11/01/2025

Bãi cọc cổ vẽ lại trận Bạch Đằng Giang

Các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử đều thống nhất rằng, bãi cọc cổ thuộc chiến trận Bạch Đằng năm 1288 vừa mới phát lộ ở Hải Phòng đã cho thấy tầm vóc vĩ đại và quy mô rộng lớn của chiến thắng Bạch Đằng.

 

Bãi cọc cổ vẽ lại trận Bạch Đằng Giang

Các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử đều thống nhất rằng, bãi cọc cổ thuộc chiến trận Bạch Đằng năm 1288 vừa mới phát lộ ở Hải Phòng đã cho thấy tầm vóc vĩ đại và quy mô rộng lớn của chiến thắng Bạch Đằng.
 
 
 
 
 
 

Hố khai quật cọc cổ tại Cao Quỳ /// Ảnh: Lê Tân

Hố khai quật cọc cổ tại Cao Quỳ   Ảnh: Lê Tân

 

 

“Hé lộ lịch sử” từ bãi cọc Cao Quỳ

Phát biểu mở đầu Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ (thuộc xã Liên Khê, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) do TP.Hải Phòng tổ chức sáng 21.12, TS Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu dưới nước (Viện Khảo cổ học), không giấu được cảm xúc: “Khi thấy bãi cọc Cao Quỳ, tôi đã vô cùng sung sướng. Từ năm 2015, tôi đã cùng Bảo tàng Hải Phòng và cán bộ văn hóa H.Thủy Nguyên đi dọc sông Bạch Đằng tìm bãi cọc mà chưa thấy. Chính vì vậy, khi phát hiện cọc trên gò đất sét ở Cao Quỳ, chúng tôi đã nghĩ ngay đến vai trò của nó trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288”.

Trận Bạch Đằng năm 1288 được coi như một trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông. Khi phát hiện ra trận địa này, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử
 

GS-TSKH Vũ Minh Giang

Còn TS Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học, cho biết: “Bãi cọc Cao Quỳ mới phát hiện có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn nhỏ xen kẽ. Cọc được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, lớp. Hệ thống cọc đều nằm ở lòng sông trước đây. So với cọc từng phát hiện ở Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa và Yên Giang (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) thì cọc tại Cao Quỳ to hơn, chân cọc không được đẽo nhọn, cách thức phân bố cũng khác.
 
Bãi cọc ở Quảng Yên mang tính phòng thủ chiến lược ở những vị trí hiểm yếu và có khả năng thu hẹp dòng chảy tạo thành rào cản chiến thuyền địch. Bãi cọc mới ở Cao Quỳ có khả năng dùng để ngăn chặn không cho giặc tiến vào sông Giá. Đây là lần đầu tiên, một loại hình di tích như vậy được phát hiện qua khai quật khảo cổ ở Hải Phòng”.
 
Ba hố khai quật cọc cổ tại Cao Quỳ Ảnh: Lê Tân

Ba hố khai quật cọc cổ tại Cao Quỳ    Ảnh: Lê Tân

 

Nói rõ hơn về vấn đề này, PGS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), phân tích: “Các triều đại phong kiến phương Bắc khi tiến vào nước ta bằng đường thủy luôn chọn cửa biển Bạch Đằng để đi vào vì nơi đây có độ sâu lớn, lòng sông rộng. Khi quân ta quyết đánh địch tại đây, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cho đóng cọc gỗ tại cửa các lạch triều, ngăn quân địch di chuyển vào đây, qua đó ép địch đi vào nơi đã bày sẵn thế trận. Dọc sông Bạch Đằng có nhiều lạch triều như thế, chính vì vậy, tôi cho rằng sẽ còn nhiều bãi cọc khác tương tự như ở di tích Cao Quỳ”.

“Một chiến dịch quân sự chứ không chỉ là một trận chiến đơn thuần”

Trước đó, vào chiều 20.12, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đã có buổi khảo sát thực địa bãi cọc. Lần đầu được thấy bãi cọc ở bờ phải sông Bạch Đằng, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Điều này làm đảo lộn khá nhiều những gì đã biết về trận Bạch Đằng năm 1288. Chúng ta vốn chỉ biết quân dân nhà Trần dẫn dụ, chọn giờ đánh địch để chiến thắng đế chế Nguyên Mông ở dưới khu vực Quảng Yên. Nhưng giờ ở đây lại có bãi cọc này. Ta phải gọi đại chiến công của nhà Trần năm 1288 tại Bạch Đằng là một chiến dịch quân sự chứ không chỉ là một trận chiến đơn thuần”. GS Lê Văn Lan cũng cho rằng, chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 là minh chứng cho sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 
GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành lịch sử – khảo cổ – dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nhận định bãi cọc gỗ vừa được khai quật là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông.
Bãi cọc cổ vẽ lại trận Bạch Đằng Giang - ảnh 2

