27/11/2024

Đàn ông đi cắt mí, hút mỡ: những điều cần cảnh giác

Hôm 27-12, một người đàn ông 43 tuổi ở Vĩnh Phúc đột ngột tử vong khi đang được làm dịch vụ hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn, 83 Nguyễn Khang, Hà Nội. Đây là tai biến nghiêm trọng nhất gặp ở một nam giới đi làm thẩm mỹ.

 

Đàn ông đi cắt mí, hút mỡ: những điều cần cảnh giác

Hôm 27-12, một người đàn ông 43 tuổi ở Vĩnh Phúc đột ngột tử vong khi đang được làm dịch vụ hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn, 83 Nguyễn Khang, Hà Nội. Đây là tai biến nghiêm trọng nhất gặp ở một nam giới đi làm thẩm mỹ.



Đàn ông đi cắt mí, hút mỡ: những điều cần cảnh giác - Ảnh 1.

Xe đưa nạn nhân rời Thẩm mỹ viện Việt Hàn trưa 27-12 – Ảnh: T.H

 

Thời gian gần đây, nhiều nam giới đi làm đẹp, thậm chí đi cắt, sửa như cắt mí, nâng mũi, hút mỡ… cho đẹp hơn. Làm sao để được phẫu thuật thẩm mỹ một cách an toàn?

Không phải dịch vụ nào cũng nên làm

Theo BS Nguyễn Đình Minh – trưởng khoa phẫu thuật, tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện E, khách hàng là nam giới tới sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ đã tăng nhanh trong khoảng 3 năm qua. Tại Bệnh viện E, số nam giới đến làm thẩm mỹ chiếm 10%, ở một số cơ sở khác có thể lên đến 20%. Nhưng không phải dịch vụ thẩm mỹ nào nam giới cũng nên làm.

Theo BS Minh, khách hàng nam giới đang tăng và họ chú ý nhất các dịch vụ chỉnh hình mặt để “đẹp trai” hơn. Cụ thể với nhóm trung niên là xóa nếp nhăn, tạo hình thành bụng (cụ thể là hút mỡ bụng), nhóm trẻ hơn thích nâng mũi, cắt mí mắt… Có thể có ai đó thấy lạ khi đàn ông cũng đi cắt, sửa để đẹp, cứ như là giới chị em, nhưng theo BS Minh, các bạn trai trẻ tuổi giờ đã không ngại ngần khi chỉnh sửa cho đẹp hơn.

“Các dịch vụ cắt mí, nâng mũi… thì phổ thông hơn, nhưng hút mỡ bụng nam thì buộc phải thăm khám kỹ trước khi chỉ định. Lý do là mỡ ở nam giới phân bố đều khắp cơ thể, không như ở nữ mỡ tập trung tại vùng bụng, đùi, mông và dưới da; nam giới có bụng to chủ yếu do mỡ nội tạng đẩy bụng to ra, vì vậy hút mỡ không có hiệu quả, ngoại trừ những trường hợp có mỡ dưới da và phải đo cục mỡ ấy xem có đủ dày để tiến hành hút mỡ được không. Thường một năm bệnh viện chỉ có 2-3 trường hợp đủ điều kiện về… mỡ để hút”- BS Minh cho biết.

Tương tự các BS Minh, BS Lê Điền (Bệnh viện Đông Đô) cũng cho biết khách hàng nam giới đang tăng và 15-20% khách hàng tới gặp anh là nam. Trong đó, khách hàng chỉnh hình mắt một mí thành hai mí hay nâng mũi ít hơn so với nhóm đến tiêm botox, filler xóa nhăn. 

Một số khách hàng nam lớn tuổi cũng chọn dịch vụ căng da mặt hoặc giảm béo. Đó là điều mà chỉ 3-5 năm trước đây, bác sĩ không thể mường tượng rằng nhu cầu làm đẹp ở nam giới gia tăng đến như vậy.

Đàn ông đi cắt mí, hút mỡ: những điều cần cảnh giác - Ảnh 2.

