta kiếm tìm, còn khổ đau chỉ là mặt trái của chúng. Thí dụ chết là không sống, xấu là không đẹp… và ngày cả trong sự sinh nở vẫn có niềm vui của cha mẹ hoà trong tiếng khóc của trẻ thơ. Tận trong thâm tâm mỗi người, ai cũng mong ước được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, hạnh phúc vô cùng. Vậy người ta giải thích như thế nào về các thực tại của đời sống?

Trong dòng lịch sử suy tư, con người nhận ra rằng tất cả những điều thật đều có nguồn gốc: sự sống, tình yêu, chân thiện mỹ… đều phải có nguồn và nguồn ấy phải là Đấng Tối Cao vì con người không thể tự làm ra chúng và ban chúng cho ai khác. Nhưng còn những thứ không có thật như sự chết, đau khổ, bệnh tật, giả dối, ác độc, xấu xa…, đang tồn tại trong đời sống con người, cũng phải có nguồn. Vậy chúng từ đâu tới và do ai làm nên?  

Cách đây khoảng 2.500 năm, những người Hy Lạp, La Mã cho rằng có những vị thần gây nên và cai quản chúng. Thí dụ chiến tranh là do thần Mars, chết chóc là do Tử Thần với hình bộ xương người cầm lưỡi hái. Còn người Á Đông lại nghĩ rằng Diêm Vương cai quản cái chết và những người chết. Khi đi vào các ngôi chùa cổ, người ta thường thấy ngay ở cổng chùa có hai “ông thiện – ông ác” tượng trưng cho thần lành – thần dữ. Đó là quan niệm thông thường của con người, gọi là thuyết Nhị Nguyên hay thuyết hai nguồn, nguồn thiện và nguồn ác.

2. Giáo hội Công giáo dạy: tội là nguồn của mọi sự dữ

Giáo Hội dạy ta hiểu rằng tất cả những thực tại đều tốt lành và bắt nguồn từ Thiên Chúa vì Ngài là nguồn của sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận, là nguồn của chân thiện mỹ. Ngài yêu thương muôn loài nên đã dựng nên tất cả và chia sẻ cho mọi loài thụ tạo những ơn lành của Ngài. Ngài không làm ra đau khổ, bệnh tật, già nua, chết chóc…, gọi chung là sự dữ hay những gì tiêu cực, bởi vì trong Ngài chỉ có điều tích cực. Vì thế, con người cũng như vạn vật được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, vẻ đẹp vô biên, niềm vui vô tận, quyền năng vô cùng của Thiên Chúa.

Đặc biệt, khi dựng nên con người và thiên thần, Thiên Chúa đã ban cho họ tinh thần để họ là hình ảnh giống như Ngài. Vì tinh thần có lý trí và ý chí tự do nên con người cũng như một số thiên thần đã lạm dụng tự do của mình để từ chối yêu thương, bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Họ đã cắt đứt sự hiệp thông với Ngài nên mất đi những ân huệ Chúa ban, mỗi ngày một già nua, xấu xí, bệnh tật và cuối cùng là chết. Tất cả bắt nguồn từ tội, tội nguyên tổ cũng như tội của từng người. Ta có thể xem lại những giáo huấn này trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo ở số 385 đến 421. Như thế, Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người, khi cắt đứt với nguồn sống, đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật (x. Kn 1, 13-24; 2,23-24).

Vì Thiên Chúa yêu thương muôn loài, nên ngay khi con người phạm tội, Chúa đã hứa sẽ ban ơn cứu độ. Đức Giêsu chính là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để giúp ta hoà giải với Thiên Chúa. Người mang lấy tội lỗi của tất cả chúng ta và đã xoá bỏ tội lỗi để ta trở về với Thiên Chúa như những người con, được chia sẻ hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận, không phải như thụ tạo Ađam trước khi phạm tội, mà còn được nâng cao hơn nữa, trở thành con cái Thiên Chúa như Đức Giêsu Kitô vì chúng ta kết hợp thành một với Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời của chúng ta.

Ngày nay rất nhiều người đánh mất ý thức tội lỗi vì họ không còn tin Thiên Chúa là nguồn của mọi giá trị tích cực họ đang mong chờ. Họ không còn muốn tìm về nguồn để được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Họ chỉ còn tin vào khoa học, vào những giải pháp của con người. Họ nghĩ rằng tội lỗi là một  khiếm khuyết trong quá trình tăng trưởng, một yếu kém về mặt tâm lý, một sai lầm trong nhận thức hay hành động, một hậu quả tất yếu của cơ cấu tổ chức xã hội thoái hoá… (X. Sách GLHTCG, số 386). Đến một lúc nào đó, con người sẽ vượt qua cái chết nhờ biết dùng tế bào gốc, tế bào tươi để làm cho mình sống mãi. Đến một lúc nào đó, chiến tranh, áp bức, bất công sẽ không còn, khi mọi người nhận ra nhau là anh chị em, nhờ biết tổ chức đời sống xã hội tốt hơn…Con người được tự do nghĩ như vậy nhưng đừng quên rằng cắt đứt với nguồn cội của mình là sẽ mất đi tất cả những giá trị của hiện hữu!

3. Làm thế nào để xoá tội thế trần?

Hôm nay chúng ta nhìn vào thực tế của đời sống cá nhân cũng như xã hội để thấy con người đang già nua, bệnh tật, đau khổ, hiểu lầm, thất bại, chết về thể xác cũng như tinh thần. Vì thế, Chúa mới mời gọi ta: “Này, Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 6). Chúa muốn ta tham gia vào chương trình xoá tội trần gian để giúp cho con người cũng như xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho mọi loài như ông Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29).

Trong thánh lễ, trước khi lên rước lễ để hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, Giáo Hội nhắc nhở ta 4 lần điều đó. V ì nếu được gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, được Người chia sẻ cho ta sự sống kỳ diệu phi thường của Người, với những ân huệ của Thánh Thần, ta mới có thể xoá bỏ tội lỗi đang tàn phá cuộc sống của ta cũng như của cộng đồng. Ta mới có đủ sức mạnh để đón nhận những đau khổ, bệnh tật, ngay cả cái chết trong thân xác ta, như những hồng ân, thay vì tai hoạ, vì chúng giúp ta đóng góp vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chính là biểu lộ tình yêu thương đến cùng đối với mọi loài và ta luôn luôn được mời gọi để yêu thương như Chúa Giêsu.

Yêu thương đến cùng là đón nhận tất cả, tin tưởng tất cả, tha thứ tất cả, hy vọng tất cả như thánh Phaolô nhắc nhở (x. 1Cr 13,7). Tha thứ cho những kẻ đóng đinh, cho người chồng, người vợ đang phản bội mình, cho người con đang bất hiếu với mình. Khi ta sẵn sàng đón nhận tất cả những điều tiêu cực đó, nhờ sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa và nhờ ân huệ của Thánh Thần, đó là ta đang xoá tội trần thế. Hơn nữa, nếu Chúa muốn ta làm chứng cho Người như các tông đồ xưa (x.1Cr 1,1-3), ta sẽ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại để cho mọi người biết xoá bỏ tội lỗi mang lại hiệu quả là sự sống kỳ diệu trong niềm vui, bình an, hạnh phúc như thế nào.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em luôn trở thành người gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, trở thành Chiên Thiên Chúa để xoá tội trần gian.

HKK