 
“Trận Bạch Đằng năm 1288 được coi như một trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông. Khi phát hiện ra trận địa này, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử. Trước đây, chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra, với một điểm “neo” là bãi cọc đã được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và tất cả nghiên cứu trước đây đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua việc phát hiện bãi cọc ở Quảng Yên, cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch. Còn qua việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc đã tìm thấy ở Quảng Yên. Và qua đó chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ”, GS Vũ Minh Giang nói.
 
 
Ngoài ra, GS Vũ Minh Giang còn cho rằng: “Lâu nay đã có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay Hải Phòng, thì bây giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế, dân hai bên bờ sông hai địa phương đều có đóng góp, nhưng xét về cấu trúc địa chất thì việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn, vì có núi non phù hợp với phục binh, còn bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi đã được quân ta dụ địch vào để đánh”.
 
GS Vũ Minh Giang cũng cho biết nhiều nhà khoa học trên thế giới đã đánh giá chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có ý nghĩa vô cùng to lớn với lịch sử thế giới. “Đế chế Nguyên Mông lúc đó mạnh nhất thế giới. Họ đã mở rộng lãnh thổ từ Thái Bình Dương sang Địa Trung Hải. Họ đánh đâu thắng đó.
 
Với tham vọng tiến đánh xuống Đông Nam Á, đế chế Nguyên Mông đã 3 lần đánh nước ta. Tất cả đều thất bại. Sau thất bại năm 1288, đế chế Nguyên Mông dần dần suy yếu, lụi tàn. Chiến thắng của quân dân nhà Trần phần nào ngăn chặn tham vọng xâm lăng Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á của đế chế Nguyên Mông”.
 
Chính vì thế, TS Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho rằng ý nghĩa quan trọng nhất của bãi cọc mới phát lộ là cho thấy tầm quan trọng, sự lớn lao, vĩ đại của chiến trận Bạch Đằng. Cũng theo TS Trần Đình Thành, những bãi cọc hay tài liệu trước đây chưa thể mô tả được hết quy mô của trận chiến Bạch Đằng. Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu cần có nghiên cứu tổng thể toàn bộ trận chiến này.
 
“Chiến trận Bạch Đằng đã diễn ra từ Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) đến cửa biển Bạch Đằng. Trong khi các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu lại nghiên cứu rời rạc, từng khu vực. Bây giờ mới có sự liên kết. Qua đó, ta mới thấy chiến thắng Bạch Đằng lớn lao thế nào. Chúng ta nên khai quật ở nhiều khu vực. Xây dựng trận Bạch Đằng bằng hình tượng cụ thể, chứng minh bằng dấu ấn vật chất. Nếu làm được điều này thì sẽ mang lại kết quả rất lớn vì nhiều nhà khoa học quốc tế đã đánh giá trận Bạch Đằng là trận chiến quốc tế, có thể coi là di sản thế giới”.

Phát hiện lúc đào vườn

Ngày 1.10, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
 
Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ VH-TT-DL sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
 
Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288. 
 

Sông Bạch Đằng chảy giữa TX.Quảng Yên (Quảng Ninh) và H.Thủy Nguyên (Hải Phòng) là dòng sông lịch sử gắn liền với 3 chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đó là trận thủy chiến năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đem quân khiêu chiến nhử quân giặc vào trận địa bố trí rồi tung quân đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt.
 
Đến năm 981, hoàng đế Lê Hoàn học theo cách đánh của Ngô Quyền, sai quân sĩ đóng cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
 
Trong khi đó, trận đại chiến vào năm 1288 với đế chế Nguyên Mông của quân và dân nhà Trần do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy được các nhà sử học đánh giá là một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất và có ý nghĩa quan trọng với lịch sử thế giới thời điểm bấy giờ. Trong các trận chiến trên, dấu ấn cọc gỗ được thể hiện rõ nét. GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết: “Người Trung Quốc nói cọc gỗ là đặc sản quân sự Việt Nam”. Cho đến trước khi bãi cọc ở Cao Quỳ, xã Liên Khê được phát hiện và khai quật, mới chỉ có 3 bãi cọc được tìm thấy ở Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa ở TX.Quảng Yên.
 
 
 
LÊ TÂN 

TNO