11/01/2025

‘Hơi thở của quỷ’

Hiện nay trên các tuyến xe khách đến Đà Lạt nổi lên tình trạng cướp tài sản bằng cách dùng thuốc mê. Kẻ gian mời uống nước hoặc mời hút thuốc lá khiến hành khách rơi vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, lơ mơ, không kháng cự được.

 

‘Hơi thở của quỷ’

Hiện nay trên các tuyến xe khách đến Đà Lạt nổi lên tình trạng cướp tài sản bằng cách dùng thuốc mê. Kẻ gian mời uống nước hoặc mời hút thuốc lá khiến hành khách rơi vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, lơ mơ, không kháng cự được.


 
 
Hơi thở của quỷ - Ảnh 1.

Đà Lạt cảnh báo tình trạng đánh thuốc mê trên xe khách để cướp tài sản. Trong ảnh: Bến xe liên tỉnh Đà Lạt – Ảnh: MAI VINH

 

Người lạ đó có thể đã dùng một thứ thuốc có tên scopolamine để gây ảo giác, làm mất đi thần trí, đưa con người vào trạng thái như bị thôi miên, bị đánh thuốc mê để bị hại.

“Hơi thở của quỷ”

Thực tế kẻ gian đã đưa vào cơ thể nạn nhân thứ thuốc dạng uống hoặc hít như hít khói thuốc lá để cướp.

Scopolamine còn có tên hyoscine là thuốc dùng lâu đời. Đầu tiên, nó là một dược chất được chiết xuất từ cây thuốc có tên Atropa belladonna (ở nước ta có cây cà độc dược thuộc loại này) và được phân vào nhóm thuốc kháng tiết cholin (anticholinergic). Scopolamine phải dùng khi có đơn thuốc của bác sĩ. Do gây nhiều tác dụng phụ có hại nên hiện nay scopolamine chủ yếu dùng trị nôn, chống say tàu xe và dùng dưới dạng băng dán, mà không dùng dạng toàn thân là uống hay tiêm nữa.

Ngay từ khi ra đời, scopolamine với tác dụng kháng tiết cholin gây nhiều tác hại ở hệ thần kinh mà nó được mệnh danh là “hơi thở của quỷ”, gần đây nó hay được dùng để gây án.

Lợi dụng scopolamine để gây hại

Scopolamine dùng quá liều sẽ gây ngưng thở và tử vong. Còn dùng liều cao (chưa đến liều gây chết người) thì nó có tác dụng gây hoang tưởng, ảo giác rất mạnh, thậm chí gây mê đồng thời có khả năng làm mất đi thần trí của con người, đưa con người vào trạng thái như bị thôi miên. Nhiều báo cáo cho thấy scopolamine được tội phạm dùng để xóa trí nhớ, làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân sau khi gây án.

Ở nước ta, gần đây đã xảy ra những vụ việc mà nhiều nạn nhân trình báo họ bị thôi miên, đến mức ngoan ngoãn tự mở tủ đưa hết tài sản trong tình trạng vô thức và bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa làm những việc mà bản thân không ý thức được.

Những vụ việc như thế được cho là do tác dụng gây ảo giác, làm mất trí nhớ tạm thời của scopolamine. Và scopolamine có khả năng gây tác dụng như thế khi kẻ gian bí mật bỏ nó vào sữa, bia, nước giải khát… cho nạn nhân uống.

Scopolamine cũng chứa nhiều trong lá cây cà độc dược nên kẻ gian cũng có thể dùng lá cây này phơi khô, cắt nhỏ quấn thành thuốc lá hút và phà khói vào mặt nạn nhân. Khói đó chứa đủ scopolamine sẽ gây ảo giác cho nạn nhân.

Mọi người cần đề cao cảnh giác, không thân cận quá mức với người lạ có vẻ nhiệt tình, vồn vã với mình.

Tại Colombia có hơn 50.000 trường hợp dùng scopolamine gây án được báo cáo. Trong đó, nhiều phụ nữ ở Colombia trình báo với cơ quan cảnh sát địa phương rằng họ như bị bỏ bùa, bị kẻ gian điều khiển làm những việc như đưa hết tiền bạc, thậm chí bị hãm hiếp.

Không nên ăn uống, hút thuốc cùng người lạ

Thuốc scopolamine nếu đã uống vào bụng mà không tìm cách ói mửa thì khó lòng hóa giải được tác dụng của thuốc, nhất là liều thuốc dùng cao.

Còn khói thuốc cũng vậy, niêm mạc đường hô hấp hấp thu thuốc rất nhanh và nhiều, khi đã hít đủ liều rồi thì cũng khó hóa giải ngay được tác dụng của thuốc.

Khi kẻ gian phà khói thuốc gây ảo giác để cướp của, cần cố gắng không cho khói thuốc hại mình bằng cách nín thở, không hít khói thuốc vào đường hô hấp.

Công an TP Đà Lạt đã ra khuyến nghị rằng hành khách không ăn uống, hút thuốc cùng người lạ. Ngoài ra, bà con cần cảnh giác với việc người lạ bắt chuyện ở các bến xe để làm quen.

 

 

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC