10/01/2025

Đừng để mất mạng vì cá nóc

Sáu người dân ở tỉnh Quảng Ngãi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ăn cá nóc, trong đó có một người tử vong.

 

Đừng để mất mạng vì cá nóc

Sáu người dân ở tỉnh Quảng Ngãi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ăn cá nóc, trong đó có một người tử vong.


 

Đừng để mất mạng vì cá nóc - Ảnh 1.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện – Ảnh: PHƯƠNG THẢO

 

Dù đã có những khuyến cáo về sự nguy hiểm của loài cá này nhưng nhiều người vẫn chủ quan, coi thường tính mạng của mình để rồi bị những hệ lụy đáng tiếc.

Ăn cá nóc: nhiều cái chết đau lòng

Mới đây, 6 người dân ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi gồm Nguyễn G., Nguyễn Minh T. (cùng 31 tuổi), Lê Quang T. (44 tuổi), Lê Văn Đ. (17 tuổi), Đồng Trinh H. (49 tuổi), Nguyễn Thị S. (49 tuổi) tổ chức ăn uống, mang món cá nóc mú do các ngư dân đi biển mang về chế biến.

Sau bữa ăn, đến khuya cùng ngày tất cả 6 người đều có biểu hiện bị ngộ độc, tím tái, nôn ói, tê cứng tay chân, không nói chuyện được, trong đó có hai người hôn mê sâu. Họ được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam cấp cứu.

Ngay sau khi nhập viện, các bệnh nhân được bác sĩ điều trị tích cực như: đặt nội khí quản, thở máy và các thuốc hỗ trợ khác, được chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục điều trị.

Hai bệnh nhân là H. và T. bị hôn mê sâu, thở máy, trong đó ông H. bị ngừng tim hai lần, suy hô hấp nặng phải thở máy, tiên lượng rất nặng bởi hai người này ăn nhiều cá và có sử dụng nhiều rượu.

Bốn bệnh nhân còn lại phải theo dõi sát vì vẫn có nguy cơ diễn biến nặng. Đến tối 26-12, bệnh nhân H. đã tử vong do tình trạng quá nặng.

Sáng 27-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Đạo – giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam – cho biết ngoài người tử vong, ca thứ hai bị rất nặng là ông T. đã có dấu hiệu khả quan (đi ngoài có nước tiểu, về nguyên tắc có thể thải độc được) nhưng hiện nay vẫn đang rất nặng, được hồi sức, vẫn thở máy.

Thực tế đã có nhiều cái chết đau lòng khi người dân ăn cá nóc, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, xem cá nóc như một món khoái khẩu. Chẳng những ăn cá, mà có người còn sử dụng cá nóc làm món nhậu với rượu, bia.

Chưa có thuốc giải đặc hiệu

BS CKII Trần Quang Đạt – trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam – cho biết theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố có trong cá nóc là tetrodotoxin và tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá.

Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản, chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim.

Ngộ độc cá nóc hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu mà điều trị chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ tích cực, tiên lượng tử vong cao.

Theo BS Đinh Đạo, người dân tốt nhất không nên ăn cá nóc vì cực độc, nhiều bộ phận của cá từ trứng, da, gan… rất độc, được ví như độc của rắn cạp nong vậy vì nọc độc này sẽ gây liệt cơ, ảnh hưởng trực tiếp thần kinh, tim mạch.

BS Đinh Đạo cho hay để giảm thiểu những cái chết đau lòng từ cá nóc cần phải nâng cao nhận thức rộng rãi cho người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng để biết được tính chất rất nguy hiểm của loài cá này, vì có rất nhiều bộ phận gây độc chứ không đơn thuần như người dân nghĩ.

“Tại bệnh viện cũng có phát thanh hằng tuần, gửi tờ rơi giúp người dân nâng cao nhận thức đừng sử dụng cá nóc một cách tùy tiện” – BS Đạo nói.

Cá nóc độc như thế nào?

Theo khoa học, cá nóc (có nơi gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà), trên thế giới bộ cá nóc Tetraodontiformaes có 9 họ, bao gồm trên 400 loài thuộc 13 giống.

Ở Việt Nam đã thống kê được hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt là vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7).

Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với cyanua. Tetrodotoxin không phải là protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại.

 

 

LÊ TRUNG

TTO