23/12/2024

Lộ clip nhạy cảm vì thiết bị thông minh – Kỳ 2: Đề phòng… từ trong nhà

Một phần lý do lộ clip nhạy cảm cá nhân là vi tâm lý người dùng chỉ quan tâm đến việc lắp đặt, kiểm soát hệ thống camera, mà quên bản thân có bị ‘theo dõi’ ngược lại khi lơ là chế độ bảo mật.

 

Lộ clip nhạy cảm vì thiết bị thông minh – Kỳ 2: Đề phòng… từ trong nhà

Một phần lý do lộ clip nhạy cảm cá nhân là vi tâm lý người dùng chỉ quan tâm đến việc lắp đặt, kiểm soát hệ thống camera, mà quên bản thân có bị ‘theo dõi’ ngược lại khi lơ là chế độ bảo mật.



 
 
Coi chừng bị camera an ninh theo dõi ngược
“Thông thường, thợ lắp đặt camera sẽ đưa tài khoản và mật khẩu truy cập của camera đó cho người dùng và sẽ hướng dẫn cách đổi mật khẩu cũng như cách thức lấy lại mật khẩu trong trường hợp bị mất. Tuy nhiên khách hàng chủ quan về vấn đề bảo mật nên việc bị theo dõi từ chính thiết bị camera tại nhà là có thể xảy ra”, anh S. nói.
 
Theo anh S., hiện nay thị trường camera có rất nhiều hãng lớn, uy tín với giá giao động từ vài trăm đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng tùy mục đích sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết người dùng cá nhân vẫn luôn được lắp đặt từ những cơ sở cá nhân và không có ràng buộc về nguyên tắc bảo mật.
 
“Tại các cửa hàng camera, họ sẽ có hợp đồng nguyên tắc giữa hai bên, trong đó có nguyên tắc không được truy xuất, sử dụng dữ liệu người dùng khi chưa được sự cho phép. Còn ở cơ sở tư nhân, chủ cửa hàng tự lắp đặt cho khách và chỉ đảm bảo… bằng miệng”, anh S. giải thích.
 
Anh S. cho biết thêm việc bị đánh cắp dữ liệu từ camera có nhiều cách thức, một phần do chủ quan của người dùng và một phần do chính thợ lắp đặt camera. Theo giải thích, người dùng trong trường hợp mất mật khẩu thì vẫn có thể liên hệ với người lắp đặt camera để lấy lại mật khẩu, vì vậy người lắp đặt camera vẫn có thể truy cập vào hệ thống camera “nếu có mục đích xấu”.
 
Ngoài ra, việc sử dụng camera bằng wifi vẫn có thể bị rò rỉ dữ liệu. “Với người trong nghề công nghệ thông tin, nếu truy cập vào wifi mà hệ thống camera có kết nối với wifi này thì vẫn có thể đánh cắp dữ liệu từ camera này nếu mật khẩu của camera ở mức đơn giản. Do đó, việc cần làm đầu tiên là người dùng camera phải tự thay đổi mật khẩu để an toàn cho chính bản thân mình”, anh S. nói thêm.

Hack camera an ninh, điện thoại, ti vi có gắn camera

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty An Toàn thông tin CyRadar, cho biết việc người dân sử dụng camera an ninh tại nhà để lộ thông tin ra ngoài là sự thật và hoàn toàn có khả năng xảy ra trên thực tế. Không chỉ hệ thống camera lộ dữ liệu cá nhân ra ngoài mà nhiều thiết bị thông minh khác như điện thoại, máy tính và ti vi có gắn camera… đều tìm ẩn nhiều nguy cơ.
 
Ông Đức giải thích, ngoài điện thoại di động, máy tính và ti vi được trang bị camera là hai trong số những thiết bị mà hacker có thể đột nhập và kiểm soát và lấy lắp hình ảnh cá nhân, sinh hoạt tại gia đình người dùng.
 
