Bụi sao 7 tỉ năm tuổi, có trước mặt trời, được tìm thấy trong thiên thạch Úc
Một thiên thạch lao xuống vùng nông thôn Úc nhiều năm trước vừa được xác định chứa vật liệu rắn lâu đời nhất từng được phát hiện trên Trái đất, có trước hệ mặt trời khoảng 2,5 tỉ năm.
Bụi sao 7 tỉ năm tuổi, có trước mặt trời, được tìm thấy trong thiên thạch Úc
Một thiên thạch lao xuống vùng nông thôn Úc nhiều năm trước vừa được xác định chứa vật liệu rắn lâu đời nhất từng được phát hiện trên Trái đất, có trước hệ mặt trời khoảng 2,5 tỉ năm.
Hình ảnh một tinh vân và hạt bụi có niên đại lớn hơn cả hệ mặt trời NASA
Vào năm 1969, một quả cầu lửa lao từ trời cao xuống địa điểm gần thị trấn Murchison, bang Victoria (Úc), và các chuyên gia của Bảo tàng Field ở thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ), ngay từ đầu đã xoay sở có được mảnh lớn nhất của thiên thạch quý.
Đến năm 1987, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện thiên thạch Murchison chứa nhiều hạt bụi đến từ các vì sao, nhưng vô phương xác nhận niên đại của chúng vì điều kiện kỹ thuật thời đó không cho phép. Một trong các trở ngại là do các hạt bụi quá nhỏ, kích thước dao động từ 2 đến 30 micromét.
Mới đây, nhóm của chuyên gia Philipp Heck, nhà quản lý thiên thạch tại bảo tàng ở Chicago, cuối cùng cũng phân định được tuổi của 40 hạt bụi nhỏ bên trong mẫu vật quý giá.
Trong đó, 60% số hạt có niên đại từ 4,6 đến 4,9 tỉ năm, và 10% ít nhất phải hơn 5,6 tỉ năm, theo Hãng tin AFP hôm 14.1.
Độ tuổi trên được xác định vào thời điểm các ngôi sao nổ tung, và dựa trên thực tế dạng sao này thường có tuổi thọ từ 2 đến 2,5 tỉ năm, các bụi sao được ước tính phải có niên đại khoảng 7 tỉ năm, tức sớm hơn hệ mặt trời của chúng ta đến 2,5 tỉ năm tuổi.
Cỗ máy thời gian
Bụi sao hình thành từ vật liệu tống ra từ các vụ nổ sao và được gió vũ trụ đưa đi khắp chốn và xuyên qua không gian liên vì sao. Trong lúc hệ mặt trời được sinh ra, loại bụi này tham gia vào mọi quá trình tượng hình các thiên thể, bao gồm hành tinh và mặt trời.
Thế nhưng, bằng cách nào đó, nhóm bụi trong thiên thạch ở Úc giữ nguyên được hình dạng trong suốt cuộc hành trình dài nhiều tỉ năm trước khi lao xuống Trái đất vào nửa thế kỷ trước, hứa hẹn đóng vai trò như một “cỗ máy thời gian” giúp giới khoa học lần ngược về quá khứ.
“Chúng là những vật liệu rắn lâu đời nhất từng được tìm thấy từ trước đến nay, mang đến cho chúng ta câu chuyện về sự hình thành của các vì sao trong Dải Ngân hà”, trưởng nhóm nghiên cứu Heck kết luận trong báo cáo đăng trên chuyên san PNAS.
HẠO NHIÊN
TNO