Quảng cáo cắt mí mắt, nâng mũi tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (ảnh chụp màn hình fanpage của cơ sở), trong khi cơ sở này chỉ được chăm sóc da, làm dịch vụ không gây chảy máu

Cảnh giác khi chọn cơ sở thẩm mỹ

Ca nam giới đi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn bị tử vong cho thấy một lỗ hổng quản lý rất lớn. Theo ông Nguyễn Dương Trung – phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, “Thẩm mỹ viện Việt Hàn là cơ sở dịch vụ thông thường, chỉ được phép chăm sóc da, thực hiện các dịch vụ không xâm lấn, nghiêm cấm làm dịch vụ gây chảy máu như xăm, tạo hình mí, mũi…”. Thế nhưng cơ sở này đã thực hiện những dịch vụ bị cấm từ rất lâu mà không ai kiểm tra, phát hiện, xử phạt.

Từ năm 2017, Việt Hàn đã quảng cáo và thực hiện dịch vụ nâng mí, chỉnh hình mũi, ngày 27-12 đã hút cả mỡ bụng trái phép khiến khách hàng tử vong. Trách nhiệm quản lý là của phường, của quận Cầu Giấy.

Nam và nữ đều có nguy cơ như nhau nếu lựa chọn sai, đến cơ sở không phép hoặc người hành nghề không có chuyên môn để làm thẩm mỹ. Đã có vô số người bị mù do filler làm tắc mạch ở mắt, bị hoại tử mũi, bị xơ cứng ở ngực, bị thủng môi và thậm chí tử vong do tai biến thẩm mỹ. 

Do nhu cầu làm đẹp gia tăng nên chưa bao giờ “thị trường thẩm mỹ” lại hỗn loạn như bây giờ. Theo BS Minh, đã có nhiều người hỏi anh có dạy các gói “cầm tay chỉ việc” cắt mí mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy… để họ đến học!

“Tôi tìm hiểu đã có những cơ sở dạy các khóa học này, cho người không có bằng bác sĩ, họ dạy khóa học cắt mí hay nâng mũi, sau đó những người học về… mở tiệm. Vì không biết nghề, họ sẵn sàng mổ những đường mổ sai, rạch chính giữa mũi để nhét vật liệu nâng mũi vào, khiến mũi khách hàng hoại tử, hay nâng mí mắt khiến mắt khách hàng luôn bị trợn, ngủ không nhắm kín được mắt, rồi bị mù vì tiêm filler…” – BS Minh nói.

Cơ quan chức năng “kêu khó”

Tại sao các vi phạm hầu như chỉ được phát hiện sau khi cơ sở làm đẹp có người bị tai biến? Mới đây, trao đổi với Tuổi Trẻ sau loạt bài “Tay ngang làm đẹp”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết việc quản lý đối với các cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ làm đẹp có tính đặc thù, khó khăn nhất định khi lực lượng quản lý không thay đổi, trong khi mật độ dân cư cùng với nhu cầu làm đẹp ngày một tăng.

Bà Mai cho rằng hiện có một số cơ sở không được cấp phép khám chữa bệnh (chỉ được cấp phép về massage, cắt tóc, gội đầu, ráy tai) đã biến tướng, tự “nâng cấp” để trở thành nơi phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện các kỹ thuật xâm lấn như tạo má lúm đồng tiền, hút mỡ, tiêm filler.

Tất cả đều được quảng cáo rầm rộ trên các trang web, Facebook… khiến nhiều người không tìm hiểu kỹ, tin lời “đường mật” để làm đẹp, không ít xảy ra biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. “Đó là một trong những khó khăn nhất được chúng tôi liên tục báo cáo Bộ Y tế, UBND TP và trong các kỳ họp HĐND TP. Việc kiểm soát các thông tin này vượt khỏi tầm của ngành y tế bởi hoạt động này diễn ra hằng giờ, có tính chất câu kết…” – bà Mai nói.

 

HƯƠNG THẢO

 

 

LAN ANH

TTO