Những bức ảnh lịch sử và biểu tượng một thập kỷ qua sự lựa chọn của CNN
Trong suốt gần một thập kỷ qua, thế giới đã trải qua rất nhiều biến động về các mặt như chính trị, văn hoá, xã hội. Hãng tin CNN đã chọn lọc ra 100 bức ảnh đại diện cho những sự kiện ấn tượng nhất của thế giới trong 10 năm qua.
Những bức ảnh lịch sử và biểu tượng một thập kỷ qua sự lựa chọn của CNN
Trong suốt gần một thập kỷ qua, thế giới đã trải qua rất nhiều biến động về các mặt như chính trị, văn hoá, xã hội. Hãng tin CNN đã chọn lọc ra 100 bức ảnh đại diện cho những sự kiện ấn tượng nhất của thế giới trong 10 năm qua.
Trong suốt quá trình sàng lọc những bức ảnh mang tính lịch sử đã được chụp trong 10 năm qua, các biên tập viên ảnh của CNN đã nhiều lần bị sốc trước sự tàn phá và nỗi đau mất mát mà thế giới phải chịu đựng.
Đó là động đất ở Haiti, vụ nổ và sự cố tràn dầu Deepwater Horizon, vụ tấn công Benghazi, đại dịch Ebola, các vụ xả súng trường học liên tục tại Mỹ, thảm sát Las Vegas…
Bên cạnh đó còn là các bức ảnh kêu gọi quyền dân chủ và thay đổi như Mùa xuân Ả Rập, Venezuela, Hong Kong.
Ngoài ra còn có những bức ảnh gây xôn xao dư luận, thúc đẩy các chính phủ phải đưa ra hành động như hình ảnh em bé Honduran khóc khi mẹ bị bắt giam gần biên giới Mỹ – Mexico, trước đó là ảnh em bé tị nạn người Syria 5 tuổi Alan Kurdi trôi dạt vào bờ sau khi chết đuối ở ngoài khơi miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả những câu chuyện này được đan xen vào nhau trong 100 hình ảnh mà CNN đã lựa chọn. Mỗi hình ảnh đều mang tính biểu tượng theo giá trị riêng của nó và đôi khi chúng được các phóng viên ảnh chụp trong những tình huống hết sức nguy hiểm.
Mỗi bức ảnh đều đáng nhớ, ghi lại vĩnh viễn một khoảnh khắc trong lịch sử. Nó cho thấy tầm quan trọng và sự kỳ lạ của hình ảnh trong ý thức của chúng ta, đôi khi hình ảnh định hình lại ý kiến dư luận và ảnh hưởng đến chính sách.
Tuổi Trẻ Online chọn một số bức ảnh ấn tượng trong 100 bức ảnh của CNN đăng tải:
Năm 2010
Cindy Tersme lao vào tàn dư còn sót lại của trường Ecole St. Gerard, tại Port-au-Prince, Haiti sau khi xảy ra một trận động đất mạnh đến 7 độ ở đất nước này hồi tháng 1-2010. Tersme hét lên trong tuyệt vọng khi cô tìm được thi thể người em trai 14 tuổi của cô Jean Gaelle Dersmorne. “Tôi có thể nhìn thấy chân của thằng bé nhưng tôi không thể nào kéo nó ra được”, Tersme nức nở. Theo CNN, số người tử vong do trận động đất ước lượng khoảng 220.000 – 300.000 – Ảnh: The Washington Post
Một con chim bị nhấn chìm bởi dầu tại đảo Louisiana’s East Grand Terre vào tháng 6 -2010. Hai tháng trước đó, một vụ nổ đã xảy ra tại giàn khoan di động Deep Horizon của hãng dầu khí BP, tại vịnh Mexico. Trong 87 ngày liên tiếp, dầu và khí methan liên tục phun ra từ một cái giếng chưa được khai thác, cách mặt nước biển khoảng 1 dặm . Thời điểm ấy, Tổng thống Barack Obama đã miêu tả vụ tràn dầu là “thảm họa môi trường kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ” – Ảnh: AP
Nữ ca sĩ Lady Gaga mặc một chiếc váy làm từ thịt bò sống đến lễ trao giải MTV Video Music Award vào tháng 9 năm 2010. Sau đó, Gaga tiếp tục mặc chiếc váy đến tham dự buổi phỏng vấn trên chương trình truyền hình nổi tiếng The Ellen DeGeneres Show và cho biết: “Chiếc váy này có nhiều ý nghĩa, nhưng theo tôi nếu chúng ta không đấu tranh cho những gì chúng ta tin tưởng và tranh giành quyền lợi của chính mình thì dần dần chúng ta chỉ còn lại những quyền lợi đơn giản như thớ thịt trên xương chúng ta mà thôi” – Ảnh: AP
