11/01/2025

Trẻ tử vong vì người nhà tự ý điều trị

Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 liên tục tiếp nhận những trường hợp trẻ bị bỏng, rắn cắn… nhưng gia đình tự ý điều trị, gây hậu quả đáng tiếc…

 

Trẻ tử vong vì người nhà tự ý điều trị

Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 liên tục tiếp nhận những trường hợp trẻ bị bỏng, rắn cắn… nhưng gia đình tự ý điều trị, gây hậu quả đáng tiếc…


 

Trẻ tử vong vì người nhà tự ý điều trị - Ảnh 1.

Cháu bé 13 tuổi đã bị cưa chân do gia đình tự ý điều trị – Ảnh: BVCC

 

Mới đây, bé trai V.Đ.P., 15 tháng tuổi, ngụ ở tỉnh Lâm Đồng, nhập viện tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bỏng ở vùng bụng, ngực, cẳng chân và sốc nhiễm trùng tổn thương đa cơ quan.

Tự điều trị gây hậu quả đau lòng

Người nhà bé kể lại, trong lúc đi lại trong nhà bé đã quơ vào bình sắc thuốc của bà nội để trên bàn nên bị nước trong bình đổ ra gây phỏng. Sau đó, gia đình đã đưa bé lên bệnh viện tỉnh điều trị. Nhưng chỉ một ngày sau gia đình xin cho bé về, tự điều trị bằng cách đắp lá vào những vùng phỏng cho bé.

Khoảng 9 ngày sau, khi những vùng phỏng đã bị sưng tấy, có chỗ bị hoại tử, người nhà mới hoảng hốt đưa bé lên thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị. Lúc nhập viện bé đã trong tình trạng rất nặng, đã bị nhiễm trùng huyết. Dù các bác sĩ đã cố gắng tích cực điều trị cho bệnh nhi nhưng do bệnh đã quá nặng nên chỉ vài ngày sau gia đình xin đưa bệnh nhi về.

Các bác sĩ đều cho rằng trường hợp phỏng như bé P., nếu được chuyển đến bệnh viện điều trị sớm, tuân thủ điều trị thì bé sẽ được điều trị dễ dàng, không gặp bất cứ nguy hiểm gì. Nhưng trường hợp này gia đình đã tự ý xin về, sau đó lại tự điều trị bằng cách đắp lá cây. Những lá cây không sạch, khi đắp vào những vết phỏng đã gây nhiễm trùng huyết nặng, gây tử vong cho bệnh nhi.

Trẻ tử vong vì người nhà tự ý điều trị - Ảnh 2.

Cẩn thận khi bị các loại rắn độc cắn, không nên cắt lể, đắp thuốc – Ảnh: MINH TRẦN

 

Tưởng vô hại, nào ngờ…

Khi biết cháu bé P. không thể cứu sống được, ông bà cháu đã khóc rất nhiều. Ông bà không ngờ cách tự điều trị bằng lá cây tưởng như vô hại, lại có thể gây ra hậu quả đáng tiếc như vậy cho cháu trai của mình.

Bé L.M.U., 13 tuổi, ngụ tại Phú Yên, cũng là một trường hợp tương tự. Trong lúc đi cắt cỏ ngoài đồng, bé bị rắn cắn. Sau khi đến Bệnh viện Tuy Hòa, Phú Yên, bé được bác sĩ điều trị nhưng người nhà xin về. Nghe hàng xóm mách bảo, cha bé đã chở con mình đến thầy lang vườn tại địa phương để điều trị bằng cách cắt, lể, hút máu ở cả hai chân.

Tuy nhiên, sau vài ngày, vết thương ở chân trái bé không thuyên giảm, chân phải cũng bị sưng to, gây đau đớn. Lúc này gia đình mới hoảng hốt đưa bé trở lại Bệnh viện Tuy Hòa và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, do cẳng bàn chân phải bệnh nhi bị nhiễm trùng, hoại tử quá nặng, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ phần chân dưới cho bệnh nhi. Chân trái bệnh nhi cũng được các bác sĩ cắt lọc và hút dịch 3 lần những chỗ hoại tử nặng.

Rất nguy hiểm

Bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khoa này gặp không ít những cháu bé bị phỏng, rắn cắn, bị chấn thương, bị sốt… nhập viện trong tình trạng nặng không phải do bệnh của các cháu nặng mà do người nhà tự ý điều trị bằng cách cắt lể, đắp lá… Hậu quả nhiều cháu bị nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng máu, phải cắt bỏ chân, thậm chí gây tử vong.

Theo bác sĩ Minh Khôi, kiến thức về điều trị bệnh của người dân còn hạn chế, đặc biệt với người dân ở những vùng nông thôn. Tại những nơi này, nhiều người vẫn tin tưởng vào điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc ở những thầy lang vườn.

Nhiều gia đình khi được bác sĩ thông báo con em họ không điều trị được do đến bệnh viện trong tình trạng đã rất nặng, họ đã rất đau lòng trước những biến chứng xảy ra, thậm chí mất đi tính mạng của trẻ. Họ hoàn toàn không ngờ được rằng tự ý điều trị theo những cách mà gia đình tưởng là an toàn lại gây ra nhiều hậu quả đau lòng đến vậy.

Các cách xử lý

Theo các bác sĩ, khi bị rắn cắn, người nhà không nên đắp thuốc, đắp lá, mà làm sạch vết thương bằng xà phòng, đắp gạc vô khuẩn và đưa đến bệnh viện điều trị.

Với những trường hợp bị phỏng, cần ngâm vết thương trong nước nguội sạch, xả nhẹ dưới vòi nước mát khoảng 15 phút, sau đó đắp gạc vô khuẩn rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời đúng cách. Không bôi các loại mỡ, các loại mắm… với mong muốn cho mát vết phỏng vì bôi những loại này có thể làm trẻ bị nhiễm trùng, gây hoại tử da, nhiễm trùng máu.

 

 

THUỲ DƯƠNG