26/12/2024

Định hướng truyền giáo trong năm 2020 của Giáo hội Indonesia: “Truyền giáo, mục vụ sáng tạo”

Đối thoại liên tôn là một trong những cách loan báo Tin Mừng mà Giáo hội tại Indonesia chọn cho năm 2020, nhằm khẳng định vai trò và đóng góp đặc biệt của Giáo hội cho hoà hợp xã hội, chính trị và tôn giáo.

 Định hướng truyền giáo trong năm 2020 của Giáo hội Indonesia: “Truyền giáo, mục vụ sáng tạo”

 

 

Nông dân Indonesia (ANSA)

Đối thoại liên tôn là một trong những cách loan báo Tin Mừng mà Giáo hội tại Indonesia chọn cho năm 2020, nhằm khẳng định vai trò và đóng góp đặc biệt của Giáo hội cho hoà hợp xã hội, chính trị và tôn giáo. Người Công giáo Indonesia, cùng với các giám mục, gọi đó là cách tiếp cận, trong bối cảnh xã hội với đa số Hồi giáo, khởi đi từ cuộc gặp gỡ với các tín đồ có niềm tin khác nhau với mục đích “xây dựng công ích cho người dân và dân tộc”.

Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Jakarta trong Sứ điệp Giáng Sinh 2019, đã lưu ý rằng “tình bạn và tình huynh đệ giữa các tín đồ của các tôn giáo khác tạo thành một giá trị nội tại cho đất nước”. Dù Indonesia đã bước ra khỏi thời kỳ khó khăn, từ cuộc bầu cử tổng thống, tổ chức vào tháng 4 năm ngoái (2019), xác nhận Joko Widodo là tổng thống của nước Cộng hoà và người đứng đầu Chính phủ. Quốc gia bây giờ dường như đã vượt qua thời kỳ căng thẳng với các cuộc biểu tình của sinh viên, các nhóm Hồi giáo.

Đức Tổng Giám mục Jakarta, người được phong hồng y tại Vatican, trong số 13 vị vào ngày 5 tháng 10 năm 2019, nói với Báo Quan sát viên Rôma về tương lai của Indonesia: “Những người tin vào Đức Kitô không cảm thấy xa lạ với kết cấu văn hóa và xã hội Indonesia, là một phần không thể thiếu của đất nước này. Chúng tôi thường nhắc nhở các tín hữu, là người Công giáo, kể từ buổi bình minh độc lập, Giáo hội đã sát cánh với những người bị áp bức, bảo vệ phẩm giá của mỗi người, đã làm việc với tầm nhìn xa cho sự ra đời của quốc gia. Chúng ta ý thức rằng, chúng ta đã nhận được di sản quan trọng về tình yêu quốc gia. Chúng ta là một phần của lịch sử này và sẽ tiếp tục duy trì thái độ như vậy trong tương lai.”

Tình hình tôn giáo

Trong quần đảo rộng lớn có 250 triệu dân, 90% Hồi giáo, Công giáo chiếm khoảng 3% dân số (7,5 triệu tín hữu) trong tổng số 24 triệu Kitô hữu của các tôn giáo khác, gần 10% quốc gia. Giáo hội Công giáo đóng góp đặc biệt trong một quốc gia với văn hoá và tôn giáo phức tạp.

Hồi giáo đến Indonesia qua con đường của các thương gia Ả Rập. Người Hồi giáo đến đây không bằng con đường bạo lực, chiếm làm thuộc địa. Họ sống xen vào các nền văn hóa địa phương, đặc biệt là với người Java, tạo ra một văn hoá mở, khoan dung, đối thoại, thờ phượng và thực hành tôn giáo với một tâm hồn an hoà.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Indonesia hiện đang trải qua giai đoạn lịch sử, các nhóm Hồi giáo cực đoan tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong xã hội và chính trị.

Tình hình này cũng đóng một vai trò quyết định trong chiến dịch bầu cử năm ngoái (2019), ủng hộ mạnh mẽ một ứng viên tổng thống, Prabowo Subianto, người sau đó đã bị Widodo đánh bại. Cần nhớ vào năm 2017, các nhóm cực đoan đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại thống đốc Kitô giáo của Jakarta, lúc bấy giờ là ông Basuki Tjahaja Purnama, được gọi là “Ahok”, bị kết án tù vì xúc phạm Hồi giáo.
 