Bức ảnh nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, sau khung cửa sổ màu của chiếc xe cảnh sát đưa ông đến nhà tù London vào tháng 12-2010. Assange là nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối rò rỉ thông tin các tài liệu và video mật của chính phủ. Ông đã dành gần một thập kỷ tại Đại sứ quán Ecuador tại London sau khi chính phủ nước này cấp cho ông quy chế tị nạn. Tuy nhiên, quy chế này đã được rút lại vào năm 2019 và Assange đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ do cáo buộc tấn công mạng và trộm tài liệu mật. Ông Assange đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận hành vi phạm tội của mình – Ảnh: AP
Năm 2011
Sóng thần đổ ập vào thành phố Miyako, Nhật Bản sau khi một trận động đất mạnh 9,1 độ xảy ra tại đây hồi tháng 3-2011. Trận động đất tạo nên cơn sóng thần cao tới khoảng 38,9m và tiến vào đất liền khoảng 10km, gây thiệt hại lớn nhiều lò phản ứng hạt nhân trong khu vực. Đây là trận động đất lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản – Ảnh: Reuters
Một phiến quân ăn mừng khi đồng bọn bắn tên lửa vào quân đội của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi vào tháng 4-2011. Gadhafi đã bị giết vào tháng 10-2011 sau khi bị lực lượng phiến quân bắt giữ. Ông đã nắm quyền từ năm 1969 – Ảnh: Getty Images
Hoàng tử Anh William hôn người vợ mới cưới của mình – Catherine – tại ban công cung điện Buckingham hồi tháng 4-2011. Đám cưới lịch sử này được hàng triệu người trên thế giới chú ý và theo dõi – Ảnh: Reuters
Một cặp đôi hôn nhau giữa đường đi sau khi bạo loạn nổ ra tại thành phố Vancouver, British Columbia, vào tháng 6-2011. Những người hâm mộ khúc côn cầu đã nổi giận vì đội của họ thua cuộc tại Chung kết Stanley Cup. Sự việc khiến họ tàn phá nhiều khu vực trung tâm thành phố Vancouver – Ảnh: Getty Images
Bà Hillary Clinton khi còn đảm nhiệm chức ngoại trưởng Mỹ, đang kiểm tra chiếc điện thoại BlackBerry của bà trên chiếc máy bay quân sự hồi tháng 10-2011. Bà Clinton cho biết bà dùng email riêng để làm việc chính thức tại Bộ Ngoại giao và bà cảm thấy điều này rất thuận tiện. FBI đã điều tra xem liệu bà Clinton hay các trợ lý của bà có xử lý sai thông tin được phân loại một cách cố ý hoặc cẩu thả. Năm 2016, Giám đốc FBI James Comey cho biết ông sẽ không đề nghị buộc tội bà Clinton, thay vào đó ông đã khiển trách bà và các trợ lý vì “cực kỳ bất cẩn” trong việc xử lý thông tin mật – Ảnh: AP
Cô bé 12 tuổi Tarana Akbari hét lên sau khi một kẻ đánh bom tự sát tấn công đền Abul Fazel ở Kabul, Afghanistan, vào tháng 12-2011. Vụ nổ bom kép đã giết chết hàng chục người Afghanistan trong ngày lễ thánh Ashura – Ảnh: AFP
Quân đội Ai Cập bắt giữ một người biểu tình trong một cuộc đụng độ ở Quảng trường Tahrir, Cairo vào tháng 12-2011. Hình ảnh về người biểu tình bị chèn ép đã khiến những người biểu tình ủng hộ dân chủ giận dữ và khiêu khích an ninh Ai Cập. Quảng trường Tahrir là trung tâm biểu tượng của cuộc nổi dậy hạ bệ Tổng thống Hosni Mubarak hồi đầu năm nay – Ảnh: Reuters
Năm 2012
Một công viên giải trí ở Seaside Heights, New Jersey, bị bỏ hoang sau khi cơn bão Sandy tấn công khu vực này vào tháng 10-2012. Cơn bão đã gây ảnh hưởng đến 24 tiểu bang và toàn bộ vùng biển phía đông nước Mỹ, gây thiệt hại ước tính khoảng 70 tỉ USD – Ảnh: Getty Images
