Có nên đưa điện thoại thông minh cho trẻ để đổi lấy sự im lặng?
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.
Có nên đưa điện thoại thông minh cho trẻ để đổi lấy sự im lặng?
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.
Phòng chống xâm hại trẻ em là một trong những chuyên đề được Quốc hội giám sát kỹ lưỡng – Ảnh: LÊ KIÊN
Hội nghị được đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức sáng 13-1 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.
Với hơn 7.000 trẻ em bị xâm hại trong vòng 5 năm, ông Bình đề nghị các đại biểu đưa ra kiến nghị, giải pháp xác đáng để xử lý, ngăn chặn tình trạng này. Hội nghị tập trung đánh giá về tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục.
Ngăn chặn trẻ em vào mạng là không thể
“Có nhiều gia đình vẫn tự hỏi có thể cho con sử dụng điện thoại thông minh từ năm mấy tuổi? Hiện nay có nhiều cha, mẹ cứ đưa cho con chiếc điện thoại thông minh để đổi lấy sự im lặng của đứa bé” – ông Nguyễn Thanh Lâm, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông, đặt câu hỏi và nêu thực trạng.
Ông Lâm cũng đề cập chuyện các gia đình có nên sử dụng camera an ninh với cả đời sống riêng tư của mình không? Nếu camera an ninh bị hack, lộ thông tin ra ngoài thì ảnh hưởng rất lớn. “Chúng ta phải lựa chọn giữa sử dụng công nghệ và phòng ngừa tác hại của nó” – ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, không gian mạng không chỉ là máy tính, điện thoại thông minh mà còn ở tivi thông minh nữa. Tivi thông minh có đặc tính là mình cứ xem một thông tin này thì nó lại gợi ý xem thông tin liên quan, hiện nay có nhiều trẻ em, người già bị “phơi nhiễm” với các thông tin giả qua con đường này.
Trong các giải pháp nêu ra, ông Lâm nhấn mạnh truyền thông, nâng cao kỹ năng để bố mẹ bảo vệ trẻ em và đến lúc nào đó trẻ em tự bảo vệ mình. Bởi việc ngăn chặn các cháu tham gia không gian mạng là không thể. “Truyền thông thay đổi nhận thức, trong đó có vai trò rất lớn của của báo chí, truyền thông, nhà trường và gia đình” – ông Lâm bày tỏ.
Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đặng Hoa Nam cho biết hiện Việt Nam có 68 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó tài khoản Facebook là 63 triệu.
Đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng dưới nhiều hình thức.
Bố mẹ vẫn thiếu hiểu biết
Đến từ Viện Nghiên cứu phát triển bền vững, bà Nguyễn Phương Linh cung cấp kết quả nghiên cứu trên 1.700 trẻ em cho thấy phần lớn các em tự học cách sử dụng mạng Internet chứ không phải học từ nhà trường, cha mẹ.
Các trường học, chủ yếu là dạy sử dụng máy tính, công nghệ thông tin chứ không dạy cách sử dụng Internet an toàn. Trong khi thực tế báo động tình trạng xâm hại tình dục trên mạng. Có nhiều trường hợp sau khi bị gạ gẫm, xâm hại trên môi trường mạng đã có những tiếp xúc, gặp gỡ và bị xâm hại trên môi trường thực tế.
“Với sự “hỗ trợ” của môi trường mạng, chưa bao giờ việc tiếp xúc, trao đổi, gạ gẫm các em lại dễ như bây giờ” – bà Linh nói. Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ trẻ em có hiểu biết về vấn đề xâm hại tình dục qua mạng chỉ 10,4%, nhưng tỉ lệ cha mẹ thậm chí còn thấp hơn, chỉ 8,6%.
Một trong những nguyên nhân được bà Linh đề cập là do giới hạn độ tuổi, các em trẻ thường tiếp cận, nắm bắt và có kỹ năng tham gia Internet và mạng xã hội tốt hơn bậc cha mẹ. Nhưng không thể loại trừ nguyên nhân do cha mẹ thiếu quan tâm và không nhận thức đầy đủ về vấn đề.
Dưới góc độ xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật, đại diện Bộ Công an cho biết trong 3 năm qua số lượng xâm hại tình dục qua môi trường mạng chỉ phát hiện 156 vụ. Đây là loại tội phạm khó phát hiện bởi đó là tội phạm ẩn, sử dụng công nghệ cao. Chính vì vậy, số liệu này không phản ánh được “bức tranh” về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên mạng.
TTO