Thông khủng long quý thế nào mà Úc phải mở ‘chiến dịch’ giải cứu?
Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Úc cho biết việc cứu những cây thông khủng long tựa như một chiến dịch quân sự, nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa từng có.
Thông khủng long quý thế nào mà Úc phải mở ‘chiến dịch’ giải cứu?
Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Úc cho biết việc cứu những cây thông khủng long tựa như một chiến dịch quân sự, nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa từng có.
Những cây thông Wollemi được phân loại là ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) và được chính phủ Úc bảo vệ ở chế độ đặc biệt – Ảnh: HO/AFP/GETTY IMAGES
Đài CNN ngày 16-1 đưa bản tin mang lại niềm vui trong nỗi buồn sâu sắc của người dân Úc: những cây thông khủng long quý hiếm của nước này đã được bảo vệ an toàn khỏi đám cháy rừng lịch sử.
Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Australia – ông Matt Kean cho biết, việc cứu những cây thông này tựa như một chiến dịch quân sự, nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa từng có.
Các lính cứu hỏa ở New South Wales cùng người dân địa phương đã sử dụng nhiều máy bay trực thăng để thả bom nước, các loại chất chống cháy xuống những cây này. Một đội quân khác dưới mặt đất cũng sử dụng vòi xịt nước, tạo đường cách ly điểm này với phần còn lại của cánh rừng đang cháy.
Sau rất nhiều nỗ lực, những cây thông đã được bảo vệ an toàn. Đối với người dân Úc và các nhà khoa học thì đây là một tin đáng mừng.
Thông “khủng long” là cách gọi phổ thông của thông Wollemi. Nó từng bị cho là đã tuyệt chủng và người ta chỉ biết đến trong cái tài liệu hóa thạch từ 200 triệu năm trước cho đến khi được David Noble, một nhân viên kiểm lâm của Cơ quan Động vật hoang dã và Công viên Quốc gia Úc, phát hiện vào năm 1994.
Khi đó, giới khoa học ví việc phát hiện cây thông Wollemi tựa như việc tìm ra một loài khủng long mới.
Thông Wollemi thường có chiều cao đạt khoảng 25-40 m. Thân cây có vỏ màu nâu sẫm. Loài này có điểm đặc biệt khác với các giống thông khác là các nhánh mọc xung quanh một thân duy nhất và chỉ phát triển đến một kích thước nhất định.
Sau một vài năm, ở đầu mỗi nhánh này xuất hiện một hoa rồi ngừng tăng trưởng. Khi hoa hình thành hạt thì nhánh cũng tự khô và rụng xuống. Hạt sẽ nảy lên cây thông khác, trong khi đó trên thân cây mẹ sẽ mọc ra những nhánh mới.
Loài thông này có tuổi thọ rất cao. Một số cây hiện tại được ước tính có tuổi thọ 500-1.000 năm tuổi.
Sau hàng chục năm nhân giống, hiện loài này có thể tìm thấy ở một số quốc gia nhưng chỉ có 200 cây thông Wollemi sống tự nhiên tại một địa điểm bí mật trong Công viên Quốc gia Wollemi rộng 5.000 km2 ở phía tây bắc Sydney được cho là cổ nhất.
Trong Danh sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), cây thông Wollemi được phân loại là ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) và được chính phủ Úc bảo vệ ở chế độ đặc biệt.
TTO