Năm 2013
Những người di cư châu Phi tại Djibouti giơ điện thoại để cố bắt tín hiệu rẻ tiền từ nước láng giềng Somalia vào tháng 2-2013. Djibouti là điểm dừng chân phổ biến của những người di cư châu Phi muốn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn tại châu Âu và Trung Đông – Ảnh: National Geographic
Các sĩ quan cảnh sát đứng cạnh vận động viên marathon Bill Iffrig khi vụ nổ thứ hai vang lên gần vạch đích tại cuộc đua Marathon Boston vào tháng 4-2013. 3 người thiệt mạng và ít nhất 264 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố này – Ảnh: Getty Images
Một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hơi cay khi người dân phản đối kế hoạch phá hủy công viên Gezi ở Istanbul của chính phủ vào tháng 5-2013. Các cuộc biểu tình dần biến thành phong trào phản đối chính phủ trên toàn quốc – Ảnh: Reuters
Ca sĩ Robin Thicke và Miley Cyrus biểu diễn trên sân khấu trong lễ trao giải âm nhạc MTV Video Music Awards vào tháng 8-2013. Màn trình diễn khiêu khích này đã xuất hiện trên hàng loạt phương tiện truyền thông và nhận được vô số ý kiến trái chiều – Ảnh: Getty Images
Đức giáo hoàng Francis ôm lấy Vinicio Riva, một người đàn ông dị dạng bị mắc bệnh di truyền không lây nhiễm trong buổi tiếp kiến công chúng tại Vantican vào tháng 11-2013. Hình ảnh về cái ôm này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội – Ảnh: Shutterstock
Năm 2014
Người biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát tại Kiev, Ukraine vào tháng 2-2014. Quảng trường Độc lập của Kiev trở thành trung tâm của các cuộc biểu tình chống chính phủ kể từ tháng 11-2013 khi Tổng thống Viktor Yanukovych thay đổi quyết định thỏa thuận thương mại với EU, thay vào đó chuyển sang Nga. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lật đổ ông Yanukovych và gây ra một chuỗi sự kiện trong đó có việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea – Ảnh: Getty Images
Người dẫn chương trình giải Oscars Ellen DeGeneres chụp ảnh selfie với các ngôi sao điện ảnh tại lễ trao giải vào tháng 3-2014. Diễn viên Bradley Cooper, người đứng hàng đầu tiên, là người cầm máy. Sau đó, bức ảnh này được DeGeneres đăng lên Twitter với dòng tweet hài hước: “Giá mà tay của Bradley dài hơn. Bức ảnh tuyệt vời nhất trước giờ”. Bức ảnh trở thành bài đăng được retweet nhiều nhất mọi thời đại – Ảnh: Twitter
Vào tháng 8-2014, một trực thăng viện trợ cho người Yazidi bị IS bao đã rơi trên núi Sinjar, miền bắc Iraq. Trong ảnh, những người sống sót sau vụ tai nạn được đưa lên trực thăng cứu hộ đưa tới vùng lãnh thổ của người Kurd. Phi công đã thiệt mạng trong vụ tai nạn nằm dưới những người bị thương – Ảnh: Magnum Photos
Edward Crawford ném trả một ống đựng hơi cay do cảnh sát bắn ra khi cảnh sát đang cố gắng giải tán người biểu tình ở Ferguson, Missouri, vào tháng 8-2014. Một số cuộc biểu tình trong thành phố đã biến thành cuộc đụng độ giữa những người dân và cảnh sát sau vụ việc thanh niên da màu Michael Brown không trang bị vũ khí, bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết – Ảnh: AP
Các chiến binh IS đứng gần khu vực không kích sát biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10-2014. Mỹ và một số quốc gia Ả Rập đã ném bom mục tiêu vào IS để loại bỏ khả năng chỉ huy huấn luyện và tiếp tế cho các chiến binh của nhóm này – Ảnh: Getty Images
