25/12/2024

Hết thuốc viện trợ Glivec, người không tiền ‘chỉ có nước chờ chết’

Kể từ ngày 31-12-2019, chương trình viện trợ thuốc Glivec điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tuỷ kết thúc khiến không ít người bệnh ung thư rơi vào tình thế khó khăn.

Hết thuốc viện trợ Glivec, người không tiền ‘chỉ có nước chờ chết’

Kể từ ngày 31-12-2019, chương trình viện trợ thuốc Glivec điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tuỷ kết thúc khiến không ít người bệnh ung thư rơi vào tình thế khó khăn.


Theo tìm hiểu, thuốc Glivec (Imatinib 100mg) dưới sự quản lý của Bộ Y tế thông qua các chương trình viện trợ nhằm hỗ trợ điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại 7 bệnh viện cả nước gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Việc mất đi nguồn thuốc này khiến nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư nghèo, phải ngưng sử dụng thuốc, thậm chí một số nơi hết thuốc BHYT khiến người bệnh phải mua thuốc từ “chợ đen” với giá đắt đỏ. Tình trạng này từng xảy ra năm 2018 khiến tổng cộng hơn 2.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc này bị ảnh hưởng.

“Mặc dù BHYT hỗ trợ 40% chi phí nhưng với 60% chi phí còn lại, nếu muốn có thuốc uống người bệnh phải chi trả tới 1,2 triệu đồng/ngày. Chi phí quá cao nên nhiều bệnh phải ngưng dùng thuốc do không đủ tiền mua”, ông T. (một bệnh nhân ung thư) đang điều trị tại bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, nói.

Ông cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế có hướng giải quyết để tiếp tục hỗ trợ cho bệnh nhân bởi với chi phí khoảng gần 500 triệu đồng/năm/người thì bệnh nhân chỉ còn “con đường chờ chết”.

Bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy gần hai năm qua, anh V.Đ. (ngụ TP.HCM) đều được dùng thuốc Glivec từ nguồn viện trợ và BHYT. Với chi phí thuốc đắt đỏ, việc có nguồn thuốc viện trợ đã giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho anh cùng gia đình.

Theo anh Đ., hiện nay không chỉ hết thuốc viện trợ mà cả thuốc BHYT cũng không còn. Trước tình hình này, nhiều người bệnh lùng mua thuốc “chợ đen” với giá 120.000 đồng/1 viên. Với liệu trình 1 lần 4 viên, một ngày bệnh nhân phải bỏ ra 480.000 đồng tiền thuốc.

Trong điều kiện kinh tế eo hẹp, về lâu dài bệnh nhân khó có thể cáng đáng nổi khoản chi phí này. “Hai ngày qua tôi buộc phải tạm ngừng thuốc. Nhưng cuối cùng phải bỏ ra hơn 3 triệu đồng mua thuốc để uống tạm chứ không dám ngưng”, anh Đ. lo âu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn – Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – khẳng định việc thông báo ngưng tài trợ thuốc Glivec (loại thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy – một dạng ung thư máu mạn tính) được các cơ quan liên quan thông báo từ năm 2015 và thông tin này đều được phía bệnh viện thông báo cho người bệnh biết để chủ động.

“Hết thuốc viện trợ còn thuốc BHYT, có thể một số bệnh viện tạm thời hết thuốc BHYT, riêng Bệnh viện Ung bướu vẫn đủ thuốc cung ứng cho người bệnh. Đây là tình hình chung, bởi rất nhiều người mắc bệnh ung thư khác không có nguồn thuốc tài trợ vẫn phải trả các chi phí như trên”, ông Tuấn chia sẻ.

 

 

HOÀNG LỘC

 

 

 

 

TTO