11/01/2025

Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp kéo dài tuổi thọ

Một nghiên cứu mới ở Mỹ gợi ý rằng nhịn ăn từ 16-18 tiếng mỗi ngày có thể là chìa khoá giúp chữa nhiều loại bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Thực hư ra sao?

 

Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp kéo dài tuổi thọ

Một nghiên cứu mới ở Mỹ gợi ý rằng nhịn ăn từ 16-18 tiếng mỗi ngày có thể là chìa khoá giúp chữa nhiều loại bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Thực hư ra sao?


 

Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp kéo dài tuổi thọ - Ảnh 1.

Có một điều rõ ràng: tuổi thọ và chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với nhau – Ảnh minh họa

 

Trong bài viết khoa học mới đăng trên Tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine, một nhóm học giả người Mỹ đã dày công tìm hiểu các nghiên cứu trên người và động vật nhiều năm qua và gợi ý rằng việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm huyết áp, hỗ trợ giảm cân và cải thiện tuổi thọ.

Theo Đài CNN, báo cáo này có thể trở thành bản chỉ dẫn để các bác sĩ khuyến nghị nhịn ăn như một phương pháp phòng ngừa/điều trị nhiều loại bệnh như béo phì, ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch…

Tác giả chính của báo cáo là ông Mark Mattson – giáo sư thần kinh học thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Trong nghiên cứu, ông tập trung vào 2 chế độ ăn chính:

– Nhịn ăn theo khung giờ trong ngày (ăn trong 6-8 tiếng mỗi ngày, nhịn ăn 16-18 tiếng).

– Chế độ nhịn ăn 5:2 (nhịn ăn 2 ngày mỗi tuần, chỉ nạp tối đa 500 calo trong ngày nhịn ăn).

Nhịn ăn gián đoạn tác động ra sao lên cơ thể?

Các nghiên cứu trên loài gặm nhấm và người lớn thừa cân cho thấy phương pháp nhịn ăn gián đoạn cải thiện sức khỏe nói chung, nhưng người ta chưa rõ đây là lợi ích gián tiếp từ việc giảm cân hay bản thân chế độ ăn.

Theo GS Mattson, việc luân phiên giữa nhịn ăn và ăn bình thường có thể cải thiện sức khỏe tế bào thông qua việc kích hoạt chuyển hóa trao đổi chất. Theo đó, tế bào sẽ dùng hết năng lượng dự trữ, chuyển hóa mỡ thành năng lượng thay vì tích trữ mỡ.

Một nghiên cứu nhỏ hồi năm 2018 phát hiện 3 bệnh nhân nam bị tiểu đường tuýp 2 có thể ngừng nạp insulin sau khi giảm cân nhờ nhịn ăn gián đoạn – điều này trái ngược với niềm tin rằng bệnh tiểu đường là không thể chữa.

Còn trong một nghiên cứu khác cũng có sự tham gia của GS Mattson, họ quan sát thấy trao đổi chất thay đổi còn cải thiện khả năng chống stress bằng cách tối ưu hóa chức năng não và khả biến thần kinh ở người lớn.

Điều cần lưu ý là hiệu quả của nhịn ăn còn tùy thuộc vào chất lượng dinh dưỡng (khi ăn). Dẫn ví dụ người dân đảo Okinawa ở Nhật, nghiên cứu cho rằng chế độ ăn ít calo, giàu dinh dưỡng cộng với nhịn ăn gián đoạn giúp họ sống lâu có tiếng.

Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp kéo dài tuổi thọ - Ảnh 2.

Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp rất khó theo đuổi đối với nhiều người. Cần phải ăn đủ chất mới được nhịn ăn – Ảnh: New Atlas

 

Những khó khăn và hạn chế

Những tác động lâu dài của nhịn ăn gián đoạn cần phải được nghiên cứu thêm, các dữ liệu hiện có còn tương đối hạn chế.

Các nghiên cứu lâm sàng tập trung chủ yếu vào nhóm người trẻ thừa cân, người lớn độ tuổi trung niên, do đó các lợi ích không thể nói là tương tự đối với các nhóm khác, theo các nhà khoa học.

Bên cạnh đó, GS Mattson giải thích thói quen của hầu hết người Mỹ (và nhiều nước trên thế giới) là ăn 3 bữa mỗi ngày, có thể thêm cả ăn vặt, do đó các bác sĩ ít khi cân nhắc giải pháp nhịn ăn để chữa bệnh.

Do nghiên cứu này còn khá mới, nhóm khoa học khuyến nghị các bác sĩ theo dõi sát bệnh nhân trong suốt quá trình nhịn ăn gián đoạn, nên chuyển đổi từ từ để cơ thể làm quen thay vì nhịn ăn ngay lập tức.

Trong thời gian đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đói bụng, khó chịu và khó tập trung. Có đến 40% người tham gia bỏ cuộc trong một nghiên cứu về nhịn ăn gián đoạn của Hiệp hội Y khoa Mỹ hồi năm 2017.

“Theo bản năng, con người hay tự thưởng cho mình sau một công việc khó nhọc. Họ có nguy cơ sa vào thói quen ăn uống không lành mạnh trong những ngày không nhịn ăn” – TS Frank Hu, Trường Sức khỏe cộng đồng (ĐH Harvard), lưu ý.

 

 

PHÚC LONG