Nam diễn viên George Clooney (phải) và vị hôn thê của anh, luật sư Amal Alamuddin, đến Venice, Ý, vào tháng 9-2014. Hai người kết hôn trong một buổi lễ riêng tư với sự tham gia của vài người bạn – Ảnh: Getty Images
Năm 2015
Trong bức ảnh chụp từ trên không hồi tháng 4 năm 2015, một khu nhà ở phát triển nằm sát bên rìa sa mạc chưa được phát triển ở Cathedral City, California. Đại diện chính quyền bang California, ông Jerry Brown yêu cầu các thành phố và thị trấn giảm 25% mức sử dụng nước để đối phó với tình trạng hạn hán – Ảnh: The New York Times
Những người di cư Rohingya nhảy khỏi thuyền để thu thập nguồn thực phẩm được cung cấp bởi quân đội Thái Lan từ một chiếc trực thăng vào tháng 5-2015. Chiếc thuyền nhồi nhét rất nhiều người di cư và trôi dạt trong vùng biển Thái Lan. Hơn 740.000 người Rohingya đã trốn sang nước láng giềng Bangladesh sau khi quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch bạo lực chống lại người thiểu số Hồi giáo. Myanmar cho rằng hành động của họ là đúng và mục tiêu của họ là những kẻ khủng bố – Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama gần dãy núi Alps của Bavaria vào tháng 6-2015. Thời điểm đó, ông Obama và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã có mặt ở Đức cho hội nghị thượng đỉnh G7 hàng năm – Ảnh: Getty Images
Nhà Trắng trang trí đèn chiếu trong màu sắc cầu vồng để kỷ niệm phán quyết của Tòa án Tối cao nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào tháng 6-2015 – Ảnh: Reuters
Caitlyn Jenner được vinh danh vì quyết định chuyển giới dũng cảm ở tuổi 65 trong lễ trao giải thường niên của kênh truyền hình thể thao ESPY, diễn ra tại Los Angeles, hồi tháng 7-2015. Caitlyn Jenner được biết tới như một vận động viên điền kinh với tên Bruce Jenner trước khi chuyển giới và là bố dượng của Kim Kardashian – Ảnh: Getty Images
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bị ném tiền vào mặt trong một cuộc họp báo ở Zurich, Thụy Sĩ, vào tháng 7-2015. Số tiền được ném bởi diễn viên hài người Anh Simon Brodkin, sau đó được đưa ra khỏi sân khấu. Blatter đã lãnh đạo FIFA từ năm 1998, nhưng ông đã quyết định từ chức khi FIFA đối mặt với các vụ bê bối tham nhũng – Ảnh: Reuters
Năm 2016
Hình ảnh này được lấy từ video do Trung tâm truyền thông Aleppo đăng tải, cho thấy một cậu bé ngồi trong xe cứu thương sau một cuộc không kích ở Aleppo, Syria, vào tháng 8-2016. Mất gần một giờ để đào cậu bé, được xác định là Omran Daqneesh, ra ngoài từ đống đổ nát, một nhà hoạt động nói với CNN. Cuộc không kích đã phá hủy ngôi nhà của anh, nơi anh sống cùng bố mẹ và hai anh chị em. Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào tháng 4 năm 2011 và vẫn đang tiếp diễn – Ảnh: Getty Images
Mevlut Mert Altintas chỉ tay sau khi ám sát Andrey Karlov, đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại một triển lãm ảnh ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng 12-2016. Altintas, một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó bị bắn chết trong vụ xả súng – Ảnh: Reuters
Năm 2017
Ông Donald Trump đắc cử vị trí tổng thống Mỹ đến dự lễ nhậm chức vào tháng 1-2017. Ông trùm bất động sản đã vượt qua bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 – Ảnh: Getty Images