Đặc biệt, tivi gắn camera đặt trong phòng ngủ nếu bị hacker tấn công thì vô cùng nguy hiểm, bởi những hình ảnh riêng tư của gia đình sẽ bị đánh cắp, truyền ra ngoài. Chính vì vậy, người dùng các thiết bị thông minh không truy cập vào các trang web không rõ ràng do người khác chuyển đến. Không cài đặt các phần mềm mà không biết rõ, không nên tham gia các ứng dụng trên mạng xã hội, hạn chế truy cập internet tại các nơi công cộng. Người dùng các thiết bị thông minh cũng nên thường xuyên cập nhật kiến thức về công nghệ, cài đặt các phần mềm, ứng dụng bảo vệ để tránh bị tấn công.
 
Lộ clip nhạy cảm vì thiết bị thông minh - Kỳ 2: Đề phòng... từ trong nhà - ảnh 1

Lộ clip nhạy cảm có khi chỉ vì tivi gắn camera đặt trong phòng ngủ lại bị hacker tấn công

Ảnh có tính minh họa

 

Theo ông Đức, xu hướng hiện nay nhiều gia đình chọn các thiết bị thông minh như camera, khóa, robot, tivi… kết nối internet để phục vụ cuộc sống cho tiện lợi. Thế nhưng, người dùng những thiết bị này cần phải thận trọng, đề cao tính bảo mật. Nếu người dùng chủ quan, không am hiểu các thiết bị rất dễ bị tấn công lấy cắp dữ liệu và kiểm soát các thiết bị ngay tại ngôi nhà của mình.
 
“Thiết bị càng thông minh, càng tiện ích thì người dùng càng phải nâng cao độ cảnh giác, bảo mật, am hiểu cơ bản về thiết bị công nghệ thì mới đảm bảo an toàn” ông Đức cho biết thêm. Cũng theo ông Đức, hiện nay chưa có quy chuẩn chung về việc sản xuất các thiết bị thông minh nên nhiều sản phẩm ra đời với độ bảo mật khác nhau.

Lộ clip nhạy cảm của Văn Mai Hương: Chia sẻ lên mạng là vi phạm pháp luật

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên trường Đại học Kinh tế – luật TP.HCM) khẳng định việc cá nhân, tổ chức đưa thông tin, hình ảnh riêng tư của ca sĩ Văn Mai Hương lên mạng khi chưa có sự đồng ý của Văn Mai Hương là hành vi vi phạm về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo Điều 38 bộ luật dân sự năm 2015. Đây là quyền bất khả xâm phạm được pháp luật bảo vệ.
 
Tuy nhiên căn cứ trực tiếp để xác định hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh của Văn Mai Hương có vi phạm hay không, ông Lưu Đức Quang cho biết thêm cần căn cứ vào luật An ninh mạng năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019). Theo đó, điểm d khoản 1 điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018 nêu hành vi “đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật”, là một trong những hành vi xâm phạm an ninh mạng, và sẽ bị xử lý.
 
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định như trên và Quốc hội đã giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. “Song, việc đầu tiên ngay lúc này, Văn Mai Hương cần làm đơn gửi Sở TT-TT để cơ quan này có yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, theo điểm i khoản 5 luật An ninh mạng 2018”.
 
Đồng thời, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), sau khi đề nghị gỡ bỏ, ngăn chặn việc sử dụng, phát tán thông tin, hình ảnh trái pháp luật, Sở TT-TT và công an địa phương sẽ tiếp tục truy phối hợp tìm cá nhân, tổ chức đã sử dụng và đưa thông tin, hình ảnh trái pháp luật lên không gian mạng. Từ đó, tùy mức độ sẽ xử phạt hình chính từ 10 – 20 triệu đồng theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hoặc xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2017, khi điều luật này quy định người nào thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền hoặc phạt tù.
 
“Hơn nữa, việc xử phạt hành chính hay xử lý trách nhiệm hình sự sẽ đi kèm với trách nhiệm bồi thường dân sự, nếu ca sĩ Văn Mai Hương có yêu cầu bồi thường”, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho hay.
 
Phan Thương
 
 
 
CÔNG NGUYÊN – TRẦN TIẾN 

TNO