Có nên khóc định kỳ để thanh tẩy bản thân?
Điều đầu tiên hầu hết con người làm khi đến thế giới này là khóc. Khóc là một phần tất yếu của cuộc sống, như thế thì việc rơi nước mắt định kỳ có phải là việc làm cần thiết không?
Có nên khóc định kỳ để thanh tẩy bản thân?
Khóc hay không khóc? Đó là vấn đề phức tạp Ảnh minh họa: Shutterstock
Trị liệu… khóc
Doanh nhân và tác gia Hiroki Terai, người sáng tạo đến từ Nhật Bản, đã thực hiện nhiều phiên trị liệu khóc. Trong vài năm qua, các phiên khóc tại Tokyo (Nhật) của ông trở nên phổ biến như một phương pháp tự chăm sóc mang lại hiệu quả cải thiện tâm trạng. Ông Terai tin, nhiều người bị căng thẳng nhưng không thể khóc tại nơi làm việc hoặc trước mặt gia đình. Các phiên trị liệu này được thiết kế để trở thành một lối thoát cho mọi người trải nghiệm giải phóng cảm xúc, theo Elemental.
Trong một buổi trị liệu bằng việc khóc, mọi người tụ tập cùng nhau xem những bộ phim buồn hoặc nghe những câu chuyện buồn, với hy vọng rằng nó sẽ giúp họ khóc. Yoshiko Nishikawa, người thực hiện hành trình dài 200 dặm từ Nagoya đến Tokyo để tham dự phiên trị liệu, đã ca ngợi những tác động này. “Tôi cảm thấy rất sảng khoái. Tôi ngạc nhiên. Bây giờ tôi đã khóc, tôi cảm thấy tốt hơn”, ông Nish Nishikawa nói với Elemental.
Các nhóm thường được điều phối bởi một người hỗ trợ có thể cung cấp một số tư vấn cơ bản cho những người cần. Nhưng người tham gia không cần phải nói về việc khóc, hoặc họ cảm thấy thế nào sau khi video kết thúc. Terai nhấn mạnh rằng các tác dụng giảm căng thẳng chủ yếu được tìm thấy trong hành động khóc.
Ông Terai chia sẻ trên Elemental: “Người ta nói rằng một giọt nước mắt có tác dụng làm giảm căng thẳng trong một tuần đấy”.
Buổi trị liệu khóc đầu tiên do ông Terai tổ chức đã được tổ chức vào năm 2013 tại Tokyo. Kể từ đó, ông đã thêm yếu tố phụ nhằm nâng cao hiệu quả của chúng. Bây giờ, Terai cố tình thuê những người đàn ông hấp dẫn làm trợ giảng. Họ không chỉ đi đầu trong việc khóc mà còn giúp những người tham gia lau nước mắt. Ông Terai cảm thấy người ngoại hình bắt mắt dẫn dắt nhóm làm tăng cường độ cảm xúc của phiên trị liệu.
Khóc có làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn?
Câu trả lời không đơn giản. Một số người cảm thấy tốt hơn sau khi khóc. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều người cảm thấy tồi tệ hơn. Ngoài ra, cảm giác tăng cường tâm trạng mà mọi người có được sau khi khóc có thể không thực sự do chính hành động khóc, theo Elemental.
Leah Sharman, tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Queensland (Úc), chuyên nghiên cứu về cảm xúc, phát biểu: “Khi được hỗ trợ bởi một người biết mình, người khóc có xu hướng cảm thấy tốt hơn những người khóc nhưng không nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh”. Vì vậy, sự thoải mái chúng ta nhận được từ những người khác là điều khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn chứ không phải hành động khóc.
