Đức bồi thường nhiều tỉ để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện
Trong thông báo ngày 16-1, Chính phủ Đức cho biết sẽ trả nhiều tỉ euro bồi thường cho các công ty vận hành các nhà máy điện than để đẩy nhanh tốc độ đóng cửa các nhà máy điện gây ô nhiễm này ở Đức.
Đức bồi thường nhiều tỉ để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện
Trong thông báo ngày 16-1, Chính phủ Đức cho biết sẽ trả nhiều tỉ euro bồi thường cho các công ty vận hành các nhà máy điện than để đẩy nhanh tốc độ đóng cửa các nhà máy điện gây ô nhiễm này ở Đức.
Các bộ trưởng cấp liên bang ở Đức đã thảo luận với đại diện của bốn bang có nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác than và đạt được thỏa thuận nhằm giúp Đức đạt các mục tiêu về giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm Trái đất ấm lên.
Hiện tại, điện than cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu điện ở Đức và nước này đặt mục tiêu sản xuất 65% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Theo kênh Euro News, bộ trưởng Tài chính Đức thông báo các nhà máy điện than ở Tây Đức sẽ nhận được 2,6 tỉ euro, những nhà máy ở Đông Đức sẽ nhận được 1,75 tỉ euro để đóng cửa sớm.
Đây là khoản bồi thường riêng, có thể lên tới 40 tỉ euro mà Chính phủ Đức cam kết với các bang có ngành khai mỏ để làm dịu bớt cú sốc do việc từ bỏ sử dụng loại nhiên liệu này gây ra.
Đức cũng sẽ đánh giá tổng thể về tình hình vào các năm 2026 và 2029 để xem xét về khả năng chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất điện than vào năm 2035, ba năm trước thời hạn cuối cùng.
Bộ trưởng kinh tế Peter Altmaier cho biết: “Đây là một thỏa thuận tốt cho vấn đề bảo vệ khí hậu, nó cho thấy chúng ta cam kết một cách nghiêm túc”.
Bộ trưởng môi trường Svenja Schulze thừa nhận Đức sẽ cần “mở rộng sang năng lượng gió và mặt trời” nhiều hơn vì nước này cũng đang trong quá trình bỏ năng lượng hạt nhân (nhà máy điện hạt nhân cuối cùng sẽ ngừng hoạt động ở Đức vào cuối năm 2022).
Hiện Đức là nước đầu tiên từ bỏ điện hạt nhân và điện than bằng cam kết có ràng buộc.
Điều trớ trêu là trong khi cam kết bồi thường hàng tỉ euro, năm nay một nhà máy điện than mới sẽ hòa lưới và một mỏ than ở vùng Tây Đức sẽ được mở rộng.
Cô Ann Katrin Schneider thuộc Tổ chức Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) của Đức cho rằng thời điểm chấm dứt điện than vào năm 2038 là “quá trễ” và không tôn trọng các cam kết của Đức trong thỏa thuận Paris.
TTO