Soda Na2CO3 là gì, có được dùng trong thực phẩm?
Tuy là muối nhưng Na2CO3 là một chất ăn mòn nên không được dùng trong chế biến thực phẩm. Muốn dùng trong thực phẩm thì phải đảm bảo độ tinh khiết và phải ở liều lượng an toàn theo quy định.
Soda Na2CO3 là gì, có được dùng trong thực phẩm?
Tuy là muối nhưng Na2CO3 là một chất ăn mòn nên không được dùng trong chế biến thực phẩm. Muốn dùng trong thực phẩm thì phải đảm bảo độ tinh khiết và phải ở liều lượng an toàn theo quy định.
Mới đây, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phạt hành chính trên 780 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và An Giang do hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp (soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm. Chất này là gì, lợi hại ra sao?
Natri cacbonat, còn gọi là soda, là một loại muối cacbonat của natri có công thức hóa học là Na2CO3. Na2CO3 có nhiều trong tự nhiên như nước khoáng, nước biển, tro của rong biển và muối mỏ trong lòng đất.
Theo các ghi chép lịch sử, từ 4.000 năm trước, người Ai Cập cổ đã biết khai thác Na2CO3. Đến thế kỷ XV – XVI, tro rong biển đã được dùng để sản xuất xà phòng và thủy tinh.
Ngày nay, Na2CO3 được dùng trong ngành sản xuất công nghiệp để nấu thủy tinh, xà phòng, làm giấy, đồ gốm, phẩm nhuộm, dệt, keo dán gương, và điều chế nhiều muối khác của natri như borat, cromat…
Na2CO3 dễ bị nhầm lẫn với Na2HCO3 (natri hiđrocacbonat hay natri bicacbonat) vốn được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và có nhiều tên gọi khác: bread soda, cooking soda. Trong khi đó, Na2CO3 là muối nhưng do tính ăn mòn cao nên chỉ dùng trong công nghiệp.
Trong trường hợp soda Na2CO3 tinh khiết 100% thì được phép dùng trong thực phẩm để chống đông, điều chỉnh độ axit và chất ổn định nhưng phải ở liều lượng an toàn theo quy định của Bộ y tế. Nếu không tinh khiết thì chỉ dùng trong công nghiệp.
Vậy điều gì xảy ra nếu chúng ta ăn thực phẩm nhiễm soda Na2CO3 trong thời gian dài?
Bản chất Na2CO3 không phải là chất gây ung thư nhưng nó có thể trở thành một loại khí carbon monoxide nguy hiểm nếu tiếp xúc với thực phẩm có chứa đường khử (đường chứa nhóm aldehyde (-CHO) hoặc ketone (-CO) như glucose, fructose, arabinose, maltose, lactose).
Hít phải hóa chất này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như kích thích đường hô hấp, ho, khó thở và phù phổi. Nếu nuốt phải Na2CO3, đặc biệt là với số lượng lớn, có thể gây bỏng miệng, cổ họng, dạ dày hoặc thực quản hoặc nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy.
Ngoài ra, da cũng có thể bị kích ứng đỏ hoặc sưng sau khi tiếp xúc Na2CO3 trong thời gian dài. Với người mắc các bệnh về da, việc ăn uống thực phẩm chứa nhiều Na2CO3 càng khiến tình trạng tổn thương da nặng thêm.
Trong trường hợp tiếp xúc mắt trực tiếp với Na2CO3 có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
TTO