Theo Elemental, nhiều người cảm thấy khóc hỗ trợ thể hiện cảm xúc, khiến họ cảm thấy tốt hơn. Nhưng một người trải nghiệm việc khóc ra sao thực sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả lý do tại sao khóc, liệu vấn đề khiến ta khóc có được giải quyết hay không, và quan trọng nhất là niềm tin của ta về việc khóc.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà tâm lý học từ Đại học Oxford (Anh) và Đại học Konstanz (Đức) xác nhận ý tưởng rằng niềm tin về việc khóc ảnh hưởng đến cảm giác của ta sau khi khóc. Những người tham gia có xu hướng tăng cường độ khóc nói rằng họ đã làm như vậy bởi vì tin rằng nó giúp họ cảm thấy tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng khóc trong một ánh sáng tích cực như vậy. “Một số người cho rằng khóc trước mặt người khác khiến họ cảm thấy xấu hổ. Hoặc việc khóc một mình khiến họ cảm thấy cô đơn hơn nữa. Nên khóc và cảm thấy tốt như thế nào từ hành động khóc phụ thuộc vào bối cảnh độc lập và được xác định riêng lẻ”, tiến sĩ Sharman nói với Elemental.
Sharman cho biết thêm, rất khó để hiểu liệu nhận thức chủ quan về cảm giác tốt hơn sau khi khóc là do chính hành động đó hay chỉ đơn giản là kết quả của thời gian trôi qua.
Ông Sharman giải thích: “Sau khi khóc, chúng ta thường cảm thấy bớt đau khổ theo thời gian. Điều này dường như ít liên quan đến việc khóc mà chủ yếu do thời gian. Nhưng hai điều – cơ thể chúng ta trở lại bình thường và giảm bớt đau khổ theo thời gian – kết hợp với nhau nhìn như có vẻ khóc làm ta cảm thấy tốt hơn”.
Khóc có làm giảm căng thẳng?
Hầu hết các nghiên cứu được đề cập ở trên đã kiểm tra khóc trong phản ứng với các yếu tố gây căng thẳng tự phát trong cuộc sống hằng ngày. Terai cho rằng khả năng giảm căng thẳng của khóc được khai thác khi thực hiện một cách thường xuyên – ngay cả khi không có bất kỳ tác nhân gây căng thẳng cụ thể nào. Ông cảm thấy khóc tương đương với bất kỳ hoạt động tự chăm sóc nào khác, chẳng hạn như uống một tách trà ấm hoặc tắm thư giãn sau một ngày căng thẳng, theo Elemental.
Thật không may, các nghiên cứu hiện tại không ủng hộ ý tưởng thói quen khóc làm giảm stress. Tiến sĩ tâm lý Sharman và các đồng nghiệp đã đo lường phản ứng sinh lý của người với căng thẳng về thể chất và xác định xem liệu nó có khác nhau giữa những người đã khóc và không khóc không.
Kết quả, như ông Sharman viết: “Chúng tôi thấy khóc không ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng và người khóc không chịu đựng nỗi đau dễ dàng hơn những người không khóc. Nhưng những người khóc kiểm soát nhịp thở của họ nhiều hơn. Điều này cho thấy, mọi người có thể nín thở khi khóc để bình tĩnh lại, và có lẽ dùng hành vi khóc để khởi xướng chiến lược làm dịu”.
Lợi ích lớn nhất của các buổi trị liệu khóc Terai là hỗ trợ tình cảm giữa các cá nhân. Sharman phân tích trên Elemental: “Khóc trong buổi trị liệu có thể rất hữu ích nếu một người cảm thấy buồn và dùng nhóm đó để hỗ trợ hoặc an ủi nếu họ cảm thấy thoải mái khi khóc trong không gian công cộng”.
Tóm lại, có nên khóc định kỳ hay không?
Từ tất cả những phân tích ở trên, ta thấy rằng, khóc là một quá trình cá nhân. Đối với người này khóc khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn nhưng với người khác, khóc lại hữu ích và có tác dụng thanh tẩy. Do đó, nếu muốn khóc thì đừng kìm nén, cứ khóc để thấy tốt hơn. Nếu không cảm thấy muốn rơi nước mắt thì thôi, ép uổng bản thân chi cho khổ, theo Elemental.
TẠ BAN
TNO