Ông Purnama là người thuộc dân tộc thiểu số gốc Hoa thứ 2 trở thành thống đốc tại indonesia, đồng thời là người Công giáo đầu tiên lãnh đạo Jakarta trong 50 năm qua. Ngay khi mới nhậm chức, công việc của Thống đốc Purnama được đánh giá là vô cùng khó khăn khi ông thuộc người dân tộc Hoa chỉ chiếm 1% trong tổng số 250 triệu người Indonesia và thống đốc của đô thị hơn 10 triệu dân với chủ yếu là người Hồi giáo.

Vai trò của Giáo hội


Trong giai đoạn lịch sử quan trọng này, Giáo hội địa phương nhìn nhận mình có một sứ mạng đặc biệt: Cùng với tất cả thể chế khác bảo vệ Pancasila – Hiến chương của năm nguyên tắc, nền tảng của quốc gia và chung sống hoà bình dân sự ở quần đảo Indonesia.
 
Các nguyên tắc này: niềm tin vào một Thiên Chúa, công bằng và văn minh nhân loại, thống nhất Indonesia, trí tuệ nội tâm dẫn dắt dân chủ, công bằng xã hội cho người dân; là một di sản chung mà ngay cả các tổ chức Hồi giáo quan trọng nhất cũng nhận ra và bảo vệ, chống lại virus cực đoan muốn đầu độc xã hội.

Theo tinh thần này, TGM Jakarta cho biết: Trước hết, chúng tôi ở bên cạnh Tổng thống Joko Widodo, một người biết mình muốn gì, người đã nhận ra sự nguy hiểm của cuồng tín và đã cố gắng rất nhiều để giải quyết vấn đề này. Trong bài phát biểu trước toàn dân vào mùa thu năm ngoái, ông Widodo đã không quên nhấn mạnh rằng “dễ dàng trong truyền thông và tiến bộ công nghệ ngoài những tiện ích, nó cũng gây ra những mối đe doạ cho ý tưởng nền tảng của chúng ta, làm gia tăng bất khoan dung, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố”. Đức Hồng y cũng ca ngợi tổng thống vì đã can đảm ban hành các biện pháp cấm các tổ chức công khai chống lại Pancasila và tinh thần dân chủ của Indonesia.

Mặt khác, ngay cả các hiệp hội Hồi giáo ôn hoà cũng được kêu gọi thực hiện phần của họ. Lời kêu gọi đã chạm vào Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất không chỉ ở Indonesia mà trên toàn thế giới, với số lượng ước tính khoảng 80 triệu thành viên. Tổng thư ký của Nahdlatul Ulama, Yahya Cholil Staquf, nói rõ ràng: “Từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi biết điều chúng tôi muốn, đó là ngăn chặn mối đe doạ của chủ nghĩa cực đoan.” Nhờ sự đóng góp của các hiệp hội này, chính phủ Indonesia rất tích cực trong việc chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực, quản lý các chương trình “khử cực đoan”. Nhưng cần phải làm nhiều việc hơn để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở Indonesia, Staquf cảnh báo.

Đức Tổng Giám mục Suharyo Hardjoatmodjo nhìn nhận rằng các tổ chức Hồi giáo lớn có “vai trò quyết định trong việc bảo vệ linh hồn của Hồi giáo Indonesia và Pancasila” và tái khẳng định “tất cả sự hỗ trợ của chúng tôi trong nỗ lực này nhằm giữ cho quốc gia trên đường hoà hợp tôn giáo, chung sống hoà bình, bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ”.

Về phần mình, các Kitô hữu xác định sự hiện diện của mình là “những người xây các cây cầu”, chứ không phải là những người sống phân biệt đối xử, bạo lực. Xác tín mình là những người đối thoại không mệt mỏi, trong việc gặp gỡ trao đổi văn hóa và tôn giáo, ngay từ nhà trường. Tin chắc rằng Tin Mừng hiền lành và lòng thương xót có giá trị hơn một ngàn yêu sách hoặc những lời đả kích.

Giáo hội ý thức mình có một vũ khí đặc biệt trong tay đó là “cầu nguyện”. Hồng y Jakarta kết luận: “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng cầu nguyện cho đất nước. Chúng tôi xin Chúa soi sáng và hướng dẫn các nhà cầm quyền vì một Indonesia tốt đẹp. Đây là niềm hy vọng và dấn thân của chúng tôi. Đây là con đường chúng tôi sẽ theo với niềm phó thác. Mọi người đều biết và đánh giá cao chúng tôi, là một cộng đoàn Công giáo, làm chứng cho Tin Mừng bác ái và hoạt động vì lợi ích của Indonesia.”
 
 

Ngọc Yến

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-01/truyen-giao-indonesia-2020.html