Một người biểu tình bốc cháy trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Caracas, Venezuela, vào tháng 5-2017. Vụ việc xảy ra khi những người biểu tình đụng độ với cảnh sát và bình xăng của một chiếc xe máy của cảnh sát phát nổ – Ảnh: AFP
Một bệnh nhân lớn tuổi đang chờ được giải cứu khỏi cơn bão Harvey ở Port Arthur, Texas. Cơn bão Harvey đã ập vào thành phố Houston và san bằng nhiều ngôi nhà dọc theo bờ biển vùng vịnh của bang vào tháng 8-2017. Các nhà khoa học về môi trường cho rằng việc nước biển ấm lên đang làm cho các cơn bão mạnh hơn và gây nhiều thiệt hại – Ảnh: USA Today Network
Một cậu bé đang an ủi con tê giác Sudan khi chú tê giác đang hấp hối. Sudan là con tê giác trắng Bắc Phi đực cuối cùng trên thế giới. Loài tê giác trắng chỉ còn hai con cái và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng – Ảnh: Ami Vitale
Năm 2018
Khoảnh khắc lịch sử vào tháng 4-2018 khi Kim Jong Un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên bước chân vào lãnh thổ Hàn Quốc kể từ năm 1953. Trong ảnh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang chờ bắt tay ông Kim tại khu phi quân sự DMZ – Ảnh: Korea Summit Press Pool
Hoàng tử Anh Harry và người vợ mới cưới, Meghan, hôn nhau trên các bậc thang của Nhà thờ St. George ngay sau khi kết hôn ở Windsor, Anh, vào tháng 5-2018 – Ảnh: Getty Images
Vụ việc đạo diễn Harvey Weinstein bị cáo buộc tấn công tình dục đã châm ngòi cho phong trào #MeToo quốc tế. Ông đang được chuyển tới Sở cảnh sát New York hồi tháng5-2018. Ông bị cáo buộc hãm hiếp và lạm dụng tình dục trong các vụ án liên quan đến ba phụ nữ. Tuy nhiên, Weinstein phủ nhận tất cả cáo trạng – Ảnh: Reuters
Người mẹ di cư Maria Meza và hai cô con gái sinh đôi 5 tuổi của cô, Saira Mejia Meza và Cheili Mejia Meza, chạy trốn khỏi hơi cay ném ra tại biên giới Mexico và Hoa Kỳ. Hơi cay đã được bắn ra sau khi một số người di cư từ Mexico cố gắng vượt qua biên giới vào tháng 11-2018 – Ảnh: Reuters
Năm 2019
Khói và lửa bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà Paris vào tháng 4-2019. Một trận hỏa hoạn dữ dội đã gây thiệt hại nặng nề công trình kiến trúc 850 năm tuổi. Vụ cháy đã làm phần mái của nhà thờ hư hỏng nặng nề và khó có thể khôi phục – Ảnh: AFP
Nữ hoàng Elizabeth II của Anh nhìn chắt của mình, Archie, vào tháng 5-2019. Archie là con đầu lòng của Hoàng tử Harry, thứ hai từ trái sang, và vợ Meghan, Nữ công tước xứ Sussex. Hoàng tử Philip ở phía bên trái. Mẹ của Meghan, bà Doria Ragland, đứng bên phải cô – Ảnh: SussexRoyal
Những con chó kéo xe trên băng tan chảy Greenland vào tháng 6-2019. Mùa tan băng của Greenland thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 5. Greenland thường được các nhà khoa học coi là minh chứng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Băng tan từ Greenland có thể khiến mực nước biển dâng cao trở thành thảm họa đối với các thành phố ven biển trên khắp thế giới – Ảnh: AP
Thi thể của hai cha con người di cư người Salvador, Oscar Alberto Martínez và cô con gái gần 2 tuổi, Angie Valeria, nằm bên bờ sông Rio Grande gần Matamoros, Mexico, vào tháng 6-2019. Hai cha con chết đuối khi cố vượt sông đến Brownsville, Texas – Ảnh: AP
Một thập kỷ biến động và đầy ám ảnh qua những bức ảnh của The New York Times
TTO – Tuổi Trẻ Online giới thiệu tới độc giả những bức ảnh ấn tượng nhất thập kỷ qua do tờ The New York Times công bố.
TTO